Lời giải nào cho bài toán nhân lực chất lượng cao tại Bình Dương?

Cập nhật: 27-05-2011 | 00:00:00

Tính đến cuối quý 1-2011, toàn tỉnh Bình Dương đã có hơn 12.187 doanh nghiệp (DN) với tổng số lao động trên 700.000 người, trong đó lao động (LĐ) đến từ các khu vực ngoài tỉnh chiếm đến 84%. Với sự phát triển nhanh của các DN trong và ngoài KCN sẽ khiến địa phương  cần khoảng 50.000 LĐ mỗi năm. Thế nhưng, lực lượng LĐ tại tỉnh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 người/năm. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra.

“Mõi mắt” tìm kiếm nhân lực

 Nhớ lại nhiều năm trước đây, một tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới khi có ý định đầu tư tại Bình Dương đã đặt thẳng vấn đề rằng: Trong vòng 5 năm, Bình Dương có thể cung cấp được 1.200 kỹ sư lành nghề để quản lý các thiết bị và các dây chuyền sản xuất được không? Và tại thời điểm đó, cơ hội làm ăn hợp tác với tập đoàn này đã bị “vuột mất trong tầm tay” chỉ vì chúng ta đã không thể đáp ứng được yêu cầu của họ. Sức ép thiếu hụt LĐ buộc một số DN như Công ty May mặc Bình Dương, Việt Nam Onamba, Điện tử Foster Việt Nam, Hoyalens Việt Nam... phải chủ động tìm kiếm LĐ từ các địa phương khác.

  Trường Đại học Quốc tế Miền Đông- Nơi khơi nguồn cho trí thức công nghiệp

Hiện nay, Bình Dương đã trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao nhất và trở thành “điểm sáng” ở khu vực phía Nam với 28 khu công nghiệp đã được thành lập và 24 khu đã chính thức đi vào hoạt động, trong đó có hơn 2.006 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo dự kiến trong giai đoạn 2010-2015, Bình Dương sẽ cần khoảng 150.000 - 200.000 LĐ có trình độ. Trong khi đó, số LĐ của Bình Dương mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Do vậy, vấn đề nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao luôn là một trong những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển chung của toàn tỉnh.

Giải pháp mới cho chiến lược mới

Từ rất lâu, Bình Dương đã không còn xem nguồn nhân công “giá rẻ” là thế mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, thay vào đó là sự chọn lọc những ngành nghề sản xuất công nghiệp có “hàm lượng công nghệ chất xám cao”. Để thực hiện được chiến lược đó, tỉnh đã chủ động đào tạo một lực lượng lớn nhân lực nhằm đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của các DN. Trong thời gian qua, rất nhiều trường ĐH, CĐ đã liên tiếp được hình thành đã thể hiện sự quyết tâm cao độ của toàn tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nổi bật nhất là sự ra đời của Trường ĐH Quốc tế Miền Đông (QTMĐ) do Becamex IDC làm chủ đầu tư. Được quy hoạch và xây dựng trên diện tích rộng 26,4 ha, với tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ đáp ứng cho yêu cầu đào tạo khoảng 24.000 sinh viên trong và ngoài nước đến năm 2020. Được thiết kế xứng tầm để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trường ĐHQTMĐ hứa hẹn sẽ là nơi tạo ra sự liên kết để nâng chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương, “đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, biến nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn quốc tế, trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất thu hút đầu tư nước ngoài”, như phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại hội thảo ngày 22-2-2008 về chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam đến năm 2020.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐHQTMĐ cho biết: “Năm 2011-2012, trường sẽ mở 6 ngành bao gồm: công nghệ kỹ thuật và điện tử bậc ĐH, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa bậc ĐH, kỹ thuật phần mềm bậc ĐH, truyền thông và mạng máy tính bậc ĐH, quản trị kinh doanh dạy bằng tiếng Anh bậc ĐH và điều dưỡng bậc ĐH. Số lượng tuyển sinh khóa đầu tiên sẽ là 1.000 sinh viên. Đặc biệt, trường ĐHQTMĐ luôn có những chính sách cụ thể hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp, 100% có việc làm trong các KCN của Becamex và Bình Dương.” Ông cũng chia sẻ thêm rằng bên cạnh kế hoạch tổ chức thực hiện triển khai công tác chuẩn bị tiếp nhận những sinh viên hệ chính quy khóa I năm 2011-2012, trường sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý và cán bộ giảng dạy, đẩy mạnh công tác tiếp thị - hướng nghiệp và quan hệ với các DN.

Nhân lực chất lượng cao - “Đòn bẩy” cho sự phát triển kinh tế của Bình Dương

Với sứ mệnh đào tạo nhân lực để phục vụ cho tỉnh nhà, ĐHQTMĐ thực sự trở thành “vườn ươm” nhân tài cho Bình Dương. Đây sẽ là nơi đào tạo các sinh viên trở thành chuyên gia hàng đầu, những nhà khoa học, quản lý, lãnh đạo, hay chủ DN xuất sắc. Chính điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cơ hội việc làm, tạo nguồn thu nhập cao, thúc đẩy nền kinh tế chung của toàn tỉnh phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Sự ra đời của trường ĐHQTMĐ ngoài việc đào tạo nguồn nhân lực cao cấp, còn góp phần thu hút những cư dân đầu tiên đến sinh sống và làm việc tại thành phố mới Bình Dương, tạo điều kiện cho sự phát triển các ngành dịch vụ thương mại, đẩy mạnh tiêu dùng, vui chơi giải trí. Nhu cầu nhà ở cũng sẽ vì thế tăng mạnh hơn. Hiện nay, rất nhiều dự án về nhà ở xung quanh trường ĐHQTMĐ đang được triển khai xây dựng đã tạo sức hút lớn với khách hàng và các nhà đầu tư, chủ yếu là nhờ vào việc trường ĐHQTMĐ sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9-2011 sắp tới.

 QUỲNH  XUÂN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên