Lực lượng vũ trang Bình Dương: “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”- Bài 2

Cập nhật: 24-11-2020 | 08:24:00

Theo năm tháng của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Thủ Dầu Một ngày càng phát triển và trở thành một LLVT tập trung mạnh về mọi mặt. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, LLVT tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...

Bài 2: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Khai sinh lối đánh đặc công

Một trong những niềm tự hào của LLVT tỉnh Bình Dương trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp là khai sinh lối đánh đặc công. Với những người dân ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên hôm nay, chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948 luôn là niềm tự hào. Bởi chính mảnh đất này đã khai sinh ra lối đánh đặc công. Và ngày 19-3 sau đó đã trở thành ngày truyền thống lực lượng đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với lối đánh đặc công sáng tạo và độc đáo, trong ngày thành lập Binh chủng Đặc công 19-3-1967, Bác Hồ tặng cho binh chủng 4 câu: “Đặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí sáng tạo. Đánh hiểm thắng lớn”.

Tại Phòng truyền thống của Lữ đoàn Đặc công 429 ở huyện Phú Giáo vẫn lưu giữ hình ảnh đại tá Trần Công An (tức Hai Cà), người con của vùng đất Tân Uyên được treo ở vị trí trang trọng nhất. Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 429, cho biết đại tá Trần Công An là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công.

Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, khai sinh lối đánh đặc công, niềm tự hào của LLVT tỉnh. Trong ảnh: Bia Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên ở phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên

Trở lại bối cảnh lịch sử thời điểm năm 1947 trước nguy cơ phá sản của chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” trên chiến trường Việt Nam, Pháp đã cử tướng De Latour Desmerlins sang thay thế tướng Nyô với mục đích muốn nhanh chóng vãn hồi tình hình. Tướng De Latour Desmerlins đã đề ra kế hoạch “3 giai đoạn, 6 biện pháp”, trong đó có chiến thuật tháp canh “bất khả xâm nhập” nhằm chia cắt, khống chế vùng căn cứ cách mạng và các hoạt động của ta, phục vụ kế hoạch bình định toàn khu vực.

Lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định, phá hệ thống tháp canh của giặc Pháp, đánh bại chiến thuật De Latour là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của LLVT miền Đông nói chung và Tỉnh đội Biên Hòa nói riêng. Nhưng lúc này, vũ khí, trang bị của ta còn quá thô sơ, chưa có loại nào có sức công phá các bờ tường dày của hệ thống tháp canh, nên nhiệm vụ phá tháp canh tưởng chừng như không thể. Được Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao nhiệm vụ phá tháp canh, phụ trách đội du kích Tân Uyên, ông Hai Cà trong lòng rất lo lắng. Trở về hậu cứ, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách đánh. Mục tiêu đầu tiên ông chọn là tháp canh ở đầu cầu Bà Kiên, nằm trên lộ 24 nối liền Biên Hòa - Vĩnh Cửu với Chiến khu Đ.

Đêm 18 rạng sáng 19-3-1948, ông Hai Cà chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Nhờ ngụy trang tốt và giữ được yếu tố bất ngờ, cả 3 người xâm nhập thành công vào trận địa cùng với chiếc thang dùng để leo tường.

Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Hai Cà “tặng” chúng thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Từ kinh nghiệm đó, tháng 11-1949, Bộ Chỉ huy Khu 7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh, ông Hai Cà được chọn báo cáo kinh nghiệm và cách đánh tháp canh của địch. Sau này, ngày 19-3 được chọn là ngày truyền thống Bộ đội Đặc công.

Giành thế chủ động chiến trường

Nhớ về giai đoạn kháng chiến chống Pháp, những nhân chứng lịch sử như ông Nguyễn Văn Hữu, đại tá Hồ Văn Nam... đều có chung nhận định: Mặc dù vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các LLVT Thủ Dầu Một đã kiên cường chống chọi với đại bác, tàu đồng của quân đội nhà nghề Pháp, góp phần kìm chân quân địch tại thành phố Sài Gòn, ngăn chặn bước chân xâm lược của kẻ thù trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho nhân dân cả nước có thời gian chuẩn bị lực lượng mọi mặt để kháng chiến.

Khi cuộc kháng chiến lan rộng ra chiến trường cả nước, trong nỗ lực chống lại chính sách bình định của địch, phát triển phong trào du kích chiến tranh, xây dựng tiềm lực kháng chiến, LLVT Thủ Dầu Một không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Dân quân du kích phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống quân sự địa phương ra đời. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện hình thành. Một số tổ chức vũ trang có thành phần ô hợp phức tạp dần phân hóa và tan rã trước diễn biến quyết liệt của cuộc kháng chiến và nỗ lực khẳng định quyền lãnh đạo đối với LLVT của Đảng Cộng sản. Nhiều cán bộ được đào tạo tại các trường quân chính. Binh công xưởng ra đời. Trang bị vũ khí cho LLVT tỉnh được nâng cao một bước.

Bước vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong điều kiện bị địch chia cắt, phong tỏa và càn quét liên miên, LLVT Thủ Biên (lúc này tỉnh Thủ Dầu Một sáp nhập với Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên) đã nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai và những lệch lạc trong thực hiện phương châm vùng kháng chiến, thực hiện công tác tôn giáo vận, giữ vững và đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh kết hợp với địch ngụy vận, không ngừng củng cố và mở rộng Chiến khu Đ và các căn cứ địa khác.

Tổ chức LLVT được sắp xếp lại theo hướng nhỏ gọn bám trụ hoạt động độc lập ở từng vùng chiến trường. Quân và dân Thủ Biên đã phối hợp với chiến trường chính góp phần vào thắng lợi chung trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954, các LLVT Thủ Biên đã đánh 137 trận lớn, nhỏ; diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, thu 186 súng các loại, phá hủy 19 xe quân sự, đánh sập 3 lô cốt, 5 tháp canh, bức rút 5 tháp canh khác, các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập 147 lần vào vùng tạm chiếm diệt tề, trừ gian, xây dựng cơ sở.

Từ tháng 3 đến tháng 5-1954, tỉnh sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh cùng bộ đội địa phương của huyện, dân quân du kích mở đợt hoạt động trên diện rộng tại địa bàn huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu đánh địch đột kích vào khu du kích Thái Hòa, Tân Phước, khu Thuận An Hòa; tập kích địch tuần tiểu trên quốc lộ 13, hạ tháp canh Sở Xoài, Bình Trị... tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch càn quét vào căn cứ Vĩnh Lợi, Sở Bác Vật... Vang dội nhất là trận tấn công địch đóng ở bót Cầu Định (án ngữ quốc lộ 13 cách TX.Thủ Dầu Một 10km về phía bắc). Lúc 0 giờ 45 phút ngày 1-6-1954 tiêu diệt và bắt sống toàn bộ Đại đội Com Măng Đô 147 tên, thu 1 súng cối 60mm; 4 súng đại liên; 130 súng tiểu liên và súng trường, hơn 9 tấn đạn và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Cầu Định là đỉnh cao trong đợt tấn công đông - xuân năm 1953-1954, là sự phối hợp và phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Thủ Biên trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.

Với những thắng lợi vang dội, các LLVT trong tỉnh đã góp phần từng bước giành lại thế chủ động chiến trường, tạo thế và lực, tiến công địch trong cuộc chiến đông xuân 1953- 1954, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (còn tiếp)

Tại Phòng truyền thống của Lữ đoàn Đặc công 429 ở huyện Phú Giáo vẫn lưu giữ hình ảnh đại tá Trần Công An (tức Hai Cà), người con của vùng đất Tân Uyên được treo ở vị trí trang trọng nhất. Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công bộ 429, cho biết đại tá Trần Công An là người có công đầu trong việc xây dựng, hình thành lối đánh đặc công.

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên