Làm sạch đẹp môi trường: Trách nhiệm của cả cộng đồng

Cập nhật: 21-03-2014 | 00:00:00
Bên cạnh sự phát triển nhanh về công nghiệp, đô thị là gánh nặng môi trường, xã hội. Bằng trách nhiệm và tầm nhìn thực tế, các cấp, các ngành đã nỗ lực sáng tạo, nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, cùng các nhà tài trợ quốc tế thông qua nguồn vốn vay ODA để đầu tư xây dựng nhiều công trình làm sạch môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

  Tháp xử lý mùi tại nhà máy xử lý nước thải thuộc dự án thu gom, xử lý nước thải Nam Bình Dương 

 Bảo đảm nguồn nước sạch

Hàng năm cứ vào mùa nắng hạn, nhất là cao điểm tháng 3, tháng 4, không chỉ hai con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai bị nước mặn xâm thực (nhiễm mặn) mà nhiều con sông khác trong vùng cũng đều bị ảnh hưởng do sự sụt giảm mạnh nguồn nước ngọt từ đầu nguồn. Thấy được thực tế trên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng hai nhà máy cấp nước lớn, đạt tiêu chuẩn nước sạch loại A (QCVN14.2008). Nhà máy cấp nước Khu liên hợp (TP.TDM) đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, doanh nghiệp khu vực TP.Thủ Dầu Một và các huyện phía bắc gồm Bến Cát, Tân Uyên, Dầu Tiếng. Nhà máy cấp nước Dĩ An cung cấp nước sạch cho người dân, doanh nghiệp các thị xã phía nam gồm Thuận An, Dĩ An và một phần quận Thủ Đức (TP.HCM).

TỔNG GIÁM ĐỐC BIWASE NGUYỄN VĂN THIỀN:  “Không thể có cuộc sống tốt nếu môi trường không tốt...”

Nỗ lực của Bình Dương là phát triển đô thị văn minh sạch đẹp, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuốc sống cộng đồng hôm nay và con cháu mai sau. Không thể có cuộc sống tốt khi môi trường không tốt. Từ đó Biwase đã tìm kiếm công nghệ, chọn lọc nhà đầu tư để xây dựng những nhà máy xứng tầm, hiện đại. Những thành công bước đầu là động lực để chúng tôi tiếp tục đầu tư phương tiện để nạo vét những dòng kênh, rạch nhằm trả lại sự tự nhiên ban đầu của nó. Để xây dựng đô thị hiện đại cần thiết phải có nếp sống văn minh. Bảo vệ môi trường là trực tiếp bảo vệ cuốc sống của chính mình.

Để bảo đảm nguồn nước sạch về nhà máy xử lý, ngoài việc đầu tư, xây dựng hệ thống thiết bị tự động, điều khiển từ xa nhằm bảo đảm liên tục nguồn nước, Biwase còn đầu tư thêm hệ thống quan trắc tự động trên cả hai con sông lớn nhằm kiểm tra tình hình, độ nhiễm mặn để kịp thời chuyển nguồn. Giám đốc Nhà máy cấp nước Khu liên hợp Phạm Văn Chiến, giới thiệu: “Nhờ bám sát nhiệm vụ, nắm bắt quy luật thời tiết và chu kỳ mặn xâm nhập, với công nghệ vận hành Scada hiện đại và kết quả quan trắc thường xuyên đã giúp các nhà máy kịp thời lách, tránh, chuyển nguồn sử dụng nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sạch đạt chuẩn cho khách hàng”.

Tổng Giám đốc Biwase Nguyễn Văn Thiền, cho biết: “Hiện hai nhà máy cấp nước lớn đã chạy vượt công suất thiết kế, đạt 250.000m3/ngày đêm. Thấy được thực tế, chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước bằng cách phát triển mạng lưới đường ống phủ kín các đô thị, khu dân cư, vượt qua sông Sài Gòn lên huyện Dầu Tiếng và bảo đảm cung cấp đủ nước cho hai huyện mới thành lập là Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên”.

Thu gom, xử lý tốt nước thải

Từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản, thông qua Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (Jica), UBND tỉnh đã giao Biwase làm chủ đầu tư dự án Nhà máy thu gom, xử lý nước thải Nam Bình Dương. Dự án đã hoàn thành giai đoạn I với công suất xử lý đạt 17.000m3/ ngày đêm. Nhờ chính sách miễn giảm thu phí xử lý trong 2 năm đầu, sự hỗ trợ kỹ thuật, thiết kế, thi công của đối tác, Biwase đã thực hiện đấu nối vượt kế hoạch, nhà máy đạt công suất xử lý 7.000m3/ngày đêm, góp phần giải tỏa được áp lực nước thải, nhất là các khu nhà trọ, nhà hàng, nhà cao tầng… Ông Trần Văn Minh, chủ hộ 117/28, tổ 4, khu phố 2, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một (hẻm cây xăng Thiên Tạo, đường Phú Lợi, ngã ba Nam Sanh), chia sẻ: “Trước đây dù trời không mưa nhưng ngoài sân vẫn tràn ngập nước thải. Thấy tôi làm đơn xin đấu nối nước thải, hàng xóm ùn ùn nhau làm theo. Tính ra chi phí xử lý còn rẻ hơn thuê mướn xe đến bơm hút, sửa chữa. Chưa kể nếu nước thải không được thu gom xử lý sẽ tiềm ẩn biết bao hiểm nguy cho sức khỏe”.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải, giới thiệu: “Bằng công nghệ cải tiến dòng liên tục ASBR, sau đó chuyển sang nhà khử trùng, lượng bùn dư thải ra được chuyển đến bể cô đặc để tách nước ra khỏi bùn và chuyển bùn ra ngoài làm nguyên liệu sản xuất phân Compost hoặc đốt cháy. Phần còn lại là quy trình xử lý mùi và khử trùng lần cuối bằng công nghệ Chemical Scrubber, kết hợp khử trùng bằng tia UV để nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn cột A (QCVN 14:2008/ BTNMT). Tất cả các quy trình này đều diễn ra một cách tự động và gần như khép kín nên bảo đảm an toàn về mùi, tiếng ồn và các yếu tố kỹ thuật khác. Vì thế nhà máy mới được phép nằm bên bờ sông Sài Gòn và ở trong khu dân cư”.

Vì một đô thị văn minh, hiện đại

Thành công lớn nhất của Bình Dương được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm là việc thu gom gần như toàn bộ rác thải để xử lý thành nhiều sản phẩm hữu ích và không gây quá tải bãi rác, tốn hao quỹ đất để chôn lấp như các nơi đã làm. Hiện mỗi ngày Biwase thu gom trên 1.000 tấn rác các loại, đứng thứ ba cả nước. Sau khi được phân loại trực tiếp trên băng chuyền, rác thải sẽ được chuyển về hầm ủ để sản xuất phân Compost với công suất 420 tấn/ ngày. Sản phẩm đạt các yêu cầu về dinh dưỡng, được Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đăng ký khảo nghiệm cho 7 loại phân bón khác nhau được sản xuất từ quá trình xử lý rác thải sinh hoạt.

Nhiều loại “rác thải” đặc biệt khó xử lý như bê tông, sắt, đá và các thành phần vô cơ khác sẽ được nhà máy tiếp tục phân loại, tổng hợp để sản xuất ra các loại bê tông tươi, bê tông đúc sẵn, vật liệu xây dựng không nung như gạch tự chèn, gạch 2 lỗ, 4 lỗ truyền thống. Ngoài ra chất khí phát sinh trong quá trình xử lý cũng được thu hồi để vừa không gây mùi hôi vừa tận dụng để đốt lò, chạy máy phát điện, chế biến ra các loại hóa chất, phụ gia có giá trị kinh tế, góp phần làm giảm chi phí vận hành giải quyết triệt để các tồn dư sau tái chế.

Một loại chất thải “cứng đầu” và khó xử lý nhất là nước rỉ rác cũng được tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp bằng tháp stripping, xử lý sinh học, xử lý hóa lý kết hợp xử lý hóa học để đạt quy chuẩn xả ra môi trường loại A theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 25:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường, đồng thời thỏa mãn được các vấn đề kỹ thuật phức tạp.

Thực tế trên đã được đại diện nhà tài trợ, bà Tuijia Brax, Chủ tịch Ủy Ban Kiểm toán - Nghị viện Phần Lan cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevita, trực tiếp chứng kiến và cam kết sẽ tiếp tục tài trợ để góp phần xây dựng Bình Dương trở thành một thành phố sạch đẹp, văn minh và hiện đại.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên