Liên quân bắt đầu đổ bộ vào Libya

Cập nhật: 21-04-2011 | 00:00:00

Sau hơn một tháng không kích Libya, đặc biệt là sau khi Mỹ đơn phương rút lui, liên quân của NATO bộc lộ nhiều lúng túng. Mục tiêu mà họ công khai là lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi xem ra vẫn còn xa. Giờ đây, họ càng nôn nóng hơn và bắt đầu đưa các cố vấn đến giúp quân nổi dậy.

 

Leo thang chiến tranh

 

Các tư lệnh của NATO cho biết giờ đây, họ mở rộng mục tiêu tại Libya, bao gồm cả các hệ thống liên lạc vệ tinh và điện thoại. Quan chức các nước tham chiến tại Libya cũng thừa nhận tình thế của liên quân đang trở nên khó khăn hơn ở Libya. Đặc biệt là hành động quân sự vẫn chưa đảm bảo cho mục tiêu kết thúc sự cầm quyền của ông Gaddafi.

 

 Biểu tình tại Anh đòi ngừng can thiệp quân sự vào Libya.

Thế nhưng, để can dự vào sâu hơn nữa, chẳng hạn đưa bộ binh, họ sẽ gặp phải sự phản đối rất lớn từ trong nước và có thể vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết HĐBA LHQ. Ngoại trưởng Libya Abdul Ati al-Obeidi cho rằng, Anh và Pháp vi phạm quá rõ ràng nghị quyết của HĐBA LHQ khi cử cố vấn quân sự tới Libya, động thái này cũng sẽ kéo dài cuộc chiến tại Libya.

 

Báo Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng, các cố vấn quân sự có kinh nghiệm sẽ được đưa tới Benghazi để giúp quân nổi dậy về cách thu thập thông tin tình báo, hậu cần và truyền thông.

 

Ngoài ra, họ cũng sẽ giúp quân nổi dậy bảo vệ thường dân cũng như phân phát viện trợ nhân đạo. Sẽ có 10 sĩ quan Anh và 10 sĩ quan Pháp cùng hợp thành một đội chung. Pháp là một trong số 3 nước (cùng với Ý và Qatar) công nhận “Hội đồng chuyển tiếp quốc gia” của lực lượng nổi dậy là đại diện hợp pháp của nhân dân Libya. Họ đã có sứ quán và tùy viên quân sự tại Benghazhi.

 

Việc Anh gửi quân tới Libya đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong nước. Cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Sir Menziies Campbell cho rằng “đưa cố vấn tới Libya sẽ là bước leo thang quân sự. Mỹ cũng bắt đầu cuộc chiến khi đưa các cố vấn quân sự tới Việt Nam. Chúng ta phải thận trọng”. Nghị sĩ Công đảng David Winnick cũng lo ngại và cho rằng “Đây là cuộc nội chiến của Libya mà Anh bắt đầu can dự leo thang”.

 

Liên minh chống chiến tranh lớn nhất nước Anh - “Stop the War” đã biểu tình trước Văn phòng Thủ tướng Anh phản đối hành động quân sự chống Libya, xem đây là cuộc chiến thứ ba chống các nước Hồi giáo trong 10 năm qua.

 

Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, ông vẫn hoàn toàn chống lại việc triển khai bộ binh. Ông thừa nhận rằng liên quân đã “đánh giá thấp khả năng kháng cự của Gaddafi”. Chỉ huy chiến dịch của NATO, tướng Mark van Uhm cho rằng ông Gaddafi “không có dấu hiệu cho thấy sẽ đầu hàng. Lực lượng của ông ấy vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hạng nặng”.

 

Lại tranh cãi

 

Trong lúc này, nội bộ các nước đồng minh đánh Libya vẫn còn nhiều tranh cãi. Các thành viên NATO đổ lỗi cho nhau. Một số còn than vãn về quyết định của Tổng thống Mỹ Barack Obama rút khỏi cuộc chiến. Theo Washington Post, nhiều nước tỏ ra tức giận khi Pháp than phiền rằng họ chưa làm tròn “bổn phận”.

 

Sau khi Mỹ rút, các quan chức Pháp than khó nhận được thông tin chính xác về các mục tiêu để khỏi tấn công nhầm vào dân. Chính điều này khiến nhiều trong tổng số 28 nước liên quân đã cấm máy bay nước mình tham gia các chiến dịch ném bom. Mặc dù hơn 10 nước thuộc NATO tham gia chiến dịch không kích Libya, nhưng chỉ có 6 nước đang thực hiện không kích gồm Pháp, Anh, Canada, Na Uy, Đan Mạch và Bỉ.

 

Trong khi đó, LHQ kêu gọi ngừng bắn ở Misrata khi có 20 trẻ em bị chết trong các cuộc giao tranh giữa quân của Gaddafi với quân nổi dậy. Tại Brussels, các quan chức của 27 nước thành viên EU đã sẵn sàng tháp tùng bảo vệ các chuyến hàng viện trợ tới Libya ngay sau khi LHQ bật đèn xanh.

 

Trước đó, một đoàn xe tải gồm 8 chiếc chở 240 tấn bột mì và 9,1 tấn bánh biscuits của Chương trình Lương thực LHQ đã từ Tunisia vượt biên giới phía Tây Libya tới các vùng của Chính phủ Libya. Lượng lương thực này đủ nuôi 50.000 người trong 30 ngày.

 

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên