Lực lượng vũ trang Bình Dương: Những dấu ấn lịch sử- Kỳ I

Thứ ba, ngày 09/12/2014

(BDO) Kỳ I: Ra đời để bảo vệ cơ sở Đảng

Giàu truyền thống yêu nước, trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, bộ đội chủ lực, du kích địa phương cũng bám đất, bám làng lập nên nhiều chiến công vang dội, xây dựng nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường - chủ động, sáng tạo - đoàn kết - quyết thắng”.

Ông Nguyễn Văn Sửu kể cho phóng viên Báo Bình Dương về hoạt động tập luyện võ nghệ của lực lượng TNTP Phú Hòa tại khu vườn Quãng Thủ, nay là khu đất công ở khu phố 9, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một

70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, sự nuôi dưỡng và đùm bọc của nhân dân, đã không ngừng phát huy bản chất tốt đẹp, vừa xây dựng, vừa chiến đấu và trưởng thành, xây đắp nên truyền thống rất vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22.12.1944 - 22.12.2014), chúng tôi tìm về với những dòng tư liệu, những nhân chứng lịch sử để được nghe, được biết về truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang (LLVT) Sông Bé cũ, Bình Dương ngày nay bắt đầu từ những gì sơ khai nhất, đó là những đơn vị tiền thân, góp phần xây dựng nên LLVT tỉnh sau này. Để bảo vệ cơ sở Đảng và các cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng, một số chi bộ ở các địa phương trong tỉnh đã lập ra các nhóm tự vệ bán vũ trang. Tuy thiếu kinh nghiệm chiến đấu; vũ khí ít ỏi, thô sơ, nhưng những đơn vị vũ trang tiền thân hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập. Nói về những LLVT sơ khai ngày ấy, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Sông Bé nói: “Ngay từ khi ra đời, Đảng ta chủ trương xây dựng LLVT cách mạng, xây dựng các đội tự vệ trên cơ sở cao trào cách mạng của quần chúng công nông. Các đội tự vệ này làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng, khi điều kiện cho phép thì phát triển thành các đội du kích, lập quân đội công nông, tiến hành vũ trang khởi nghĩa”.

Tại vùng đất Bình Dương (bao gồm một số địa phương thuộc tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa xưa), các tổ chức Đảng Cộng sản ra đời từ rất sớm. Để bảo vệ cơ sở Đảng và các cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng, nhiều tổ chức Đảng ở Lái Thiêu, Tân Uyên, đồn điền Cao su Dầu Tiếng, Đề pô xe lửa Dĩ An… đã tổ chức những nhóm tự vệ bán vũ trang. Các đơn vị bán vũ trang này đã dùng vũ lực để chống địch đàn áp, bắt bớ bảo vệ những người biểu tình đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ trong những năm 1930- 1935, 1936-1939.

Đại tá Hồ Văn Nam: “Khi ấy, dù vũ khí còn rất thô sơ, nhận thức về lối đánh, cách đánh còn hạn chế nhưng lực lượng TNTP luôn hừng hực khí thế cách mạng, sẵn sàng chiến đấu với địch.

 

Mùa thu năm 1940, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam kỳ về việc chuẩn bị khởi nghĩa trong toàn xứ, các địa phương trong tỉnh đã ráo riết thành lập Ủy ban khởi nghĩa các cấp, xây dựng lực lượng vũ trang, rèn đúc, mua sắm vũ khí. Đêm 22 rạng ngày 23-11-1940, khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ ở nhiều điểm như Châu Thành, Lái Thiêu, Bến Cát… Công nhân, nông dân được các đơn vị vũ trang làm nòng cốt đã chặt cây, phá đường, cắt dây điện thoại, rải truyền đơn… Tuy nhiên, do khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra trong điều kiện chưa chín mùi và bị lộ từ trước nên cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị dập tắt. Giặc Pháp đàn áp lực lượng ta dữ dội. Chúng truy bắt những người cộng sản và yêu nước ở các làng, đồn điền cao su. Nhiều người bị bắt và bị giết hại.

Từ tháng 3-1943, tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của Thủ Dầu Một dần hồi phục. Lần lượt các đơn vị vũ trang được tái lập ở các địa phương. Các đơn vị vũ trang tự trang bị vũ khí bằng nhiều cách như lấy từ kho vũ khí của địch, mua hoặc đổi bằng lương thực, tước súng của bọn lính… Giữa năm 1945, phong trào Thanh niên Tiền Phong (TNTP) ra đời ở Sài Gòn và các tỉnh, thu hút hàng vạn thanh niên vào tổ chức bán vũ trang yêu nước. Và trong tháng 5-1945, lực lượng TNTP Thủ Dầu Một được thành lập.

Trong căn nhànhỏởphường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, Đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé cũ (nay là Bình Dương) kể, ông sinh ra và lớn lên ở Chánh Mỹvà trưởng thành trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Cuộc sống người dân lầm than, đói khổ. Tuy không học cao nhưng với trình độ lớp 5 trường làng cũng đủ cho ông biết chút ít về thời sự, về tình hình đất nước. Trong giai đoạn lịch sử này, ông đã gia nhập lực lượng TNTP ở Thủ Dầu Một. Khi ấy, vũ khí rất thô sơ, nhận thức về lối đánh, cách đánh còn rất hạn chế. Nhưng lực lượng TNTP hừng hực khí thế cách mạng, sẵn sàng chiến đấu với địch. Và ngày 25-8- 1945 lịch sử, ông đã tham gia lực lượng xuống đường cướp chính quyền, giải phóng Thủ Dầu Một.

Thời kỳ đó, các đơn vị tự vệ, Thanh niên Cứu quốc, TNTP trong các làng của huyện Châu Thành (thuộc Thủ Dầu Một) tích cực luyện tập võ thuật, hoạt động tuyên truyền, cổ động biểu dương lực lượng. Đội tự vệ Lò Chén Phú Cường, TNTP Chánh Hiệp, Phú Hòa, Phú Mỹ, Định Hòa… hoạt động rất mạnh mẽ. Có nơi có từ 50 - 100 đội viên. Các đội TNTP tự trang bị vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông. Đặc biệt ở Phú Hòa, TNTP được trang bị hơn 10 súng lấy được của Nhật.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn Quãng Thủ, địa danh từ thời Pháp thuộc (giờ trở thành khu đất công ở khu phố 9, phường Phú Hòa), ông Nguyễn Văn Sửu, một người đã gắn bó với khu vườn này từ khi tóc còn để chỏm, cho biết, trước đây, vườn Quãng Thủ là văn phòng của Tây, sau đó bị ta đánh chiếm. Với diện tích khoảng 1 ha, vườn có một cây mít nài to, nơi đây hàng ngày trở thành nơi tập luyện võ công của đội TNTP. “Mỗi buổi chiều, ngay tại vườn Quãng Thủ này tập hợp khoảng mấy chục thanh niên, phụ nữ. Mỗi người một khúc tầm vông tập luyện võ công…”, ông Nguyễn Văn Sửu nhớ lại.

Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, TNTP trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt. Đại tá Hồ Văn Nam nhớ lại, ngày 24-8-1945, sau khi lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh lan rộng, lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn của tỉnh vào sáng 25-8. Các đơn vị vũ trang tự vệ của Phú Cường, Phú Hòa, Chánh Hiệp được bố trí canh giữ các vị trí quan trọng, sẵn sàng ngăn không cho địch phá hoại. Và cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một đã hoàn toàn thắng lợi. Từ đây lịch sử chuyển sang một trang mới.

Các đơn vị vũ trang của tỉnh ngày ấy tuy chưa được trang bị kiến thức quân sự, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí ít ỏi, thô sơ, chủ yếu là tầm vông, giáo mác nhưng các cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng này hừng hực ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Có thể nói, đây là những đơn vị vũ trang đầu tiên đặt nền móng cơ sở cho việc xây dựng LLVT cách mạng trên địa bàn tỉnh sau này.

Kỳ 2: Chi đội 1 - mốc son chói lọi

 

THU THẢO