Loài bọ cánh cứng bị ếch ăn mà không chết

Cập nhật: 11-08-2020 | 10:38:40

Các nhà khoa học gần đây đã phát hiện ra một loài bọ cánh cứng nước có thể sống sót dù bị ếch nuốt chửng vào bụng.

Từ lâu, Regimbartia attenuata đã được biết đến là một loại bọ cánh cứng nhỏ xíu, nhưng kỹ năng sống sót của nó mới chỉ được công bố vào thứ Hai (4/8) vừa qua trên truyền thông khắp các nước trên thế giới.

Đây thực sự là một tin tức độc đáo bởi không có nhiều loài sinh vật trên Trái đất có thể sống sót sau khi bị nuốt chửng, chu du qua hệ tiêu hoá và rồi “thoát" ra ngoài bằng hậu môn và tiếp tục cuộc sống như thể vừa trải qua một cuộc phiêu lưu. Hiện các nhà khoa học chỉ ghi nhận một số con ốc vẫn bình an sau chuyến "du lịch" qua bụng cá và chim.

Chuyên gia Shinji Sugiura, Khoa Nông sinh học, ĐH Kobe (Nhật Bản) đã đặt những con bọ nước bé xíu trong 1 hộp có 5 loài ếch khác nhau. Và phần lớn các con bọ đã “tẩu thoát" qua đường hậu môn của ếch.

Ảnh: Đại học Shinji Sugiura/Kobe 

Trong nghiên cứu, Sugiura đã cho những con bọ vào hộp cùng với lũ ếch, 15 con bọ đã bị ăn và 93% sống sót sau 4 tiếng chu du trong hệ tiêu hoá của ếch. Một số con bọ cánh cứng bị “ngộp" trong chất thải rắn của ếch nhưng chúng nhanh chóng hồi phục và quay trở về cuộc sống bình thường.

Do ếch không có răng nên chúng hiếm khi giết chết được con mồi trước khi nuốt. Vì vậy hệ tiêu hoá sẽ làm việc này và nghiền thức ăn thành dưỡng chất. Nhưng hệ tiêu hoá của ếch đã “bất lực" trước bọ cánh cứng Regimbartia attenuata. Chắc chắn lũ bọ cánh cứng này có gì đó đặc biệt bởi một loại bọ khác (Enochrus japonicus) bị nuốt và không con nào sống sót, bị thải ra khoảng hơn 1 ngày sau.

“Rõ ràng loại bọ cánh cứng này đã chủ động bò ra khỏi hậu môn ếch. Mặc dù ếch ăn chúng rất dễ dàng nhưng 90% số bọ cánh cứng bị nuốt đã “đào tẩu" được sau 6 tiếng bị nuốt vào bụng ếch và thật ngạc nhiên là chúng vẫn sống”, Shinji Sugiura viết trong nghiên cứu.

Không ai biết chính xác các con bọ cánh cứng đã tìm đường trong bụng ếch thế nào nhưng Sugiura biết chúng cần chân để di chuyển. Nhà nghiên cứu đã dính sáp vào chân các con bọ và tất cả những con này đều chết, ra khỏi cơ thể ếch theo đường phân.

Trong khi phần lớn những con bọ được tự do di chuyển đã sống sót và rời khỏi bụng ếch chỉ sau vài giờ. Nhà nghiên cứu ghi nhận con bọ “đào tẩu" ra khỏi cơ thể ếch nhanh nhất là chỉ trong 7 phút.

Chính thói quen sống dưới nước đã giúp bọ cánh cứng này tẩu thoát. Lớp vỏ cứng khiến dịch tiêu hoá không thể nghiền nát chúng và khả năng thở bằng các túi khí giấu dưới cánh đã giúp chúng không bị ngạt thở. Đặc biệt, bằng cách nào đó, những con bọ này đã kích hoạt ếch “mở" hậu môn. Bình thường các cơ vòng hậu môn sẽ đóng kín và Shinji Sugiura hiện đang nghiên cứu cơ chế này.

Bản thân Shinji cũng rất ngạc nhiên khi thực hiện thí nghiệm về khả năng sống sót sau khi chu du trong hệ tiêu hoá ếch của loài bọ cánh cứng R. attenuata.

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên