Làm gì khi bị phỏng?

Cập nhật: 02-03-2011 | 00:00:00

Phỏng là tai nạn thường gặp, tác nhân thường do lửa hoặc nước sôi. Biến chứng của phỏng là sốc phỏng và nhiễm trùng vết phỏng.

Các bước như sau: Trấn an người bị nạn. Làm nguội vết phỏng và giảm đau cho người bị nạn. Hô hấp nhân tạo nếu cần thiết. Hạn chế các khả năng làm nhiễm trùng vết phỏng. Đưa người bị nạn đến cơ sở y tế.

Cụ thể là sơ cứu như sau: Đặt người bị nạn nằm trên tấm drap hoặc vải sạch, để chỗ bị phỏng lên trên. Nếu trẻ đang bị cháy, dập tắt lửa càng mau càng tốt bằng cách: Nếu có sẵn xô nước hãy hắt nước lên người trẻ để dập tắt ngọn lửa (không áp dụng với trường hợp nạn nhân đang bị ướt xăng, dầu). Chụp kín trẻ bằng tấm vải hay mền (không dùng nylon vì sẽ cháy) hoặc lăn trẻ trên nền đất, làm như vậy sẽ hạn chế oxy gặp lửa nên lửa sẽ tắt. Cởi bỏ quần áo bị cháy, bị dính hóa chất, nước nóng... Dội nước lên vết thương liên tục trong khoảng 10 phút để làm mát ngay vùng bị phỏng, không cho nhiệt gây tổn thương thêm cho da. Đắp lên vết phỏng băng, gạc hoặc vải sạch không có lông tơ để tránh nhiễm trùng. Nếu không có sẵn băng hay gạc, bạn có thể dùng túi nhựa bao vùng bị phỏng ở tay chân lại.

Nếu vết phỏng nhẹ, sau khi rửa sạch vết phỏng có thể bôi pommade Silver Sulfadiazine (gồm Nitrat bạc và kháng sinh Sulfamide như Siliverine, Silvirine, Flammazine hoặc Silvadence...) sẽ giúp vết thương mau lành và tránh bội nhiễm. Nếu vết phỏng rộng và không nôn mửa, hãy cho người bị nạn uống nước để bù phần dịch bị mất qua vết phỏng. Nếu vết phỏng nhỏ, phỏng nông độ 1, luôn quan sát vết phỏng ít nhất 24-48 giờ để phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng vết phỏng như: đỏ, sưng, đau. Nếu có, thì nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế.

Nhanh chóng đưa người bị nạn đến cơ sở y tế khi thấy có các dấu hiệu nguy hiểm sau: Ngất xỉu, bất tỉnh. Tay chân lạnh. Khó thở. Phỏng diện rộng, phỏng sâu vì người bị nạn có thể bị mất một lượng lớn dịch tiết qua vết phỏng có thể đưa đến sốc phỏng do thiếu dịch. Phỏng ở những vị trí nguy hiểm như mặt, bàn tay, bàn chân, bộ phận sinh dục... vì gây sưng, nghẽn đường thở làm khó thở (phỏng vùng mặt, trong miệng) hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng hoạt động.

BS. BẠCH VĂN CAM

(Nguyên Trưởng khối Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Đồng 1)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên