Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật: 20-09-2019 | 07:39:06

 Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi là một trong những phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt của Hội Nông dân tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống hội viên. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình SXKD giỏi đạt hiệu quả cao, nhiều điển hình vươn lên làm giàu chính đáng.

 Anh Cao Văn Chinh bên vườn cây có múi của gia đình. Ảnh: PHƯƠNG ANH

 Động lực khích lệ nông dân thi đua

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây được coi là phong trào lớn, trọng tâm của hội, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Từ phong trào này đã tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế từng địa phương; nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất…

Hôm nay (20-9), tại TX.Thuận An, sẽ diễn ra lễ hội tôn vinh nông dân xuất sắc và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bình Dương năm 2019. Theo kế hoạch, lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 27-9-2019.

Chỉ tính trong 3 năm qua, việc xây dựng các mô hình nông dân SXKD giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được các cấp hội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Cụ thể, các cấp hội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan cho hàng chục ngàn lượt nông dân. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, các doanh nghiệp đã cung ứng hơn 300 tấn phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, cây con giống cho nông dân sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức 6 lớp tập huấn cho nông dân về sở hữu trí tuệ và chỉ dẫn địa lý cho 330 lượt nông dân. Hàng năm, hội phối hợp các đơn vị tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp nông thôn do Trung ương hội tổ chức.

Bên cạnh đó, 3 năm qua Hội Nông dân tỉnh đã vận động tương trợ trong hội viên nông dân bằng nhiều hình thức như cho vay không lãi, tạo việc làm, tương trợ về vốn, con giống, vật tư được gần 65 tỷ đồng giúp 4.346 hộ hội viên nông dân. Hội còn phối hợp giúp 609 hộ nông dân thoát nghèo (trong đó hội trực tiếp giúp 282 hội viên thoát nghèo), góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh.

Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân

Từ phong trào nông dân SXKD giỏi, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều nông dân vươn lên khá giả; nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn, mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng mỗi năm.

Điển hình như anh Lâm Thành Thương, ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Anh đã thành công với mô hình trồng cây có múi, thu nhập bình quân hàng năm đạt 20 tỷ đồng. Trang trại của anh rộng 120 ha, chuyên trồng cam, quýt, sản lượng đạt 30 - 40 tấn/ha.

Anh Thương chia sẻ kinh nghiệm, để chủ động ký hợp đồng tiêu thụ với các đối tác, anh mạnh dạn áp dụng biện pháp “làm trái” theo ý muốn trên cây cam. Đó là bằng phương pháp đậy nylon bạt phủ toàn bộ nền luống, cắt nước tưới, cắt một phần bộ rễ cây và kết hợp với phân lân và kali nhằm kích thích phát triển đỉnh sinh trưởng mới để cây tạo hoa và kết trái. Sau khi đậu trái, anh kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ hợp lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định, bảo đảm thời gian cách ly để trái cam, quýt có chất lượng tốt nhất.

Hiện anh Thương đang nghiên cứu khảo nghiệm máy đo độ ngọt của trái cam, quýt. Nếu thành công, anh đưa vào ứng dụng sẽ giúp sản phẩm có được chất lượng đồng đều, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm vùng miền khác.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, mô hình trồng cây có múi của anh Thương đã giải quyết việc làm cho 180 lao động địa phương, với thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Tại địa phương, anh luôn tích cực tham gia các phong trào và có nhiều đóng góp trong công tác từ thiện xã hội.

Gia đình anh Cao Văn Chinh, ở ấp Phú Bình, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng cũng là một điển hình vươn lên SXKD giỏi. Anh đã thành công với mô hình trồng măng cụt, sầu riêng, bưởi da xanh, cam, cao su, nuôi trăn. Anh cho biết, năm 1999 anh được cha mẹ cho 3 sào đất bưng và nền nhà 30m2. Ban đầu, anh mở quán tạp hóa nhỏ để vợ bán, còn anh vừa làm vườn vừa đi làm thuê để có tiền đầu tư cho vườn cây ăn trái. Nhờ chịu khó vươn lên thoát nghèo, cùng sự hỗ trợ của gia đình và địa phương, mô hình trồng cây ngắn ngày hàng năm xen trong vườn cây ăn trái của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, gia đình anh có 6 ha đất, thu nhập hàng năm trên 600 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh có cuộc sống khấm khá hơn, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn...

Có thể thấy, từ phong trào nông dân SXKD giỏi, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều nông dân tỷ phú. Họ là những tấm gương nông dân vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của mình, đồng thời còn giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần cùng địa phương phát triển.

 Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 31.901 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, đạt tỷ lệ 85,11 % so với số hộ đăng ký tham gia phong trào nông dân SXKD giỏi, trong số này cấp Trung ương có 382 lượt hộ, cấp tỉnh 3.825 lượt hộ, còn lại là cấp huyện và cơ sở. Có 150 gương nông dân SXKD giỏi tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 10 cá nhân nông dân đạt giải thưởng Nông dân Bình Dương xuất sắc.

 PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên