Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Lần đầu tiên Việt Nam quy định rõ hành vi hủy hoại đất

Cập nhật: 09-04-2020 | 09:04:59

Ngày 19-11-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Nghị định 91) thay thế Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10-11-2014. Nghị định 91 có hiệu lực từ ngày 5-1-2020. Nghị định 91 được bổ sung thêm một số điểm mới đáng lưu ý, lần đầu tiên Việt Nam quy định rõ hành vi hủy hoại đất. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc, phóng viên Báo Bình Dương đã phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quang vấn đề này.


Các hành vi hủy hoại đất mức phạt tiền lên tới 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (ảnh mang tính minh họa)

- Nghị định 91 được bổ sung thêm một số điểm mới đáng lưu ý, xin bà cho biết rõ hơn về những điểm mới này?

- Nghị định được bổ sung thêm một số điểm mới đáng lưu ý. Cụ thể: Thứ nhất, hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở đối với diện tích từ 3 ha trở lên thì mức phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng. Ngoài bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc đăng ký đất đai theo quy định và nộp số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm gây ra. Thứ hai, theo khoản 1 Điều 32 thì hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì có thể bị xử phạt tối đa đến 20 triệu đồng. Đồng thời, người vi phạm buộc phải sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h Điều 64 Luật Đất đai. Thứ ba, đối với hành vi chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện (không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) thì có thể bị xử phạt tối đa đến 40 triệu đồng.

- Xin bà cho biết, Nghị định số 91 đã quy định cụ thể hành vi hủy hoại đất như thế nào, thưa bà?

- Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam quy định rõ hành vi hủy hoại đất. Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 91 quy định, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Trong đó chỉ rõ các hành vi hủy hoại đất như sau: Thứ nhất, làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: Thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề. Trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận.

Thứ hai, làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: Làm mất hoặc giảm độ dày tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp. Thứ ba, gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người. Thứ tư, làm giảm hoặc mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

- Xin bà cho biết, đối với các hành vi hủy hoại đất thì mức phạt tiền ra sao?

- Đối với các hành vi hủy hoại đất thì mức phạt tiền lên tới 150 triệu đồng đối với cá nhân và 300 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và có thể bị thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

- Xin bà cho biết, Nghị định số 91 đã bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào?

- Nghị định mới đã bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, như: Buộc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất; buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, tiền cho thuê lại đất không đúng quy định của pháp luật trong thời gian sử dụng đất còn lại; buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng theo đúng quy định; buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện quy định; buộc sử dụng đất đúng theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; buộc cung cấp hoặc cung cấp lại thông tin, giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; buộc thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản...

- Xin cảm ơn bà!

Thu hồi đất trong khu, cụm công nghiệp, làng nghề không đưa vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng

UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy định về việc thu hồi đất trong khu, cụm công nghiệp, làng nghề không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Theo đó, thu hồi đất trong trường hợp bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Thu hồi đất trong trường hợp thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trước ngày 3-3- 2017 mà bên thuê đất, thuê lại đất không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất 36 tháng so với tiến độ sử dụng đất đã giao kết trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất hoặc quá 36 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất khi các bên không có giao kết về tiến độ đưa đất vào sử dụng trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất…

Đối tượng áp dụng là tổ chức trong nước; hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện dự án đầu tư theo hình thức thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên