Lát cắt cuộc đời

Cập nhật: 23-04-2011 | 00:00:00

Họ là những người không có khái niệm thời gian. Mà dường như họ cũng không có khái niệm gì về không gian nốt. Thời gian của họ là mùi của bữa cơm đạm bạc sau một buổi dài mệt nhọc vác bó chổi mọ mẫm dò tìm lối đi, khắp nẻo. Không gian của họ là một vòm bóng tối cùng những âm thanh, tiếng nói quen thuộc của những gương mặt chưa bao giờ nhìn thấy nhau... Cuộc đời họ dường như thật buồn, nhưng họ sống mạnh mẽ và đáng yêu...

 Vẫn lạc quan những tiếng rao dài như... cổ tích

Chuẩn bị vào hè, trời nóng, thi thoảng đổ mưa. Dạo này hàng hóa tăng giá, người nghèo lại thêm khốn khó. Cái nắng hắt xuống mặt đường nhựa càng thêm thấm da thấm thịt khi bất chợt nhìn thấy một người mù vác bó chổi đót chống gậy lọ mọ đi dưới cái nóng xứ nhiệt đới. Tiếng rao: Chổi đây! Chổi đây!... như kéo dài cổ tích. Thay vì đi uống cà phê một mình, tôi mời người bán chổi vào quán cùng uống nước và hứa sẽ mua 5 cây chổi (tôi cũng chưa biết mua làm gì và định bụng nói vậy thôi chứ gửi tiền 5 cây, tôi vẫn có quyền nhận một cây và tặng số còn lại cho người bán!).

  Ông Hùng vác bó chổi nặng hơn 30kg lần mò tìm đường, vừa đi vừa rao trong cái nắng gay gắtÔng giới thiệu: “Mình tên Trần Hùng, 59 tuổi, đang là hội viên Hội Người mù TP.HCM, mình sống bằng nghề buôn chổi!”. Ông kể: “Hàng ngày bán dạo như vầy tiền lời kiếm được từ 25.000 - 30.000 đồng, nhưng không phải ngày nào cũng kiếm được vậy đâu, vì chổi mà, người bán thì nhiều, mà người xài thì đâu có phải ai cũng mua xong xài là hư ngay đâu...”. Ông Hùng cho biết thêm là có nhiều người mù, tuổi đã cao, vác bó chổi nặng từ 25 - 30kg từ miệt ngoại thành len lỏi vào các hẻm phố để bán. Phần lớn họ đi nhờ xe bus hoặc đi xe khách với giá ưu tiên. “Nhà nước có chế độ ưu tiên cho người mù đi xe bus miễn phí. Nhưng tụi tui vẫn đi xe khách là chủ yếu. Vì dễ gì mà đón được xe bus hễ xe bus Nhà nước thấy tụi tui đứng đón là chạy luôn, không ngừng đâu! Thôi mình đón xe ngoài, họ lấy giá cũng rẻ hơn khách bình thường, có nhiều chủ xe cho luôn tiền xe, không lấy...” - ông Hùng tâm sự.

Thường thì người mù không sợ bóng đêm nhưng họ sợ tiếng ồn, vì tất cả cảm giác của họ khi di chuyển đều phụ thuộc vào âm thanh và tín hiệu dọ dẫm phát ra từ hai bàn tay, từ bước chân... Những ngày phố xá ồn ào, tấp nập cũng là những ngày kiếm sống tốt nhất của người bán chổi, người bán vé số, người bán hàng rong... Tuy nhiên, nguy hiểm lại rình rập người mù. Ông Hùng kể: “Người cao tuổi nhất của nhóm đi bán chổi đót trong hội người mù năm nay đã ngoài 80. Ông cũng có con cái nhưng nghèo khổ quá, mà ông thì không muốn dựa dẫm, vậy là đi, khi nào hết đi được mới thôi. Cách đây mấy hôm, ông bị sụp xuống hố trụ điện, dính toàn đá hộc, vậy là gãy chân, xước mặt, chảy máu quá trời. Trúng mấy ngày nhiễm mưa, thấy ổng nằm rên mà thương quá. Mà khổ nỗi mình cũng nghèo như ổng, chẳng biết giúp gì!”.

Lạc quan để sống

Trước đây, cùng đi bán chổi với ông Hùng còn có thêm cặp vợ chồng mù Ðỗ Phú Trung (mồ côi cha mẹ) và Nguyễn Thị Phương. 2 người cưới nhau được 3 năm thì sinh con và lúc đứa bé lên 9 tuổi thì anh Trung bị tai nạn qua đời, vài năm sau, chị Phương cũng đổ bệnh và qua đời theo, bỏ lại đứa con 13 tuổi sống với bà ngoại. “Sáng nay tui mới gặp thằng nhỏ, cho nó mấy ngàn đồng, mình không có tiền, thôi kệ, lá rách thương đùm lá nát mà!” - ông Hùng kể.

Tôi tạm biệt ông Hùng, giữ đúng lời hứa mua 5 cây chổi, mỗi cây 20.000 đồng và sau đó tặng lại ông 4 cây. Ông mừng lắm. Ông cho tôi biết thêm rằng ngày hôm nay ông đã quá “trúng mánh” vì trong mỗi cây chổi ông lãi từ 3.000 - 5.000 đồng. Như vậy để kiếm được 80.000 đồng, ông phải bán đến hơn 20 cây chổi. Trước khi ra về, tôi không quên nhấc thử bó chổi, tôi giật mình vì nó quá nặng. Có thể lên đến 35kg và hơn chứ không phải như ông nói 25kg. Tôi buột miệng hỏi: “Nặng kinh khủng vậy sao bác nói 25kg?”, ông Hùng cười khà khà: “Thì nói vậy cho nó nhẹ bớt, chứ nếu mình nghĩ mình mù mãi làm sao dám đi ra đường và nghĩ nó nặng quá thì vác mau mệt. Chú nghĩ sao mà tui đi năm sáu chục cây số chỉ vác có 25 cây chổi, mỗi cây cả ký lô, vậy thì lời lãi bao nhiêu chứ. Thà chấp nhận vác nhiều, trúng mánh mình bán hết là có ăn chú à!”.

Lúc tôi tạm biệt ông Hùng, đồng hồ đã chỉ sang 13 giờ 30 phút. Ông nói chút nữa ông sẽ đi ăn một bữa cơm thịt và tôm cho thật đã, vì ông trúng mánh, thường thì mỗi bữa ăn của ông không bao giờ được phép quá 7.000 đồng. Tự dưng tôi thấy ân hận vì không tặng thêm ông nhiều tiền một chút và đã nói chuyện quá dông dài để ông đói bụng. Không hiểu sao lúc này ông quay lại vỗ vai tôi và nói: “Không sao đâu mà cháu!”. Tôi lại buột miệng hỏi: “Vậy bây giờ mình ăn món gì ngon nhất hả bác?”; ông nói: “Da heo và đầu heo nấu cháo, món này chỉ làm hôm bữa cúng tất niên của hội là ngon nhất đó!”.

Tôi im lặng nhìn theo dáng ông bước dọ dẫm, ôm bó chổi xiêu vẹo trên đường.

Và những bữa cơm thời... bão giá

Cảm giác đầu tiên ập vào tôi là không khí vắng lặng, dù đã hơn 18 giờ mà không thấy đèn đóm nào thắp lên, phòng ốc chật chội, áo quần phơi khắp nơi, ẩm mốc bốc mùi khắp ngõ ngách. Ấn tượng mạnh hơn nữa là giọng hát nữ vọng ra từ một căn phòng tối om: “Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam...”.

Xuống đến nhà bếp, tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa vì người đang ngồi hát (người mà tôi mới vừa kể trên) vừa lặt rau vừa cời than trên bếp nấu canh. Chị làm nhanh và thiện nghệ đến độ tôi không nghĩ đó là người mù. Cho đến khi tôi hỏi thăm, chị ngước đôi mắt mờ đục lên nhìn về phía tôi một cách vô vọng tôi mới hiểu là chị không nhìn thấy gì. Tôi lại liếc nhìn vào nồi canh của chị đang nấu cho cả tập thể cùng ăn. Trời ạ, “canh toàn quốc” tôi nghe nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tôi mục kích sở thị một nồi canh toàn quốc với rau cúc tần loe ngoe vài chục cọng, mấy con tôm khô nổi lên rồi lại chìm xuống theo nhịp sôi của nước và mùi “nước mắm đại dương” mặn chát. Tôi cố nhìn, dò tìm xem thử còn món nào khác và thấy một dĩa cá chuồn kho chừng vài ba con gì đó, có vẻ như cá kho đã lâu, hâm đi hâm lại đến độ chuyển sang màu vàng xanh đùng đục.

Một người mù nói với tôi: “Ở đây chỉ có món chổi đót là nhiều và phong phú nhất, nhưng món này không ăn được. Nhà nước xây dựng hội, hỗ trợ cho học chữ bờ-ray (brind) vậy là quý quá rồi. Những người mù già yếu, hoàn toàn không nơi nương tựa thì được cấp 360.000 đồng/tháng. Còn lại thì có vài người được 180.000 đồng/tháng. Chủ yếu là đi bán chổi mà sống chú ơi!...”. Ông nói thêm: “Hội bỏ mối chổi cho các hội viên với giá gốc 18.000 đồng, bán ra thị trường được 20.000 - 21.000 đồng, lãi cao nhất 3.000 đồng/cây chổi. Mỗi tháng nếu làm giỏi thì kiếm cũng được 700.000 đồng/người. Trừ những ngày mưa gió, ốm đau. Có người lấy thêm chổi bên ngoài có chất lượng tốt hơn để bán và lãi cũng cao hơn chút đỉnh”. Tôi hỏi ông có ai kiếm được mỗi tháng chừng 900.000 đồng không, ông lắc đầu nói dứt khoát: “Chắc chắn là không có, trừ khi trúng mánh được người ta cho kia, nhưng có mấy ai có cái phước đó?”.

Tôi im lặng, chào tạm biệt ông và những anh em mù trong căn phòng mà đèn đóm chỉ được thắp lên khi có khách... sáng mắt đến thăm.

THÙY TRANG - MINH TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên