Làm sao để người dân không phải “chọn” vàng và ngoại tệ

Cập nhật: 17-03-2011 | 00:00:00

Nhà nước đang dùng nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ, tuy nhiên không thể quản lý thị trường này chỉ đơn thuần bằng biện pháp hành chính trong khi tỷ giá liên ngân hàng đưa ra luôn có khoảng cách khá xa với thị trường tự do, mặt khác việc người dân muốn cất giữ vàng và ngoại tệ là hoàn toàn chính đáng trong nền kinh tế thị trường.

 

Thị trường vàng và USD đang được ngành ngân hàng siết chặt

Gần đây Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh việc giao dịch vàng và ngoại tệ trên thị trường tự do, quyết liệt nhất là cấm mua bán vàng miếng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân đang nắm giữ vàng miếng, mặc dù vậy việc lộn xộn mua bán vàng vẫn diễn ra. Có người cho rằng do người dân thiếu thông tin nên mới để các tiệm vàng nhân cơ hội này trục lợi, thế nhưng xét về khía cạnh khác thì không hoàn toàn như vậy, hơn nữa những người đang cất giữ nhiều vàng miếng không phải là những người ít thông tin mà ngược lại họ tương đối nhạy bén với thời cuộc.

Chúng ta đang có cuộc vận động lớn “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, người dân ủng hộ cuộc vận động này với tinh thần dân tộc cao, nhưng đó là những hàng hóa thông thường, còn tiền Việt Nam lại là chuyện khác, có cách nào để người dân từ bỏ thói quen cất giữ vàng hay đô la để chuyển qua cất giữ tiền VND? Trả lời câu hỏi này, chúng ta thử làm một bài toán: Ngày 1-9-2010 tỷ giá VND/USD là 18.932 VND/1 USD (tỷ giá liên ngân hàng), người dân dùng 1.000 USD đổi 18.932.000 VND gửi vào Ngân hàng  Xuất  nhập khẩu  Việt Nam thời hạn 6 tháng với lãi suất 12,85% năm. Ngày 1-3-2011 người dân rút vốn và lãi được 20.180.000 VND (đã làm tròn tăng thêm), cũng tỷ giá liên ngân

hàng ngày 1-3-2011 là 20.668 VND/USD, như vậy thay vì không cần gửi tiết kiệm USD (cùng thời điểm là 4,5%/năm) chỉ cần giữ số USD trên ở nhà người dân đó cũng không  bị  thiệt hại  số tiền là: 20.668.000 - 20.180000 = 488.000 VND.Không thể mong muốn người dân từ bỏ cất giữ ngoại tệ sang cất giữ đồng nội tệ, tiền tệ nói chung ngoài chức năng trao đổi còn có một chức năng vô cùng quan trọng khác  đó là chức năng cất giữ giá trị. Mà giá trị đích thực của đồng tiền là sản xuất với năng suất cao, đồng tiền phản ánh trình độ sản xuất, trình độ quản lý sản xuất của một quốc gia, việc ổn định chính trị mới chỉ là một điều kiện cho sản xuất chứ không quyết định năng suất sản xuất, do đó không phải là điều kiện để quyết định giá trị của đồng tiền. Như vậy việc người dân găm giữ ngoại tệ và vàng là một lựa chọn chính đáng nhất trong thời kinh tế hội nhập và trong thực trạng nền kinh tế của đất nước.

Việc liên tục đưa tỷ giá thấp hơn tỷ giá thị trường tự do mà lại chỉ có mua chứ không có bán, kể cả lý do chính đáng thì làm sao người dân có thể tin vào một lời nói bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân? Việc làm này làm chúng ta liên tưởng đến cuộc chiến tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc, vì muốn khuyến khích xuất khẩu mà Bắc Kinh luôn áp đặt tỷ giá cao, nhưng các ngân hàng Trung Quốc sẵn sàng mua lại ngoại tệ của người dân với tỷ giá đó, còn các ngân hàng của chúng ta thì sao? Chính vì lẽ đó mà tồn tại thị trường chợ đen không kiểm soát nổi ở Việt Nam.

Người dân thường quan tâm đến chức năng cất giữ giá trị của đồng tiền đặc biệt là ngoại tệ chứ không phải là muốn giữ tờ đô la hay vàng miếng trong nhà, nếu như Nhà nước giải quyết được vấn đề này thì việc kiểm soát thị trường chợ đen sẽ không còn khó khăn nữa. Đã có giải pháp được đưa ra của các chuyên gia như tín phiếu vàng, nhưng ngân hàng có thể chấp nhận cho người dân dùng tiền Việt quy đổi ra ngoại tệ theo tỷ giá hiện hành để gửi tiết kiệm theo lãi suất của ngoại tệ đó, nhưng khi rút tiền gửi sẽ quy đổi từ ngoại tệ theo tỷ giá thực tế lúc rút để lấy tiền thực tế là VND? Làm được điều này không còn người dân nào mua ngoại tệ ở chợ đen về cất giữ ở nhà nữa, ngân hàng cũng không cần phải chứng minh tỷ giá đưa ra là xa thực tế, quan trọng hơn không ảnh hưởng gì về khối lượng dự trữ ngoại tệ của Nhà nước.

Nhìn lại thị trường hàng hóa ở Việt Nam, những mặt hàng có giá trị cao mặc dù chính thống made in Việt Nam nhưng giá bán vẫn được tính theo USD, đặc biệt là ô tô. Hơn thế nữa khi mua giá quy đổi người mua cũng không được trả theo tỷ giá liên ngân hàng mà phải theo thị trường chợ đen, như vậy làm sao người dân không muốn chuyển thành quả lao động của mình thành đồng tiền bảo đảm được giá trị của thành quả đó.

Kiểm soát thị trường vàng bạc và ngoại hối là cần thiết nhằm ổn định vĩ mô nền kinh tế, nhưng như liều thuốc trị bệnh nếu không đúng bệnh, không đủ liều thì kết quả thu được sẽ không như ý muốn, đôi khi có tác dụng ngược, hy vọng những biện pháp của Chính phủ sẽ sớm lập lại trật tự của thị trường vốn rất nhạy cảm này.     

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên