Liên kết để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ - Kỳ 1

Cập nhật: 01-07-2020 | 07:54:39

Kỳ 1: Đánh thức tiềm năng

 Chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đông Nam bộ được xác định là một trong 7 vùng phát triển du lịch có vai trò quan trọng đối với du lịch cả nước. Không chỉ có nhiều lợi thế về phát triển công nghiệp, dịch vụ, vùng Đông Nam bộ còn được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch...

 Gian hàng giới thiệu về du lịch Bình Dương trong khuôn khổ hội nghị

Giàu tiềm năng

Mới đây, lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã có dịp ngồi lại cùng nhau thảo luận, tìm hướng đi mới để đánh thức, phát triển tiềm năng du lịch của từng địa phương cũng như cả vùng. Lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành đều cho rằng, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, việc phục hồi hoạt động du lịch là vấn đề rất được quan tâm. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành đẩy mạnh chương trình kích cầu nội địa, liên kết thực hiện các sản phẩm du lịch để thu hút du khách, biến thách thức thành cơ hội để phát triển du lịch của địa phương, của vùng và cả nước.

6 tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch. Với lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phong phú, đa dạng cùng với hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch khá đồng bộ... trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của khách du lịch. Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 1.177 cơ sở, 153 điểm tham quan, di tích lịch sử, làng nghề, danh thắng phục vụ du lịch. Tỉnh Đồng Nai hiện có 24 khu, điểm du lịch, với nhiều loại hình du lịch, như: Tham quan, vui chơi giải trí, sinh thái, thể thao, tín ngưỡng, văn hóa... Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, cho biết những năm qua, ngành du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực với nhiều sản phẩm, điểm du lịch mới và hấp dẫn, lượng khách và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cũng cho biết mục tiêu của Tây Ninh là tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên du lịch như một số tỉnh trong vùng, nhưng Bình Dương cũng có những tiềm năng để phát triển du lịch. Những tiềm năng đó, bao gồm các hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Đá Bàn, Cần Nôm), cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch (Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính) tạo ra cảnh quan sông nước hữu tình. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có những vườn cây ăn trái xanh tốt; các điểm vui chơi giải trí nổi tiếng; những điểm du lịch sinh thái và hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội; các làng nghề truyền thống đặc trưng... có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đáp ứng được với nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm của du khách khi đến với Bình Dương.

Nắm bắt và khai thác những tiềm năng, thế mạnh của mình, Bình Dương đã và đang xây dựng, phát triển du lịch thông qua các loại hình, sản phẩm du lịch, như: Du lịch đường sông; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề; du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao; du lịch MICE... Với những sản phẩm du lịch hiện có, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết trong tương lai Bình Dương mong muốn kết nối với các trung tâm du lịch quan trọng, như TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ hay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc xa hơn là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ... để có thể hình thành các tour, tuyến du lịch nhằm thu hút khách đến Bình Dương nhiều hơn trong thời gian tới.

 Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương không được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên du lịch như một số tỉnh trong vùng, nhưng Bình Dương cũng có những tiềm năng để phát triển du lịch. Những tiềm năng đó, bao gồm các hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Đá Bàn, Cần Nôm), cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch (Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính) tạo ra cảnh quan sông nước hữu tình. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có những vườn cây ăn trái xanh tốt; các điểm vui chơi giải trí nổi tiếng; những điểm du lịch sinh thái và hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội; các làng nghề truyền thống đặc trưng... có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm của du khách khi đến với Bình Dương.

Hình thành sản phẩm liên kết vùng

Hội thảo “Phát triển sản phẩm liên kết kích cầu du lịch vùng Đông Nam bộ” được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh mới đây là cơ hội quý giá để các tỉnh, thành trong vùng giới thiệu các điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch mới, cùng các chính sách kích cầu tại địa phương nhằm xây dựng sản phẩm liên tuyến, góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm.

Tại hội thảo, các tỉnh, thành trong vùng đã giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch mới cùng những chính sách kích cầu của địa phương. Trước đó, các địa phương đã phối hợp tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng và xây dựng các chính sách kích cầu du lịch làm cơ sở liên kết các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp lữ hành. Qua đó, đã hình thành được nhiều tuyến du lịch vùng hấp dẫn, góp phần thực hiện hóa mục tiêu liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, kích cầu du lịch nội địa.

Chính tại hội thảo này, có 3 tuyến sản phẩm du lịch liên vùng mới đã được công bố để đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch trong thời gian tới, bao gồm các tuyến: TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Bình Dương với chủ đề “Sắc xanh ngày mới”, “Chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ”; TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước với chủ đề “Tình đất đỏ miền Đông”; TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu với chủ đề “Thiên nhiên xanh mát, sắc biển hòa ca”. Các tour chủ yếu thiết kế cho gói 2 ngày 1 đêm với giá ưu đãi từ 1.390.000đ - 1.490.000đ/ người. Điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tại TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị cung cấp dịch vụ tại các tỉnh cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển sản phẩm kích cầu du lịch. Đây chính là những tiền đề thuận lợi, tạo cơ hội phát triển du lịch tại các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả vùng nói chung trong thời gian tới. (còn tiếp)

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên