Luật Đất đai (sửa đổi) lần này bám sát quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, trong đó có vấn đề tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, khắc phục các bất cập so với trước đây. Nổi bật tại các nội dung sửa đổi, đó là cụ thể hóa được các quyền của đại diện chủ sở hữu về đất đai là Nhà nước (Điều 12 của dự thảo) thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ); quyết định trao quyền SDĐ cho người SDĐ; quy định quyền và nghĩa vụ của người SDĐ, về công tác thu hồi đất, công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ.
Riêng về bảng giá đất thì Luật Đất đai 2003 quy định UBND cấp tỉnh xây dựng và công bố bảng giá đất hàng năm. Quy định này, một mặt gây tốn kém kinh phí thực hiện, mặt khác gây rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng bồi thường giá trị quyền SDĐ trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án (vì giá đất xác định bồi thường được áp dụng phải là giá tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất, mà việc thực hiện dự án thường kéo dài trên 1 năm. Do vậy, dẫn đến việc phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi phương án bồi thường cho phù hợp khi bảng giá đất mới được công bố…).
Để khắc phục bất cập nêu trên, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đưa ra 2 phương án. Cả hai phương án đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch ngầm còn khá phổ biến, việc phân công nhiệm vụ quản lý về giá đất còn phân tán, chưa có hệ thống quản lý cập nhật, theo dõi tình hình biến động giá đất trên thị trường, các tổ chức tư vấn giá còn ít, năng lực còn hạn chế như hiện nay thì theo tôi, việc lựa chọn phương án 2 “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần và công bố vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ” sẽ là phương án tối ưu hơn, phù hợp hơn.
NHƯ Ý (ghi)