Lúa không trổ bông vì đèn đường cao tốc: Bồi thường hay không?

Cập nhật: 01-03-2011 | 00:00:00

Gần 200 hộ dân thuộc huyện Bến Lức - tỉnh Long An đã không có cái tết trọn vẹn vì vụ lúa mùa trước đó bị thất bát. Ruộng trồng lúa Nàng thơm, Tài nguyên của họ nằm hai bên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã không thể trổ bông.

Các nhà khoa học đã kết luận, đó là do lúa bị ảnh hưởng đèn cao áp trên đường cao tốc. Đến nay, họ vẫn chưa được nhận tiền bồi thường thiệt hại. Làm sao để không phải mỗi lần làm đường cao tốc là một lần phiền phức chuyện lúa “nghẹn”, rồi bồi thường.

Lúa “nghẹn”

Đến tháng mười một âm lịch mà những đám ruộng trồng lúa đặc sản (Nàng thơm, Tài nguyên, lúa nếp) nằm ven đường cao tốc TPHCM - Trung Lương thuộc huyện Bến Lức vẫn chưa chịu trổ bông. Trong khi đó, các ruộng lúa đặc sản nằm xa đường cao tốc thì lúa đã chắc hạt. Những đám ruộng khác nằm cạnh đường cao tốc, nhưng trồng lúa lùn ngắn ngày cũng trổ bông bình thường. Ruộng trồng lúa đặc sản nằm cạnh đường cao tốc ở những đoạn không có đèn đường cao áp thì lúa cũng không bị “nghẹn”. Cứ thế, khi các đám ruộng khác lúa đã chín vàng thì ở các đám ruộng bị “nghẹn”, cây lúa vẫn không chịu ra bông, rồi tàn úa. Bà con nông dân cho rằng lúa không trổ bông là do đèn cao áp. Họ báo cáo lên chính quyền địa phương nhờ giúp đỡ.

Lúa không trổ bông do nằm bên đường cao tốc (xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). 	Ảnh: kỳ quan Lúa không trổ bông do nằm bên đường cao tốc (xã Thạnh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Chính quyền huyện Bến Lức và ngành NNPTNT tỉnh Long An đi khảo sát và ghi nhận những điều bà con nông dân phản ánh là chính xác. Lúc này, có người mới nhớ lại là đã từng xảy ra hiện tượng tương tự trước đây nhiều năm. Đó là khi dãy đèn cao áp trên đường tránh thị xã Tân An đưa vào hoạt động năm 2005, những ruộng lúa đặc sản ven đường cũng bị thất bát. Vì số lượng ít, UBND thị xã Tân An đã “hỗ trợ” thiệt hại cho bà con rồi khuyên trồng loại lúa khác, mà không báo cáo về trên để tìm rõ nguyên nhân.

Sau đó vài năm, mấy trụ đèn cao áp bảo vệ quanh Nhà máy nước Bình Ảnh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cũng làm cho các đám ruộng lúa thơm xung quanh không trổ bông. Đơn vị kinh doanh nhà máy nước đã phải bồi thường thỏa đáng cho dân. Những năm sau này, khi đến giai đoạn lúa trổ bông (khoảng đầu tháng mười một âm lịch), bà con yêu cầu nhà máy nước tắt đèn cao áp chừng 10 bữa thì lúa trổ bông, kết hạt bình thường.

Nguyên nhân đã rõ, nhưng khó bồi thường

Ngày 30.12.2010, UBND tỉnh Long An đã có công văn gửi Bộ GTVT và Bộ NNPTNT, kiến nghị xem xét bồi thường 1,89 tỉ đồng cho các hộ nông dân bị thiệt hại lúa do đèn đường cao tốc TPHCM – Trung Lương gây ra. Sau khi Cục Trồng trọt đến Long An kiểm tra, Bộ NNPTNT đã có văn bản trả lời tình trạng lúa không trổ bông là do ảnh hưởng của đèn cao áp trên đường cao tốc (gọi là hiện tượng “cảm ứng quang kỳ” - PV). Ngày 17.1.2011, UBND tỉnh Long An có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc bồi thường thiệt hại nói trên.

Ngày 28.1.2011, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, yêu cầu UBND tỉnh Long An chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT cân nhắc hỗ trợ nông dân bị thiệt hại (không đặt vấn đề bồi thường). Thế nhưng cho đến nay, việc “hỗ trợ” thiệt hại cho nông dân vẫn chưa thực hiện. Để giúp nông dân bị thiệt hại có tiền ăn tết, ngày 29.1.2011 UBND tỉnh Long An đã xuất Quỹ phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai của tỉnh số tiền 99,5 triệu đồng để hỗ trợ đột xuất cho 199 hộ nông dân nói trên.

Cần một chính sách…

Dù có được “hỗ trợ” hay không, thỏa đáng hay không thỏa đáng, thì những hộ nông dân này cũng được thông báo phải tính toán lại giống cây trồng để không lặp lại tình trạng “lúa nghẹn”, họ sẽ không được hỗ trợ ở các vụ sau. Điều đó có nghĩa, vùng lúa đặc sản nói trên phải chuyển sang trồng lúa ngắn ngày hoặc các loại cây trồng khác không bị ảnh hưởng bởi đèn cao áp. Thế nhưng, việc từ bỏ vụ lúa thơm giá trị cao chắc chắn gây thiệt hại cho nhà nông. Đó là chưa nói đây là vùng đất trũng, không phù hợp cho cây lúa lùn.

Nước ta sẽ còn xây dựng nhiều đường cao tốc, trước mắt là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, rồi Mỹ Thuận - Cần Thơ. Các con đường này đều đi qua vùng đồng bằng chuyên canh lúa hoặc cây ăn trái. Hàng ngàn hộ nông dân rồi sẽ được yêu cầu từ bỏ giống lúa thơm hoặc loại cây trái đặc sản nào đó bị ảnh hưởng bởi đèn đường cao tốc. Việc chuyển đổi ấy không hề đơn giản. Người nông dân phải chịu hy sinh vì lợi ích chung?

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần có sự nghiên cứu đầy đủ hơn để giúp nông dân vẫn giữ được loại lúa, loại cây trái đặc sản có giá trị cao mà không bị đèn cao áp trên đường cao tốc gây hại. Còn nếu như buộc phải chuyển đổi cây trồng, thì người nông dân cần được hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí. Những chí phí đó cần được đưa vào chi phí công trình đường cao tốc một cách sòng phẳng. Có như thế thì người nông dân vốn đã nghèo mới không bị thiệt thòi.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên