Lực lượng vũ trang Bình Dương: “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”- Bài 1

Cập nhật: 23-11-2020 | 08:19:25

Khởi đầu từ Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ (đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ), trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, lập được nhiều thành tích vẻ vang, xây đắp nên truyền thống “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”.

Bài 1: Mốc son lịch sử

Ngày 25-11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập tại xã An Sơn (quận Lái Thiêu, nay là TP.Thuận An). Từ đây đánh dấu sự hình thành của LLVT tỉnh, lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân đánh giặc, giải phóng quê hương, bảo vệ Tổ quốc.

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, đánh địch trên khắp địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, cho biết bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới, LLVT của tỉnh được tổ chức bài bản hơn và có sự chỉ huy thống nhất để tạo thành sức mạnh to lớn hơn. Trên cơ sở đó, ngày 25-10-1945, Hội nghị Xứ ủy Nam bộ đã triệu tập cuộc họp mở rộng tại Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, với nhiệm vụ quan trọng là lãnh đạo đẩy mạnh công cuộc kháng chiến và củng cố xây dựng LLVT cách mạng ở Nam bộ, đặt LLVT dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ năm 1947

Đầu tháng 11-1945, tại một cuộc họp ở sở cao su nhỏ của Hội đồng Cần thuộc xã Tân Định (phường Tân Định, TX.Bến Cát ngày nay), đồng chí Nguyễn Bình, đặc phái viên quân sự Trung ương được cử vào Nam bộ và đồng chí Huỳnh Kim Trương, Ủy viên quân sự tỉnh Thủ Dầu Một đã bàn bạc và thống nhất chủ trương thành lập ngay một đơn vị vũ trang tập trung trên cơ sở thống nhất các LLVT trong tỉnh, lấy tên là Chi đội 1. Ngày 20-11-1945, Hội nghị quân sự tại An Phú xã (Hóc Môn) đã công nhận Chi đội giải phóng quân của tỉnh Thủ Dầu Một với phiên hiệu “Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự tại An Phú xã, ngày 25-11-1945, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ chính thức được thành lập tại đền An Quới, xã An Sơn, quận Lái Thiêu. Quân số lúc mới thành lập là 800 cán bộ, chiến sĩ. Vũ khí gồm 80 súng trường, 10 súng phóng lựu, 10 súng máy và nhiều đạn dược khác. Chi đội 1 được biên chế thành 3 đại đội, trong đó Đại đội 1 phụ trách vùng Lái Thiêu; Đại đội 2 vùng Châu Thành và TX.Thủ Dầu Một; Đại đội 3 phụ trách Bến Cát và Hớn Quản. Ngoài các đại đội trực thuộc, Chi đội 1 còn có các bộ phận chuyên môn, như: Văn phòng chi đội và Khối hậu cần; Ban quân nhu; Ban quân y; Ban tài chính; Ban quân giới; Ban giao thông liên lạc.

Theo ông Nguyễn Văn Hữu, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một là tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ do Đảng tổ chức xây dựng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là đơn vị vũ trang tập trung được thành lập sớm nhất ở Nam bộ. Chi đội 1 ra đời có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của các đơn vị vũ trang được tổ chức chặt chẽ, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chi đội 1 không những đáp ứng nhiệm vụ chiến đấu tại địa phương mà còn thúc đẩy, hỗ trợ cho lực lượng dân quân, du kích ngày càng phát triển, tạo thành sức mạnh tổng hợp của lực lượng ba thứ quân, đánh địch trên khắp địa bàn tỉnh. Bản thân Chi đội 1 là hình ảnh thu nhỏ của khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đủ cả Bắc - Trung - Nam, các thành phần từ công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên, viên chức, người Hoa…

Để thành lập được Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ không thể không nhắc đến “Chiến khu An Sơn”. An Sơn chính là căn cứ kháng chiến đầu tiên của các tỉnh và là một trong những căn cứ đứng chân của lực lượng kháng chiến miền Đông Nam bộ trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, sau Cách mạng Tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân An Sơn hăng hái sản xuất, trồng thêm nhiều hoa màu cứu đói, giúp đỡ các gia đình ổn định cuộc sống, tham gia chống giặc dốt.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đi, người hiểu rõ về truyền thống cách mạng của vùng đất An Sơn trong giai đoạn kháng chiến trường kỳ chống Pháp rồi đến chống Mỹ. Trong ngồi nhà rợp bóng cây của mình, ông kể: Ở An Sơn, mà nhất là ấp An Quới này, đi đến đâu cũng thấy hừng hực khí thế chuẩn bị kháng chiến. An Sơn là nơi trú quân, luyện quân của các đơn vị trước khi ra mặt trận hay sau mỗi đợt chiến đấu rút ra để tạm củng cố nên ở ấp An Quới cứ 4 gia đình có 1 gia đình nuôi bộ đội. Đặc biệt, cả An Sơn, nhà nhà làm bánh ổ gửi về tỉnh để đưa ra mặt trận phục vụ bộ đội chiến đấu. Hàng ngày, chủ các lò đường cùng nhân dân đóng góp mật, đường giao cho phụ nữ phân chia đến tận các gia đình làm bánh ổ. Các chảo nấu đường được dùng để nấu cơm nuôi bộ đội. Tại các cửa ngõ mỗi nhà đều để sẵn nhiều vắt cơm, gói muối tiêu, khạp nước, bộ đội hay nhân viên kháng chiến đi ngang qua cứ lấy dùng mà không phải hỏi chủ nhà. Hầu hết thương binh từ mặt trận cầu Bến Phân chuyển qua sông Sài Gòn đưa về An Sơn chăm sóc. Mọi công tác nuôi quân do nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng. Vì vậy, anh em thương binh thường gọi nơi đây là “Chiến khu An Sơn”. Và, những người chiến sĩ, dù trong LLVT của tỉnh hay bất cứ đơn vị nào của lực lượng kháng chiến Nam bộ từ mặt trận về “chiến khu”, cũng được nhân dân hết lòng chăm sóc, yêu thương.

Đánh dấu sự trưởng thành

Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp đứng trước khó khăn lớn buộc phải chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang chiến lược đánh lâu dài, thực hiện chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”; từ mở rộng phạm vi hoạt động chuyển sang củng cố vùng chiếm đóng. Chúng thay thế những cuộc hành quân lớn bằng những cuộc hành quân nhỏ, đồng thời ra sức củng cố ngụy quyền, phát triển ngụy quân, tranh thủ viện trợ. Ở Nam bộ, thực dân Pháp coi đây là nơi “bình định”, trọng điểm trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm biến Nam bộ thành kho dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh.

Năm 1948, nhằm đánh bại chính sách “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ ra chỉ thị xây dựng các trung đoàn bộ đội tập trung trên toàn xứ. Theo đó, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Ban chỉ huy Trung đoàn 301, gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Lê Đức Anh, Đoàn Hữu Hòa và Nguyễn Văn Ngọ. Trung đoàn 301 được biên chế thành 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 901 hoạt động ở vùng Lái Thiêu, Thủ Dầu Một; Tiểu đoàn 902 hoạt động ở quận Châu Thành và Tiểu đoàn 903 hoạt động ở địa bàn Bến Cát, Hớn Quản, Lộc Ninh.

Ngày 27-3-1948, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ của tỉnh Thủ Dầu Một được đổi tên thành Trung đoàn 301. Đây không chỉ là sự thay tên gọi mà còn đánh dấu sự phát triển, thay đổi về cơ cấu tổ chức, quy mô đơn vị, trình độ, năng lực của cán bộ, chiến sĩ. Từ đây, Trung đoàn 301 cùng các lực lượng dân quân du kích trong toàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tác chiến trên khắp chiến trường. (còn tiếp)

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên