Hàng trăm cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn nhưng chỉ khoảng 10 cơ sở có giấy phép kinh doanh. Phế liệu công nghiệp nguy hại đến môi trường, phế thải chất ra vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị… là thực trạng khá bức xúc tại TX.Dĩ An hiện nay. Để thực hiện quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, TX.Dĩ An đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, nhằm lập lại trật tự đối với hoạt động kinh doanh phế liệu trên toàn địa bàn thị xã…
Hoạt động thu gom phế liệu gây ô nhiễm
môi trường, mất mỹ quan đô thị. Trong ảnh: Một điểm tập kết phế liệu tại địa
bàn TX.Dĩ An
Thực trạng ngổn ngang
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại TX.Dĩ An hiện có khoảng 350 đơn vị, cơ sở hoạt động kinh doanh phế liệu nhưng chỉ có khoảng 10 đơn vị, cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh. Hoạt động của các cơ sở, đơn vị kinh doanh phế liệu không phép không có tính ổn định, mang tính chất hộ gia đình. Các hộ dân, phần đông là dân ngụ cư, tiến hành thuê mặt bằng xen trong các khu dân cư với diện tích từ 30m2 - 100m2, xây dựng tạm bợ, che chắn xung quanh bằng tôn để thực hiện thu gom, kinh doanh phế liệu. Chính vì thế, việc quản lý, kiểm soát hoạt động của các đơn vị, cơ sở kinh doanh này rất khó khăn. Cũng do không có đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế cũng khó có thể thực hiện thu thuế, gây thất thoát một nguồn ngân sách không nhỏ.
Không những thế, nguồn phế liệu thu mua của các cơ sở kinh doanh phế thải trong quá trình hoạt động sản xuất và sinh hoạt, trong đó có rất nhiều loại phế thải công nghiệp chứa các chất nguy hại như thùng sơn, dung môi, bình ắc-quy, hóa chất… Những chất phế thải này được các cơ sở thu gom, tập kết lại một điểm, sau đó phân loại để bán lại cho các đơn vị khác. Trong quá trình hoạt động kinh doanh đã diễn ra tình trạng bụi bẩn, tiếng ồn, mùi hôi và đặc biệt là nguồn dung môi hóa chất, nước thải phát tán ra môi trường xung quanh, đe dọa môi trường sống, sức khỏe của người dân quanh vùng. Một số loại phế thải như túi ni-lông, bao bì, vải vụn… không còn giá trị sử dụng, các cơ sở kinh doanh lại thải ra ven đường, các khu đất trống… Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều để phế liệu ngoài trời, không có mái che, nước mưa chảy vào phế liệu, rồi chảy ra môi trường mang theo các chất độc hại trong khi tất cả các cơ sở này đều không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Siết lại trật tự
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND TX.Dĩ An cho biết, để lập lại trật tự loại hình kinh doanh này, chính quyền đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Theo đó, đối với những cơ sở kinh doanh lớn thuộc thẩm quyền kiểm tra của UBND thị xã, sẽ được đoàn kiểm tra liên ngành của thị xã trực tiếp thực hiện. Đối với những cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của cấp phường, sẽ có sự tham gia của các đơn vị chức năng liên quan từ thị xã phối hợp với các phường, thành lập các đoàn để thực hiện kiểm tra. Công tác kiểm tra tập trung vào các nội dung: Giấy phép và điều kiện kinh doanh; nguồn gốc phế liệu và nghĩa vụ thuế; công tác bảo vệ môi trường và quản lý sử dụng đất; đăng ký tạm trú, tạm vắng, an toàn giao thông và trật tự xã hội; kiểm tra về phòng cháy chữa cháy; kiểm tra về trật tự xây dựng…
Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, chính quyền sẽ đưa ra các phương án để lập lại trật tự kinh doanh của hoạt động này. Đối với các cơ sở hoạt động có giấy phép kinh doanh, kinh doanh đúng ngành nghề, bảo đảm các điều kiện về vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, xây dựng và sử dụng đất… sẽ tiếp tục được hoạt động kinh doanh như hiện trạng, đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Đối với các cơ sở có giấy phép kinh doanh nhưng chưa tuân thủ đúng các quy định, tùy theo mức độ sẽ tiến hành xử phạt hành chính, đồng thời ấn định thời gian khắc phục và hướng dẫn cho các đơn vị này thực hiện kinh doanh đúng các quy định. Với các cơ sở không có giấy phép kinh doanh hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề nhưng nằm trên các trục đường chính trên địa bàn, chính quyền sẽ tiến hành xử phạt vi phạm, định hướng chuyển đổi nghành nghề cho phù hợp, thậm chí sẽ cưỡng chế chấm dứt hoạt động nếu không thực hiện các quy định của pháp luật.
Riêng các cơ sở kinh doanh không có giấy phép hoặc kinh doanh không đúng ngành nghề nhưng nằm trên các tuyến đường nhỏ thì chính quyền tạm thời cho duy trì hoạt động nhưng không được mở rộng, hướng dẫn thủ tục để hoàn thiện các quy định hoạt động; đồng thời yêu cầu các cơ sở ký cam kết không để ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh trật tự, môi trường xung quanh… Sau thời gian cho phép tạm thời hoạt động, nếu các cơ sở không chấp hành, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế, thậm chí buộc ngừng hoạt động trước thời hạn nếu phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Chủ tịch UBND TX.Dĩ An VÕ VĂN MINH: Trước mắt phải tuyên truyền, vận động
Hoạt động kinh doanh phế liệu được pháp luật cho phép nên dù thế nào cũng không thể cấm. Mặt khác, đây cũng là kế mưu sinh của các hộ dân nên dù không khuyến khích loại hình kinh doanh này, chính quyền cũng phải tạo điều kiện để người dân có thể mưu sinh trên cơ sở tuân thủ đúng pháp luật và các quy định khác. Vì vậy, để lập lại trật tự kinh doanh phế liệu, trước mắt chính quyền chưa tiến hành tổ chức thanh kiểm tra mà sẽ tuyên truyền, phổ biến kế hoạch này đến với người dân. UBND các phường sẽ tiến hành mời các hộ dân có tham gia hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn, họp và thông báo nội dung của việc lập lại trật tự kinh doanh phế liệu; đồng thời tuyên truyền, vận động các cơ sở tự nguyện tuân thủ các quy định của pháp luật; đưa ra một lộ trình đủ thời gian để người dân có thể thực hiện các quy định. Cưỡng chế, chấm dứt hoạt động chỉ là biện pháp cuối cùng, bất đắc dĩ.
THÀNH SƠN