Lòng tin của người tiêu dùng

Cập nhật: 07-10-2019 | 08:49:58

Năm nay, tròn 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, ý thức của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp đều có sự chuyển biến tích cực, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế đất nước.

Do có sự đầu tư nghiên cứu, nâng chất lượng, tính thẩm mỹ và vai trò liên kết của các kênh phân phối, hàng Việt Nam ngày càng bắt mắt người tiêu dùng hơn trên các hệ thống bán buôn.

Thống kê của Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện hàng Việt chiếm tỷ lệ khá cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Cụ thể như: Saigon Co.opmart (90 - 93%), Satra (90 - 95%), Vissan (95%), Lotte (82%), AEON (80%)... Điều này là minh chứng rõ nét cho việc hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Rõ ràng, khi chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì sức mạnh của hàng Việt Nam đã nhân lên bội phần. Điều quan trọng đi cùng với nhận thức thay đổi của người tiêu dùng đối với hàng Việt thì tư duy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước đã khác xưa, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa, hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm. Đó còn là tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền có điểm nhấn, tạo dấu ấn trong cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại và mạng lưới bán lẻ hàng Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Sự hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam bằng nhiều hình thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng vô cùng quan trọng. Đơn cử như ở Bình Dương, trong những năm qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện. Nhờ đó, nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức, tạo sự lan tỏa hàng Việt đến với người dân trong tỉnh, nhất là vùng nông thôn, khu, Cụm công nghiệp như phiên chợ vui đưa hàng Việt về nông thôn; phiên chợ đưa hàng Việt về khu, cụm công nghiệp… Từ đó, góp phần to lớn vào kết quả chung của việc đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhìn chung hạn chế của hàng Việt vẫn còn nhiều, tỷ lệ tại các kênh bán lẻ truyền thống hiện vẫn chưa chiếm lĩnh được ở mức cao. Vì vậy, để chiếm lĩnh lòng tin người tiêu dùng, ngoài những yếu tố nói trên, các doanh nghiệp trong nước cần phải chủ động nỗ lực nhiều hơn để sản phẩm có chất lượng tốt, thẩm mỹ và giá cả phải chăng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên