Mạnh tay bảo vệ môi trường

Cập nhật: 25-02-2010 | 00:00:00

Từ ngày 1-3, Nghị định (NĐ)117 ngày 31-12-2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực. Theo quy định mới thì mức phạt tối đa là 500 triệu đồng; so với NĐ 81 trước đây chỉ là 70 triệu đồng, giờ đã tăng gấp 7 lần. Mức phạt lần này được đánh giá là khá mạnh tay; đặc biệt các biện pháp chế tài đi kèm mang tính khả thi cao.

Một số tỉnh, thành trong khu vực đang tổ chức tập huấn NĐ 117 cho tất cả các doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; trong đó chú ý khuyến cáo các doanh nghiệp nên đổi mới, thay thế các thiết bị, máy móc lạc hậu gây ô nhiễm môi trường để tránh bị xử phạt. Bởi vì nếu bị phạt thì khoản tiền này đôi khi còn cao hơn rất nhiều so với chi phí bỏ ra khắc phục, chưa kể những mất mát đến tài sản vô hình như uy tín, thương hiệu. Đó là chưa kể đến tình trạng doanh nghiệp nào “lỡ” cùng lúc vi phạm vài hành vi nghiêm trọng trở lên thì số tiền phạt có thể tăng đến hàng tỷ đồng! “Lơ mơ có mà sập tiệm như chơi”!

Đặc biệt, NĐ 117 được trang bị 5 biện pháp “cấm vận” mà NĐ 81 trước đây không có. Đó là: Ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan; cưỡng chế tháo dỡ công trình, máy móc, thiết bị; phong tỏa tài khoản tiền gửi; đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Trong đó biện pháp “phong tỏa tài khoản tiền gửi” xem ra “nặng ký” và hiệu quả. Như trước đây, nếu bị xử phạt hành chính, doanh nghiệp không chịu nộp phạt hoặc chây ỳ kéo dài khiến cơ quan chức năng mệt mỏi, bó tay thì nay đã khác. Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản, thế là hết đường tránh né. Hàng loạt các biện pháp chế tài khác cũng sẽ được đồng bộ thực thi - là doanh nghiệp mà chẳng có điện, nước, tư cách pháp nhân làm ăn giao dịch... thì bất ổn lắm thay! Chỉ còn cách nghiêm chỉnh nộp phạt, tiến hành khắc phục cải tạo hệ thống xử lý nước xả, khí thải,... bảo đảm không còn gây ô nhiễm môi trường và chờ cơ quan chức năng kiểm tra công nhận đạt yêu cầu thì mới được phép hoạt động lại.

Nhà nước tỏ rõ thái độ kiên quyết, có biện pháp xử lý nặng tay đối với hành vi làm ô nhiễm môi trường sống là việc làm vô cùng cần thiết, rất được các tầng lớp nhân dân và nhiều doanh nghiệp làm ăn tử tế đồng lòng ủng hộ. “Sản xuất phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường” sẽ không còn là khẩu hiệu suông. NĐ 117 đang đi vào thực tiễn đời sống xã hội, chắc chắn sẽ tạo chuyển biến ngay từ đầu năm mới Canh Dần.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên