Mang “ánh sáng” cho người khiếm thị

Cập nhật: 23-08-2011 | 00:00:00

Bằng sự sẻ chia, lòng yêu thương, hơn 20 năm qua, cô Đặng Thị Thu Phương không ngừng nỗ lực nghiên cứu, tìm cách hướng dẫn dễ hiểu nhất để truyền đạt cho học sinh khiếm thị. Nhờ sự tận tình, vun đắp của cô mà đến nay hàng trăm em tìm được việc làm, có mái ấm gia đình riêng. Nhiều em đã trở thành Chủ tịch Hội Người mù (HNM) các huyện trong và ngoài tỉnh; có người vào đại học, cao đẳng, thậm chí đang du học nước ngoài với một tương lai đầy hứa hẹn.

 Cô Phương tận tình chỉ dạy cho học sinh

Trong lớp học khá khang trang ở tầng 3, HNM tỉnh, cô Phương đã không giấu được niềm vui: “Được như thế này là niềm ao ước bấy lâu của cô trò chúng tôi. Ngày trước, lớp học chật chội, ẩm thấp, thiếu cả phương tiện học tập, nghĩ mà thương cho các em. Bây giờ, chúng tôi có cả thư viện, phòng đọc trong hội”.

Lớp học này khá đặc biệt bởi không cần dùng bảng, không phấn. Độ tuổi của các em cũng chênh lệch khá cao, có em 5 - 7 tuổi, nhưng có em đã đến tuổi trưởng thành mới bắt đầu đến lớp. Và để làm việc thành công trong môi trường khá đặc biệt như thế, bao năm qua,  cô Phương không chỉ luyện cho mình một giọng “thép” vì phải nói nhiều, mà còn phải luyện cả tính kiên nhẫn và sự chờ đợi. Đó là phải truyền đạt theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, rồi phải chờ các em tiếp thu dần dần. Bởi nói như cô Phương, các em không chỉ bị cướp đi ánh sáng, mà một phần trí não cũng không phát triển bình thường. Có người tiếp thu được cái này lại mất cái kia, không ai giống ai... Tuy nhiên, bao năm qua, trải qua nhiều thế hệ, lớp học của cô Phương vẫn luôn tồn tại một điểm chung, đó là tình yêu thương. Trong lớp khi nào cũng đầy ắp tiếng cười nói của cô và trò.

Dù các em có khôn lớn, học cao và đi xa đến mấy, hình ảnh của cô Phương vẫn luôn ghi dấu trong lòng các em. Điển hình như em Nguyễn Hữu Nghĩa ở xã An Phú, TX.Thuận An hiện đang du học ở Nhật, nhưng mỗi lần về thăm quê hương lại tìm đến nhà cô thăm hỏi, chuyện trò. “Mỗi lần có đứa nào đến thăm, nghe chúng tâm sự là thấy ấm lòng. Chúng nó thường bảo, tuy bây giờ các em không còn học cô về cái chữ, những còn học ở cô nhiều thứ, học về lẽ sống ở đời, cách sống làm người. Nghe được những lời đó, tôi biết các em đã thật sự khôn lớn, trưởng thành” - cô Phương tâm sự. Vui nhất là vào dịp tết thầy cô 20-11, trong căn nhà nhỏ của cô ở phường An Thạnh (TX.Thuận An) lúc nào cũng có học sinh của mình ra vào. Cô Phương cho biết, học sinh của cô ai cũng khó khăn đủ bề, tuy không có quà cáp sang trọng, nhưng cái tình thì không thiếu.

Để trở thành một giáo viên cho người khiếm thị, với cô Phương đó cũng là một cái duyên. Ngày trước, cô theo học trường Trung cấp Nông lâm Sông Bé. Sau khi ra trường, cô có nhiều năm công tác ở Xí nghiệp Mộc 22-12. Thường tâm sự với nhiều chị em trong xí nghiệp có con cái tật nguyền, nên cô nhìn rõ những trăn trở đau lòng của những người làm bố, mẹ. Đặc biệt sau mỗi lần ghé thăm các em, cô Phương thấy xót xa, muốn làm việc gì đó giúp các em nhưng chưa tìm ra cách. Đến khi gặp được bác Thuận Bảy (nguyên Chủ tịch HNM TX.Thuận An), thấy bác là người có trình độ, không chỉ biết chữ, chơi đàn hay mà việc gì cũng làm được không thua kém người sáng mắt, cô ngộ ra được nhiều điều. “Biết chữ, có trình độ văn hóa thì các em sẽ tìm thấy tương lai về sau” - cô Phương chia sẻ.

Cô tìm hiểu thì được biết lúc này ở HNM TX.Thuận An cũng như các huyện chưa có lớp dạy chữ cho người khiếm thị. Nghĩ là làm, cô đã tìm đến bác Bảy xin học chữ Braille. Gần 3 năm mày mò với những con chữ, các phép tính cộng, trừ... cô mới hoàn thành được phương pháp dạy chữ cho người khiếm thị theo cách của mình, sau đó xin về hội công tác. Nhưng để tạo ra được một lớp học như mình mong muốn thật không dễ. Cô Phương cho biết, ngày đó, ngoài những người thân quen thì rất nhiều bậc phụ huynh vẫn có cái nhìn rất lệch lạc về chuyện học của con em bị khuyết tật. Khi cô đến từng nhà vận động, có em rất vui khi nhảy cẫng lên xin bố mẹ cho đi học, nhưng không ít người nói thẳng: “Nó tật nguyền thì học để làm gì, có viết ra cũng chẳng ai đọc được. Chúng tôi cố gắng làm để của cho nó còn hơn”.

Khó là thế nhưng cô quyết không từ bỏ. Cô chủ động phân lớp học thành nhiều nhóm. Các em được bố mẹ quan tâm thì cho theo học tại hội. Các em khác cô tìm xuống đến từng ấp, vận động 2 - 3 em đến một nhà xin dạy. Khi các em đọc được, viết được, cô cất công tìm kiếm một số sách của người khiếm thị đưa các em đọc. Đó là những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện cổ tích... thấy hiệu quả, nhiều phụ huynh đã thay đổi cách nghĩ nên lớp học ở hội do cô dạy ngày càng đông.

Đã hơn 20 năm làm công việc tìm “ánh sáng” cho người khiếm thị, từng trải qua bao nỗi thăng trầm nghề nghiệp nhưng cô Phương vẫn đều đặn một ngày hai buổi đứng lớp. Hạnh phúc to lớn của cô là khi được tận mắt chứng kiến từng em học sinh của mình trưởng thành, tìm được hạnh phúc như bao người khác.

Quang Tám

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X