Làm sao hàn gắn?

Cập nhật: 16-12-2011 | 00:00:00

Em tôi nói, biết cưới vợ mà khốn khổ như vậy, nó chẳng cưới làm gì...

Tôi ngó sững thằng em ruột và đứa em dâu. Không ngờ sự thể lại như thế. Hà, em út của tôi cưới vợ được gần 3 năm. Nhà Vân, vợ nó chỉ cách nhà tôi mấy bước chân. Hai đứa biết nhau từ nhỏ nhưng chỉ chính thức yêu nhau 3 tháng trước khi cưới. Khi chúng cưới nhau, ba tôi đã bị tai biến nằm một chỗ. Nhiều người can ngăn mẹ tôi: “Con Vân là con một, sung sướng từ bé. Cưới nó về, có khi phải làm dâu lại cho nó”. Mẹ tôi cũng e ngại nhưng thương con, đành chìu theo. Biết vậy nên em tôi an ủi: “Mẹ yên tâm, con biết dạy vợ con mà”.

 Nhà có 4 anh em trai đều đã có gia đình. Giàu út ăn, khó út chịu. Vì vậy, sau khi Hà cưới vợ thì chúng tôi mua một căn nhà ở Gò Vấp, dọn ra ở riêng. Cứ đôi ba bữa, tôi lại ghé về thăm. Những lần đầu, thấy mẹ vừa tắm rửa cho ba, vừa cơm nước dọn dẹp, tôi ngạc nhiên: “Sao con Vân không làm mà để mẹ làm?”. Mẹ tôi lắc đầu: “Nó mới về chưa quen. Thôi, để mẹ làm, cũng không có gì đâu”. Mãi cho đến khi dọn cơm lên thì mới thấy Vân về tới. Cô cười hồn nhiên: “Em về bên nhà mẹ em. Hôm nay mẹ nấu bún bò, em ăn no rồi”.

Những ngày sau, thấy Vân đã quen, tôi nhắc khéo em dâu: “Cái tay mẹ đau. Em coi phụ mẹ cơm nước, giặt giũ...”. Vân sụ mặt: “Em muốn làm mà mẹ có cho đâu? Em đụng vô cái nào, mẹ cũng bảo để đó cho mẹ...”.

Biết là giữa mẹ chồng, nàng dâu có điều không thuận, tôi nói riêng với mẹ: “Em nó mới về, mẹ đừng xét nét quá. Cứ để nó làm, hư thì sửa”. Nhưng mẹ tôi buồn rầu: “Nó nói vậy chớ không phải vậy đâu. Nhiều khi mẹ nhờ bắt nồi cơm, nó cũng quên; kêu nó đi rót nước cho ba uống thuốc, nó vô phòng rồi ngủ luôn...”.

Được hơn 3 tháng thì Vân có thai. Cô đòi về nhà mẹ ruột ở. Tôi bảo Hà: “Hai nhà cạnh nhau, ở bên này hay bên kia cũng vậy thôi”. Ý tôi không muốn cho Vân đi nhưng em tôi lại hiểu ngược lại. Vậy là nó lẹ làng xách đồ đạc của vợ sang nhà cha mẹ vợ, quên cả hỏi ý kiến mẹ. Khi mẹ tôi biết được, hai mẹ con đã cãi nhau. Cuối cùng, nó phải đi đón vợ về.

Hôm đó, có Quyên, vợ tôi ở đấy. Nàng bảo Vân: “Em ráng một lúc nữa thôi. Anh chị đang tìm người giúp việc”. Vân đặt điều kiện: “Nhưng em giao trước, em không nấu cơm, không chăm sóc ba đâu đó. Em không quen…”. Vợ chồng tôi chỉ biết nhìn nhau lắc đầu. Còn mẹ tôi thở dài, nói riêng với Quyên: “Mẹ chỉ mong nó được bằng nửa con là có phước lắm rồi”.

Quyên đã làm dâu mẹ tôi gần 10 năm. Nàng hiền lành, chịu khó. Hễ đi làm thì thôi, về tới nhà là xắn tay áo vô bếp cơm nước, dọn dẹp. Kể từ khi ba tôi bị tai biến, nàng lại trở thành người hộ lý tận tụy chăm sóc cho ông. Hỏi làm sao mẹ chồng không thương? Trong thâm tâm, bà vẫn muốn sống với vợ chồng tôi nhưng Hà là con út. Nó không giỏi giang như các anh, không có công ty, cửa hàng riêng mà chỉ là một nhân viên kế toán bình thường. Bà muốn nó ở chung để có thể nhín bớt phần mình cho con.

Thế mà giờ đây, mọi tính toán của bà đã đi sai quỹ đạo. Thằng út tuy không dám cãi lời mẹ nhưng cũng không dám làm trái ý vợ. Và bây giờ, sau 3 năm chung sống, vợ nó lại đòi ra riêng. Tôi rất giận nên tức tốc chạy về. Vợ chồng Hà không có ở nhà. Mẹ tôi đang cùng chị giúp việc lau rửa, cho ba tôi ăn qua đường ống sol. “Thằng  út đâu mẹ?”. Mẹ tôi lắc đầu: “Hình như hai vợ chồng nó dắt con về bên ngoại”.

Lát sau vợ chồng Hà về tới. Trông thấy vẻ mặt hầm hầm của tôi, Vân có hơi giật mình nhưng rồi lại tươi cười: “Anh hai mới qua”. Tôi nói ngay: “Hai vợ chồng bây nghe anh hỏi, tại sao lại muốn ra riêng?”. Hà buồn rầu: “Em đâu có muốn nhưng vợ em không chịu. Em đã nói rồi mà Vân không nghe…”. Tôi dịu giọng: “Anh muốn hai đứa suy nghĩ kỹ lại đi. Không thể bỏ ba mẹ một mình trong khi ba đang đau bệnh như vậy…”. Vân mau mắn cắt lời: “Thì anh chị lại dọn về ở với ba mẹ như hồi trước. Dù sao thì chị hai với mẹ cũng hiểu biết tính ý nhau rồi, sẽ dễ sống hơn. Em chỉ muốn anh hai cho em một số vốn để em làm ăn...”.

Tôi bỗng thấy giận sôi lên: “Chúng mày thật vô liêm sĩ”. Tôi vừa dứt lời, mẹ tôi đã vén màn bước ra. Trên tay bà là một cái hộp tròn. Bà ngồi xuống bộ ván: “Để mẹ chia cho nó”. Mắt Vân sáng lên, cô nhìn chồng vẻ đắc ý. Trong khi đó, tôi thấy mặt Hà sa sầm. Nó bước đến cạnh mẹ: “Sao mẹ lại làm như vậy? Con không cần. Chuyện của tụi con, hãy để tụi con tính. Hôm nay sẵn có anh hai ở đây, để con nói luôn…”.

Dứt lời, nó đi về phòng riêng, lát sau quay ra với một tờ giấy. Nó đưa tờ giấy cho vợ: “Em đọc đi rồi ký vào. Anh không muốn kéo dài tình trạng này nữa, anh không muốn phải đứng giữa mẹ và em. Em ký đi rồi anh đưa em về bên kia”. Vân nhìn vào tờ giấy rồi nhìn chồng, há hốc không nói thành lời. Có lẽ em dâu tôi không ngờ, người chồng luôn bị nó chê là yếu đuối, nhu nhược lại dám đòi ly hôn. Bất ngờ Vân chồm lên, hai tay đập mạnh xuống bàn: “Anh dám hả?”.

Thấy tình hình căng thẳng, mẹ tôi định can ngăn nhưng thằng út đã dìu mẹ vào phòng: “Xin lỗi mẹ, nhưng chuyện của con, mẹ để con tính”. Tôi ngơ ngác, không tin thằng em mình có thể quyết liệt như vậy.

Hà bỗng như một người khác. Nó nhìn thẳng vợ, dằn từng tiếng: “Anh không còn sức để chịu đựng nữa. Trước đây, anh cứ hi vọng em sẽ sửa đổi. Anh đã cố nhường nhịn em để gia đình hòa thuận nhưng em không chịu hiểu, không xem gia đình anh là gia đình của em. Em hãy nói đi, gia đình anh có điều gì không phải với em? Hay chỉ là em cố tình gây khó? Anh đã nói với em không phải một lần… Nếu em không đồng ý ly hôn, anh cũng không ép. Nhưng anh sẽ không sống chung với em nữa”.

Vân sững sờ. Rồi cô gào khóc. Thằng út xách xe bỏ đi. Chỉ còn lại tôi với cô em dâu. Tôi lúng túng: “Thôi, em nín đi. Nó giận thì nói vậy thôi…”. Nhưng Vân mếu máo lắc đầu: “Em biết tính anh Hà, ảnh không nói thì thôi chớ nói là ảnh làm. Em phải làm sao bây giờ anh hai?”.

Tôi không biết nói sao nên cứ nấn ná chờ Hà về. Nhưng tôi chờ mãi mà vẫn chẳng thấy nó đâu. Gọi điện thoại thì nó không bắt máy. Vân vẫn sụt sịt: “Thôi, anh hai về đi, để em qua nhà ngoại đón thằng nhỏ”.

Tối đó Hà gọi điện thoại cho tôi: “Em xin lỗi anh hai nhưng thật sự em không thấy có gì vui vẻ trong cuộc hôn nhân này. Biết cưới vợ mà khốn khổ như vậy, em chẳng cưới làm gì”.

Trong câu chuyện này, bỗng dưng tôi trở thành chuyên gia hòa giải. Nhưng tôi không biết làm cách nào để hàn gắn cuộc hôn nhân này? Điều quan trọng hơn là tôi không biết, nếu hàn gắn được thì nó có bền chặt hay không?

Theo NLĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên