Lão nông với niềm đam mê gốm sứ cổ

Cập nhật: 04-10-2011 | 00:00:00

Một nông dân có tiếng với mô hình nuôi gà lạnh tại xã Minh Hòa, Dầu Tiếng lại có một niềm đam mê đặc biệt với gốm sứ. 55 năm sưu tầm, sở hữu hàng trăm món đồ quý, đáng giá nhưng với ông Nguyễn Văn Tiện (hay còn gọi là ông Hai Hương) thì giá trị tinh thần mà chúng mang lại còn ý nghĩa và giá trị hơn nhiều.

Từ niềm đam mê vật thể...

Được sự giới thiệu của anh Bùi Đình Phúc, phụ trách văn hóa - thông tin xã Minh Hòa, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Tiện (sinh năm 1941 tại TP.HCM). Vừa bước chân vào nhà ông, chúng tôi thấy “choáng” bởi những tủ kính được xếp ngay ngắn, san sát nhau với những món đồ sứ độc đáo, những chiếc rương, trường kỷ đặt la liệt những bình gốm, lọ, bát, bình trà, tượng các loại... Tất cả được xếp thành từng nhóm, từng niên đại không khác gì trong một “bảo tàng tư nhân” thực sự. Được biết, ông sưu tầm đồ đá, gốm sứ cổ không phải để kinh doanh mà “sống chung” với niềm đam mê này, để nuôi dưỡng tâm hồn hoài cổ và cái nhìn mới về “thế giới gốm sứ” qua các thời kỳ từ trong nước đến ngoài nước nổi tiếng về gốm, sứ.

 

Một góc những sản phẩm gốm sứ của ông Hai Hương

Ông Hai Hương bắt đầu tìm đến thú chơi đồ cổ khi đang còn là sinh viên ngành địa chất. Cuộc tìm kiếm những câu trả lời phía sau tấm màn bí ẩn về chất đất, nước men để có thể tạo ra một sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp đã dẫn ông đến với gốm cổ như một định mệnh. Ông tâm sự: “Ngay từ nhỏ, tôi đã được cha truyền lại thú chơi đồ gốm. Tôi đã bị cuốn hút bởi những chi tiết độc đáo, lạ mắt, nét tinh xảo trên từng chiếc bình, bát bằng gốm, đá... Tuy nhiên, những món đồ do gia đình sưu tầm được đã bị chiến tranh phá hủy. Trong quá trình là sinh viên ngành địa chất, được đi nhiều nơi và tiếp cận với nhiều nền văn minh khác nhau, tôi đã có cơ hội phát hiện và tìm thấy những món đồ gốm sứ cổ. Với niềm đam mê sẵn có, tôi cố gắng tiết kiệm tiền để có thể mua được những món mình thích. Tiêu chí của tôi là “tích tiểu thành đại”, nhờ vậy giờ đây tôi đã có bộ sưu tập cho riêng mình”.

Năm 1999, sau khi đã cống hiến tuổi trẻ cho sự nghiệp của ngành địa chất, ông về hưu và bắt đầu sự nghiệp làm nông trên mảnh đất Minh Hòa. Tuy đã trở thành nông dân với bộn bề công việc, nhưng mỗi khi nghe bạn bè giới thiệu những sản phẩm gốm, đá đẹp đang được bày bán, ông đều sắp xếp thời gian tìm đến chiêm ngưỡng và mua chúng. Tuy nổi tiếng trong giới bạn bè tại TP.HCM về niềm đam mê gốm sứ cổ, nhưng ông không chỉ sưu tầm đồ cổ mà ông còn cả những sản phẩm gốm sứ tân thời. Theo ông, mỗi một thời đại, gốm sứ có nét đẹp riêng, nét tinh xảo riêng do mỗi nghệ nhân tạo ra. Bởi vậy đã mê gốm phải biết tận hưởng vẻ đẹp tân và cổ của từng tác phẩm.

Đến giá trị tinh thần...

Hiện nay, “bảo tàng tư nhân” của ông có tới hơn 600 món đồ gốm, sứ, đá từ các nước và của nhiều niên đại khác nhau. Không kể vô vàn những món đồ độc như bộ sưu tập đồ gốm sứ Chu Đậu, kho tàng đồ gốm men trắng xanh đời Minh - Thanh Trung Quốc, ông Hương còn là chủ nhân của khoảng 200 món vật dụng bằng đá đã có cách đây hàng ngàn năm. Không chỉ nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những tuyệt tác gốm sứ, ông còn bỏ ra không ít thời gian để nghiên cứu xuất xứ của từng sản phẩm, qua đó, có điều kiện hiểu hơn về những món đồ mà mình đã sưu tầm được. Bởi vậy trong khuôn viên nhà ông đã chật vì cổ vật, nay còn chật hơn bởi có không ít những cuốn sách về khảo cổ, sách nghiên cứu về con người, sự hình thành và phát triển của gốm sứ các nước. “Đi tìm nguồn gốc, đi tìm “khai sinh” cho mỗi món đồ cũng là một niềm đam mê, hạnh phúc của tôi. Những món đồ càng khó tìm nguồn gốc, càng lâu thì càng làm tôi thích thú”, ông Hai Hương nói.

Chỉ cho tôi xem bộ sưu tập về hàng trăm mẫu gốm thuộc đủ các niên đại khác nhau, ông bảo: cứ nhìn gốm là biết nó thuộc thời đại nào. Chẳng hạn, thời nhà Lý, đồ gốm có màu nâu, họa tiết cánh sen. Nhà Lê thì lại có men trắng xanh, họa tiết rối hơn. Đời Trần thì họa tiết đã đạt đến độ tinh xảo, men dày và sâu hơn... Tuy nhiên, những tác phẩm do người Việt tạo ra vào những thời đại đó vẫn chưa thật sự đặc sắc bởi đó chỉ là những sản phẩm thô, chưa có những nét vẽ trên gốm ấn tượng.

Xem xong những tác phẩm của đất nước mình, ông dẫn tôi đến với những sản phẩm đã có từ trăm năm của Trung Quốc. Cầm trên tay tượng Sư Tổ Đạt Ma với hình dạng kỳ lạ, ông giải thích tại sao người Trung Quốc lại tạo ra bức tượng này. Nhấc chiếc bình với nước men rạn, một loại men đặc biệt của Trung Quốc, ông giải thích xuất xứ của nó một cách rõ ràng... Nhìn vẻ say sưa của ông khi nói về niên đại của mỗi sản phẩm, tôi mới thấy hết được niềm vui, hạnh phúc của lão nông Hai Hương dành cho niềm đam mê đặc biệt này. Ông tự nhận cái sở thích ấy của mình là “ngông: “Tôi được lợi nhiều lắm, đó không phải lợi nhuận về mặt kinh tế mà về mặt tâm lý, văn hóa, tinh thần, lợi đâu chỉ tính bằng tiền”.

Và ước mơ về một bảo tàng!

Ngoài các tác phẩm gốm sứ, ông Hai Hương còn là chủ nhân của hàng trăm bộ tem các loại, đặc biệt trong đó có bộ tem Di cư. Đồng thời, ông còn có thú sưu tầm các loại vũ khí trong các thời kỳ chiến đấu của dân tộc Việt Nam cũng như các nước. Với những hiện vật mình có, ông Hai Hương mơ ước sẽ thành lập một “bảo tàng tư nhân” tại vùng đất Minh Hòa. Theo đó, sẽ có các loại khu trưng bày như: khu trưng bày đồ đá, gốm sứ Giang Tây, gốm sứ Việt Nam, các loại vũ khí chiến đấu cổ và khu trưng bày nhiều thứ khác. Để thực hiện ước mơ, hiện ông đang cùng con, cháu viết lại những thông tin cần thiết về nguồn gốc, xuất xứ, để thế hệ sau khi đến với bảo tàng sẽ hiểu và yêu hơn nền văn hóa dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa. Đồng thời, có tầm nhìn xa hơn về con người, cuộc sống của các nước thông qua các sản phẩm mà ông sưu tầm được. Ông nói: “Tôi làm việc này không chỉ vì niềm đam mê của bản thân mà còn muốn lưu giữ cho thế hệ con cháu mai sau. Đây cũng là cách thiết thực nhất để lưu giữ những di sản của cha ông ta để lại từ ngàn đời nay. Tuy nhiên, muốn nhanh chóng thành lập được bảo tàng đồ cổ tại đây, tôi hy vọng sẽ được cơ quan chức năng hỗ trợ”.

Chia tay căn nhà chật chội ấy, chúng tôi ra về trên con đường dài thăm thẳm, nhưng những câu nói của ông khiến tôi không thể quên: “Yêu cổ vật cũng cần trình độ, bởi đó không chỉ là hiện vật đơn thuần, mà còn là hình ảnh văn hóa của cả một thời đại”. Hy vọng những ước mơ của ông sẽ nhanh chóng thành hiện thực, để những thế hệ trẻ có điều kiện hiểu hơn về lịch sử, văn hóa dân tộc từ ngàn năm.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên