Lỗ hổng hộ chiếu ở châu Á

Cập nhật: 24-03-2014 | 00:00:00

Sự việc 2 hành khách đi trên chuyến bay MH370 đang bị mất tích của Hãng Hàng không Malaysia Airlines sử dụng hộ chiếu của 2 người khác bị mất tại Thái Lan, cho thấy vấn đề kiểm tra hộ chiếu trên các chuyến bay khá lỏng lẻo, nhất là tại châu Á.

Không đối chiếu với dữ liệu của Interpol

2 hành khách xấu số trên chuyến bay Malaysia Airlines MH370 sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp đã giúp đưa ra ánh sáng những sơ hở trong công tác kiểm tra nhập cảnh cũng như các thương vụ mua bán hộ chiếu giả đang bùng nổ. Báo The Straits Times dẫn số liệu từ Interpol cho biết, hiện thế giới có hơn 40 triệu hộ chiếu được khai nhận bị mất hoặc bị đánh cắp tại 167 quốc gia.

Bộ phận cơ sở dữ liệu của Interpol được thành lập vào năm 2002 sau khi Interpol và các nước thành viên nhìn nhận mối liên kết giữa các hoạt động khủng bố và việc sử dụng các hộ chiếu giả hoặc bị đánh cắp.

Theo Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble, trong khi tất cả 190 quốc gia thành viên có thể truy cập cơ sở dữ liệu của Interpol để thẩm tra hộ chiếu thì chỉ một số ít quốc gia làm việc này để đảm bảo rằng những người sở hữu hộ chiếu bị đánh cắp hay bị mất không thể lên máy bay trong các chuyến bay quốc tế.

Mỹ là nước sử dụng dữ liệu của Interpol nhiều nhất với 250 triệu lượt kiểm tra hàng năm, Anh xếp kế tiếp với 120 triệu và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất với 50 triệu lượt. Điều đáng nói là hơn 1 tỷ lượt hành khách lên máy bay trên thế giới trong năm 2013 nhưng hộ chiếu của họ không được kiểm tra đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Interpol.

 Hộ chiếu bị đánh cắp và nhiều vật dụng để làm giả hộ chiếu bị cảnh sát Thái Lan thâu tóm từ một nhóm tội phạm.

Sau vụ khủng bố ngày 11-9, Mỹ tăng cường giám sát hộ chiếu. Nhiều thành viên của al-Qaeda trước đó dùng hộ chiếu giả mạo hoặc bị đánh cắp. Ủy ban Quốc gia về tấn công khủng bố của Mỹ cho rằng 15 trong số 19 tên không tặc gây ra vụ 11-9 có thể đã bị giữ lại nếu khâu kiểm tra hộ chiếu được tăng cường ở biên giới.

Mỹ và châu Âu sử dụng rộng rãi hộ chiếu sinh trắc học và thường xuyên quét dấu vân tay, kiểm tra tròng đen của mắt nên hộ chiếu giả khó lọt qua các cửa khẩu sân bay. Nhưng ở châu Á thì khác. Nơi đây vẫn sử dụng hộ chiếu cổ điển cộng với việc kiểm tra lỏng lẻo tại các sân bay, vì vậy khu vực này trở thành thị trường ngầm hộ chiếu giả và thật dễ dàng đi lại với một cái tên giả trong hộ chiếu.

Theo báo Wall Street Journal, mặc dù hầu hết các nước châu Á, trong đó có Malaysia, cũng có các thiết bị công nghệ cao tại các sân bay, trong đó có máy quét vân tay, song việc kiểm tra thường không được thực hiện một cách có hệ thống. Trường hợp 2 hành khách sử dụng hộ chiếu giả trong chuyến bay MH370 cũng đã không được nhân viên an ninh xuất cảnh Malaysia kiểm tra đối chiếu với dữ liệu của Interpol.

 Mua bán dễ dàng

Tên khủng bố Ramzi Yousef, người đã giúp chế tạo bom làm chết 6 người trong vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới năm 1993, đến Mỹ bằng một hộ chiếu Iraq bị đánh cắp. Milorad Ulemek, kẻ ám sát Thủ tướng Serbia Zoran Dindic và cựu Tổng thống Serbia Ivan Stambolic vào năm 2003 từng vượt qua biên giới 27 nước bằng hộ chiếu bị mất của người khác trước khi y bị bắt.

Vào tháng 9-2013, nhà chức trách Malaysia bắt giữ Seyed Ramin Miraziz Paknejad, 45 tuổi, tại Kuala Lumpur. Ông này trước đó đã trốn khỏi Thái Lan sau khi bị bắt vào tháng 6-2012 vì cung cấp hộ chiếu giả cho những kẻ khủng bố thực hiện nhiều vụ đánh bom tại Thái Lan.

Trong năm 2010, Chính phủ Thái Lan và Tây Ban Nha phối hợp bắt giữ nghi phạm của một mạng lưới quốc tế chuyên cung cấp hộ chiếu giả mạo cho các chiến binh. Giới chức Thái Lan nói rằng mạng lưới này có thể đã cung cấp hộ chiếu giả cho những kẻ đứng sau các vụ đánh bom xe lửa ở Madrid vào năm 2004.

Không riêng những kẻ khủng bố, các nhóm tội phạm có tổ chức, các nhóm buôn lậu ma túy và buôn người cũng sử dụng giấy tờ giả để đi lại. Theo tờ New Straits Times, Paknejad cũng bị tình nghi cung cấp hơn 3.000 hộ chiếu giả liên quan đến việc buôn hàng ngàn người từ các quốc gia khác nhau tới Trung Đông, châu Âu, Australia và Canada.

Theo báo The Straits Times, Thái Lan đã trở thành trung tâm của hộ chiếu giả vì ngành công nghiệp du lịch nước này đang bùng nổ, thu hút một lượng lớn khách du lịch châu Âu, Mỹ và Australia.

Theo một báo cáo năm 2012 đăng trên tạp chí Big Chilli, cơ quan điều tra đặc biệt Thái Lan đã thành lập Trung tâm hoạt động tình báo xuyên quốc gia chống tội phạm (TCIC) đặc biệt nhắm vào mục tiêu các băng nhóm chuyên giả mạo hoặc ăn cắp hộ chiếu của du khách.

Theo người đứng đầu trung tâm TCIC, ông Tinawut Slilapa, ước tính có khoảng 20 băng nhóm nước ngoài chuyên về gian lận hộ chiếu đang hoạt động ở Thái Lan. Reuters dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết đã có hơn 60.000 hộ chiếu, cả Thái Lan và nước ngoài được báo mất tích hoặc bị đánh cắp tại Thái Lan từ tháng 1-2012 đến tháng 6-2013. Một đại lý du lịch ở châu Á cho biết các băng nhóm tội phạm thường xuyên lui tới các khách sạn an ninh kém để đánh cắp hộ chiếu cùng nhiều thứ khác.

Ông Tinawut nói với tạp chí Big Chilli rằng một hộ chiếu trong tình trạng tốt, còn từ 3 đến 5 năm trước khi hết hạn có thể được bán với giá 1.500 đến 3.000 USD. Sẽ đắt giá hơn nếu người mua muốn sửa đổi hình ảnh hoặc thêm tem thị thực cùng các chi tiết khác. The Wall Street Journal dẫn nguồn từ cảnh sát Thái Lan cho biết giá một số hộ chiếu, đặc biệt từ Liên minh châu Âu, có thể đẩy lên đến 6.000 USD/cái.

Các băng nhóm chuyên về hộ chiếu giả hiện nay có rất nhiều hộ chiếu trong tay, sẵn sàng cung cấp cho khách hàng và đảm bảo sẽ khó bị phát hiện. Cảnh sát Phuket, Thái Lan, ông Angkarn Yasanop, nói với Reuters rằng những người nước ngoài có thể bán hộ chiếu của mình với giá 200 USD sau đó khai mất hộ chiếu.

Nhiều du khách nước ngoài tại Phuket hay sử dụng hộ chiếu thế chấp để thuê xe gắn máy hoặc thuyền lướt sóng nhưng sau đó, chủ cho thuê giả vờ phàn nàn đồ vật cho thuê bị hỏng. Khách không muốn trả thêm tiền hoặc đền nên sẵn sàng bỏ lại hộ chiếu. Họ sẽ khai mất với các cơ quan ngoại giao để làm lại hộ chiếu mới. Thế là những chủ cho thuê đồ sẽ dùng hộ chiếu của khách đem bán. Nhiều người nước ngoài muốn ở lại Thái Lan tìm việc làm cũng tìm đến đường dây làm hộ chiếu giả.

Theo sggp.org.vn

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên