'Mẹ nghỉ thai sản 6 tháng, trẻ bớt bệnh'

Cập nhật: 27-09-2011 | 00:00:00

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Theo lộ trình, dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nếu nhận được sự ủng hộ thì tại kỳ họp đầu năm 2012, dự luật sẽ được thông qua.

Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết, dự thảo được xây dựng nhằm đảm bảo quyền được bú sữa mẹ của trẻ em theo công ước quốc tế mà Chính phủ đã cam kết. Bên cạnh đó là những lo ngại về vấn đề sức khỏe của em bé sẽ bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc bệnh cao nếu trẻ không được bú mẹ. Trong khi hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức rất cao (trên 50%) và tỷ lệ trẻ chết dưới một tuổi cũng ở mức cao (trên 81 phần nghìn).

 

Ông An cho biết, từ trước năm 1983, bà mẹ chỉ được nghỉ đẻ 2 tháng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng rất cao, trên 50%. Tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi cũng rất cao, trên 81 phần nghìn. Giáo sư Từ Giấy, Viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia thời đó đã đưa ra các bằng chứng khoa học thuyết phục về lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ và đệ trình Chính phủ tăng thời gian nghỉ sau sinh lên 6 tháng.

Phó Thủ tướng Tố Hữu khi đó đã ký ban hành quyết định vào năm 1985. Nhưng vì sức ép lao động, tiền lương và nhiều lý do khác nên đến đầu những năm 90 Chính phủ lại giảm thời gian nghỉ đẻ xuống còn 4 tháng.

"Hiện đời sống đại bộ phận nhân dân đã được cải thiện. Sức ép lao động, tiền lương cũng không căng thẳng như trước. Vì thế chúng tôi cố gắng đề nghị để chị em được nghỉ 6 tháng vì đây là thời gian tối thiểu để trẻ được hưởng nguồn sữa mẹ theo khuyến cáo của WHO, đồng thời, chị em cũng có đủ thời gian hồi phục sau đẻ, đảm bảo bình đẳng giới... ", ông An nói.

Khi vấn đề này được đặt lên bàn hội nghị tại TP.HCM (15-9) và Hà Nội (19-9) vừa qua, có 99% đại biểu ủng hộ đề xuất tăng thời gian nghỉ sinh. Tuy nhiên còn một số ý kiến lo ngại về các vấn đề như: quỹ bảo hiểm xã hội không đủ khả năng chi trả khi thời gian nghỉ đẻ tăng, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng tới chính quyền lợi của lao động nữ vì nếu họ nghỉ lâu nhà quản lý sẽ không chấp nhận và có thể thay người...

Bình luận về vấn đề này, một đại diện của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, nếu giữ nguyên mức hưởng các chế độ theo quy định hiện hành (chế độ ốm đau, thai sản khi khám thai, nạo/hút thai...) thì dù có tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, số tiền chi trả trợ cấp cũng chỉ ở mức hơn 85% của nguồn thu. Dự kiến đến năm 2030, số chi bằng 92% số thu và quỹ vẫn còn dự phòng tới 8%, nên bảo hiểm vẫn đảm bảo chi trả mà không lo vỡ quỹ.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động, hiện ở Việt Nam có 70% lao động nữ tại các khu công nghiệp. Đa phần các chị em sau khi sinh con gặp rất nhiều khó khăn khi nhờ người chăm con. Chỉ có 5,7% số doanh nghiệp có dịch vụ trông trẻ, nhưng hơn 97% trong số đó lại không nhận trẻ dưới 4 tháng tuổi... Điều này khiến không ít lao động nữ ở nhiều khu công nghiệp bỏ việc sau thời gian nghỉ sinh.

Đại diện Cục Chăm sóc bảo vệ bà mẹ trẻ em cho biết thêm, nếu được thông qua, chính sách nghỉ thai sản 6 tháng chỉ áp dụng cho chị em tại hưởng lương ở các cơ quan, doanh nghiệp, trong khi còn có rất nhiều phụ nữ lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, người làm nông nghiệp. Vì thế, Cục sẽ kiến nghị hỗ trợ cho các bà mẹ này bằng nhiều hình thức khác nhau.

Quan tâm đến vấn đề này, bác sĩ Trần Ngọc Hải, chuyên khoa 2, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho rằng, về cơ bản, thời gian nghỉ hộ sản càng nhiều càng tốt cho sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi. Cá biệt ở một số nước phát triển, thời gian nghỉ sản có thể lên đến 1 hoặc 2 năm và áp dụng cho cả mẹ và cha, đồng thời hưởng nguyên lương.

Bởi theo ông, trong giai đoạn đầu đời, cơ thể trẻ còn non nớt, nhất là hệ thống miễn dịch, hấp thụ dinh dưỡng còn yếu nên rất cần sự chăm sóc của người mẹ. "Nhất là ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phụ nữ cho con bú sữa mẹ rất thấp và ngày càng giảm đi thì việc tăng thời gian nghỉ sản sẽ tạo điều kiện khuyến khích chị em cho con bú, vừa giúp trẻ khỏe mạnh, giảm bệnh tật và vừa làm gắn bó mẹ con".

Cũng theo bác sĩ Hải, việc quy định thời gian nghỉ sản không đồng nhất giữa các nước trên thế giới và không hề có "chuẩn mực lý tưởng" nào. Trên thực tế, khoảng thời gian này là ngắn hay dài còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, phong tục và chính sách kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Với tình hình Việt Nam hiện nay, nếu thời gian này tăng lên 6 tháng thay vì 4 tháng như luật lao động hiện hành, ông Hải cho rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng vì sẽ giúp cải thiện tình trạng sức khỏe cộng đồng, nâng cao thể trạng cũng như chất lượng nguồn lực con người.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=276
Quay lên trên