Mảnh đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 10-10-2019 | 07:16:16

Dầu Tiếng là một huyện vùng nông thôn của tỉnh. Nơi đây còn nhiều địa điểm du lịch khá hoang sơ, thu hút đông du khách tìm về. Bên cạnh đó còn có rất nhiều “địa chỉ đỏ” kết hợp với chùa trên núi có thể tạo nên những tour du lịch để du khách khám phá nét đẹp của một vùng còn “tinh khôi”.

 Đông du khách đến tham quan núi Cậu - chùa Thái Sơn

 Điểm nhấn du lịch

Di tích lịch sử - văn hóa cùng với các di sản văn hóa khác là nguồn tài nguyên quý giá để tạo thành các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn huyện luôn được huyện quan tâm đẩy mạnh, góp phần để phát triển du lịch.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 19 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; trong đó, 1 di tích cấp quốc gia là Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, 10 di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh và có 8 địa chỉ ghi dấu sự kiện lịch sử, những trận đánh trên địa bàn huyện. Các di tích này đã trở thành “điểm đến lý tưởng” của hàng trăm ngàn đoàn viên thanh niên, hội viên, du khách trong, ngoài tỉnh để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa vùng đất Dầu Tiếng xưa và nay.

Lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, Dầu Tiếng cũng có những khu, điểm du lịch đã trở thành “thương hiệu” của vùng đất này. Cụ thể như Khu du lịch sinh thái núi Cậu (tham quan viếng chùa Thái Sơn, dã ngoại tại suối Trúc, lòng hồ Dầu Tiếng thuộc xã Định Thành); Khu du lịch sinh thái Đọt- Champa (xã Định An); lễ hội miếu Bà Thiên Hậu vào Rằm tháng giêng hàng năm (thị trấn Dầu Tiếng)… đã thu hút lượng khách lớn đến với Dầu Tiếng.

Những năm gần đây, Dầu Tiếng còn hướng đến phát triển du lịch sinh thái ở những vườn cây ăn trái nằm dọc sông Sài Gòn khu vực xã Thanh An, Thanh Tuyền. Đến nay đã có hàng chục hộ dân chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… Đến hẹn lại lên, khi những loại trái cây bắt đầu tỏa mùi thơm cũng là lúc du khách ghé tìm đến nhà vườn ăn uống, vui chơi, tham quan và mua về nhà. Mặc dù mô hình này chỉ mới “nhen nhóm” ở một số gia đình nhưng hứa hẹn sẽ “bùng nổ” để kéo một lượng khách khá lớn về với Dầu Tiếng.

Ông Đặng Minh Phước, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch huyện, cho biết những năm qua, hoạt động du lịch tham quan du lịch, phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động du lịch tại các điểm di tích còn đơn lẻ, rời rạc, chưa gắn kết với nhau nên chưa phát huy hiệu quả; các di tích chưa thực sự trở thành các điểm du lịch; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu; hoạt động du lịch chưa tạo ra nguồn thu lớn để góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích.

Chậm mà chắc

Trước những hạn chế trong việc phát triển du lịch, huyện Dầu Tiếng đã xây dựng chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển du lịch trên địa bàn huyện là góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu, khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hưởng thụ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài tỉnh. Sử dụng nguồn thu từ du lịch để tái đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững cho ngành du lịch và môi trường sinh thái.

Với chương trình đó, huyện đã quan tâm phối hợp xây dựng, hình thành các tour du lịch có gắn kết giữa các di tích với các điểm tham quan du lịch theo từng tuyến phù hợp như: TP.Hồ Chí Minh - Dầu Tiếng; Bình Dương - Khu du lịch sinh thái núi Cậu và các di tích lịch sử. Đồng thời, xây dựng, kết hợp tổ chức hoạt động phục vụ và giao lưu đờn ca tài tử - cải lương với khách tham quan tại các di tích và các điểm du lịch. Hoạt động này bước đầu đã làm phong phú thêm nội dung các tour, hoạt động tại các điểm đến thu hút khách tham quan, góp phần tăng thu nhập của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương.

Ông Phước nói thêm, huyện đã đưa ra những giải pháp để phát triển du lịch. Đơn cử như đầu tư xây dựng tuyến đường ngã tư Kiểm Lâm đến chân núi Cậu; nâng cấp, mở rộng hạ tầng tại chân núi Cậu - chùa Thái Sơn. Đẩy mạnh kêu gọi nhân dân, doanh nghiệp đầu tư bãi đỗ xe, điểm dừng chân, nhà hàng, khách sạn, cùng các ngành động viên chủ vườn cây ăn trái các xã Thanh Tuyền, Thanh An có khả năng phục vụ du khách đến tham quan. Huyện cũng sẽ quảng bá, xúc tiến du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; quan hệ, xúc tiến xây dựng các tour du lịch từ tỉnh, thành bạn đến với Dầu Tiếng.

 Khách du lịch đến với Dầu Tiếng ngày càng tăng, năm 2017 có 405.000 lượt khách, dự kiến đến cuối năm 2019 ước đạt 580.000 lượt khách. Doanh thu du lịch cũng được đặt ra, năm 2017 đạt 6,4 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2019 là 9 tỷ đồng.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên