Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Quy hoạch đi trước một bước

Cập nhật: 30-05-2020 | 09:54:27

Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ khắc phục được những vấn đề nảy sinh trước sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế - xã hội, đô thị và quy hoạch khu dân cư.

Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về chợ tự phát, chợ tạm

Khắc phục những bất cập

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm của tỉnh đạt từ 18 - 20%. Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cũng liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều chợ được xây dựng mới, nâng cấp hoàn chỉnh, hoạt động ổn định. Hàng hóa đa dạng, phong phú, hoạt động mua bán diễn ra sôi động, nhất là tại các khu vực đô thị. Hệ thống kênh phân phối hàng hóa các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn có nhiều thuận lợi và bảo đảm đáp ứng nhu cầu. Thương mại bán lẻ của tỉnh đã phát triển theo hướng văn minh hiện đại với các loại hình cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại.

 Tính đến cuối tháng 11- 2019, toàn tỉnh có 106 chợ, trong đó có 70 chợ ở khu đô thị, chiếm 66,03%, 36 chợ ở vùng nông thôn chiếm 33,97%. Hiện nay toàn tỉnh có 5 trung tâm thương mại và 12 siêu thị. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết phát triển tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An, TX.Bến Cát. Riêng các huyện phía Bắc chưa có siêu thị và trung tâm thương mại.

 

Tuy vậy, cùng với sự phát triển cũng nảy sinh các vấn đề bất cập. Đa số chợ xây dựng mới được đầu tư ở các thị xã, thành phố phía Nam của tỉnh do có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng thương mại, nhiều khu, cụm công nghiệp và khu dân cư tập trung. Việc phát triển chợ ở khu vực này là tất yếu khách quan. Đối với chợ ở vùng nông thôn, mặc dù được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư để phát triển thương mại, dịch vụ nhưng thời gian qua số lượng chợ được đầu tư còn hạn chế, chủ yếu đầu tư ở những xã có nhà máy, xí nghiệp hoạt động, các xã nông thôn khác không phát triển.

Thêm vào đó, trong những năm gần đây, sự gia tăng dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và quy hoạch khu dân cư mới hình thành nên việc phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh không còn phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại quá nhiều tại địa bàn thị xã, thành phố phía Nam. Một số dự án siêu thị, trung tâm thương mại ở các địa bàn các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng... đã được quy hoạch nhưng chuyển qua giai đoạn sau năm 2020 mới đầu tư.

Một vấn đề lớn cũng đặt ra hiện nay ý thức và thói quen tiêu dùng nên hình thành nhiều điểm tập trung mua bán tự phát. Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 điểm nhóm họp chợ tự phát gây mất an ninh trật tự, an toàn toàn giao thông và mỹ quan đô thị, không bảo đảm vệ sinh môi trường, văn minh thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh cũng đã có văn bản việc hình thành chợ tạm. Các huyện, thị, thành phốđãxem xét cho thành lập 33 chợ tạm nhằm giải quyết địa điểm kinh doanh cho hộmua bán nhỏ, góp phần giải tỏa các điểm tập trung tự phát song vẫn còn nhiều tồn tại.

Xu hướng phát triển

Dân số Bình Dương khoảng 2.500.000 người. Dự báo, sự gia tăng cơ học trong quá trình thu hút nguồn nhân lực cộng với sự phát triển của dịch vụ y tế, tuổi thọ trung bình của người dân được nâng cao dẫn đến sự gia tăng dân số tự nhiên lớn. Thu nhập của dân cư tăng dẫn đến nhu cầu mua sắm tiêu dùng và tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ xã hội của tỉnh cũng tăng lên. Thêm vào đó, thương mại hiện đại sẽ tiếp tục phát triển khi giới trẻ ngày càng thích nghi với các mô hình thương mại mới.

Từ những phân tích trên, việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm thương mại là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả. Các ngành sẽ cập nhật dự án chợ đã đầu tư bổ sung trong thời gian qua, di dời giải tỏa những chợ không phù hợp hiện nay. Việc quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cũng giúp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trên địa bàn tỉnh để có điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Đó sẽ là cơ sở cho các huyện, thị, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển mạng lưới làm căn cứ để các nhà đầu tư kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mạị, phù hợp với quy hoạch chung của cả tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực thương mại dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại, tỉnh cũng đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hóa. Đồng thời, ưu tiên cơ chế, chính sách cho việc đầu tư thương mại. Cụ thể, về chính sách, dự án đầu tư vào lĩnh vực chợ siêu thị, trung tâm thương mại được vay vốn để thực hiện với hình thức thế chấp công trình đã và đang đầu tư. Đối với các công trình thương mại trọng điểm, UBND huyện, thị phải tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, nhà nước hỗ trợ cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống thoát nước bên ngoài chợ. Tỉnh cũng khuyến khích thương nhân đang hoạt động kinh doanh chợ truyền thống để từng bước chuyển sang loại hình kinh doanh thương mại hiện đại.

 Để việc triển khai điều chỉnh quy hoạch chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đồng bộ, hiệu quả, tỉnh giao Sở Công thương chủ trì thực hiện. Sở công bố quy hoạch trên website của sở, xây dựng quy chế phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị để tổ chức thực hiện. Ngành cũng là đơn vị tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương địa điểm đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Tham gia thẩm định dự án đầu tư theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục thực hiện công tác quản lý nhà nước về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên