Miệt mài lo cho vợ con...

Cập nhật: 01-08-2012 | 00:00:00

Với những người đàn ông, có lẽ ai cũng mong muốn mình là trụ cột gia đình, là người đi làm về có cơm canh vợ nấu chờ sẵn. Thế nhưng, với những người mà chúng tôi gặp dưới đây, ước mơ giản dị đó bỗng trở nên xa vời khi vợ lâm vào cảnh bệnh tật hay “một cảnh hai quê”. Và họ, hoàn cảnh bắt buộc phải “đóng hai vai” mà vai nào cũng phải lo cho tròn...   Anh Việt và vợ con chờ được khám bệnh, phát thuốc miễn phí

1. Cùng vợ con ngồi đợi đến lượt trong một lần khám bệnh từ thiện, anh Phan Quốc Việt (ấp Tha La, xã Định Thành, Dầu Tiếng) kể về hoàn cảnh của mình mà ai nghe cũng không khỏi cám cảnh cùng anh. Mấy năm trước, anh cũng như bao người đàn ông khác, đi làm về là gặp ngay cảnh vợ bồng con trai ra đón. Thằng con đầu hơn 3 tuổi bi bô chuyện trò với ba. Bữa cơm đạm bạc trong căn nhà tạm nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc của gia đình trẻ này.

Nhưng tai họa ập đến sau khi chị Nguyễn Thị Tuyết  Vân, vợ anh Việt sinh bé gái thứ 2. Sau khi sinh, chị Vân bỗng dưng không nói không rằng. Chị cứ thẫn thờ như trở thành một người khác. Nhiều người cho rằng đó là chứng trầm cảm sau khi sinh. Anh Việt vừa lo chạy chữa cho vợ vừa chăm con gái mới sinh còn non nớt và đứa anh nó. Hai đứa con thơ, một người vợ bệnh do một tay anh chăm nom. Nghe người ta nói chị bị bệnh tâm thần, anh cũng lặn lội đưa sang bệnh viện ở Biên Hòa, Đồng Nai điều trị. Bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm là bao. Chị Vân cũng biết bồng con, cầm bình sữa đưa cho con bé bú nhưng ánh mắt vẫn ngây ngây dại dại nhìn xa xăm đâu đó. Chị không hề trả lời khi tôi cố tình bắt chuyện...

Anh Việt kể tiếp về hoàn cảnh khó khăn của mình. Trước đây anh phụ hồ nhưng từ khi vợ bệnh, con dại nên anh phải chạy đi chạy về riết vì “đi làm mà lòng như lửa đốt, không yên được”. Vậy là dần dần, anh ít được người ta gọi đi làm. Thất nghiệp dài dài, gia đình anh sống bằng sự cưu mang của bà con, chòm xóm. Anh ngậm ngùi: “Cái nhà cũng rách nát không có tiền sửa sang. May sao thầy Sáu ở chùa Núi Cậu cho tiền xây căn nhà tình thương mới có chỗ ở”. Hỏi anh công việc giờ tính sao, anh bảo biết làm gì hơn, cứ lo chữa chạy cho vợ bớt bệnh rồi mới yên tâm đi làm được. Giờ ai kêu gì làm nấy kiếm tiền chạy ăn từng bữa cho cả nhà...

Chị Tuyết Vân còn cả chứng sợ người lạ. Chị không dám ngồi cạnh ai và luôn đưa mắt trông chừng một cách đầy sợ sệt những người xung quanh. Đến nỗi, khi đến lượt chị khám, bác sĩ và một y tá phải đến nơi chị ngồi để khám chứ chị không dám đến bàn dành cho bệnh nhân. Theo lời bác sĩ khám hôm đó, chị vừa bị bệnh tim, vừa bị chứng tự kỷ khá nặng. Bệnh này phải mất nhiều công sức, thời gian để điều trị kể cả phải giữ gìn cho tinh thần, tình cảm thật ổn định, không để bị sốc hay lo sợ, vì như thế, tình hình bệnh tật sẽ càng nghiêm trọng hơn. Cả một đoạn đường khó khăn trước mắt mà người chồng phải bươn bã để vượt qua. Những người chứng kiến cảnh gia đình anh Việt hôm đó đều thương cảm cho họ khi anh ân cần dỗ dành vợ chịu khám bệnh, ân cần đưa vợ con ra về trong cái nắng trưa đã gần đứng bóng...

2. Mấy người bạn phụ hồ với chú Hai (phường Chánh Nghĩa, TP.TDM) đều... nể nang chú bởi “nếp sống lạ” của người đàn ông này. Đa số nhân công trong đội xây dựng đều có chung cách sinh hoạt: sáng làm ly cà phê, ăn sáng rồi đi làm. Trưa ăn cơm hộp hoặc một “chị bếp” của đội thi công nấu ăn chung. Chiều lai rai vài xị chống mỏi. Nhịp sống của thợ hồ đều đều như thế. Tuy nhiên, với chú Hai, chỉ những ngày cuối tuần hay khi nhận lương, chú mới “làm vài ly” với bạn bè. Bình thường, chú bận “lo cho con bé”.

Chú Hai quê ở Hậu Giang lên Bình Dương sống với đủ nghề bốc vác, phụ hồ... Một lần về quê thấy vợ con nheo nhóc quá chú đem đứa út lên sống với mình. Theo chú, vợ và mấy đứa lớn (đều đã nghỉ học) có thể tự lo cho cuộc sống được. Con bé út nếu không cho theo ba cũng sẽ thất học sớm. Thế là chú bàn với vợ cho con bé lên Bình Dương với ba để tiếp tục đi học. Khi con bé lên ở với ba, nó mới học lớp 2. Nay, sau 3 năm miệt mài làm “gà trống nuôi con”, con gái chú Hai đã học xong lớp 5. Hàng ngày, sáng chú dậy hâm cơm nguội để hai cha con cùng ăn cho đỡ tốn tiền. Xong, chú đưa con đi học rồi đi làm. Trưa, mọi người tranh thủ chợp mắt một chút ngay tại công trường thì chú vội vàng đạp xe đi chợ, mua đồ ăn, nấu cơm cho con đi học về ăn. Chiều tối, hai cha con chỉ cần hâm thức ăn có sẵn từ trưa là “xong một ngày” cho việc ăn uống. Bữa cơm của hai cha con nhiều khi chỉ có cá khô đem từ dưới quê lên hay cái trứng, dĩa rau nhưng cha con chú rất vui vẻ khi được sống với nhau ở cái phòng trọ hơn chục mét vuông đó. Con bé rất ngoan, hiền và đã biết phụ ba làm một số việc, biết giặt “bộ đồ gì cứng ngắt, hồ bám đầy luôn à” cho ba. Sự học của con bé làm cho chú Hai quên đi nhọc nhằn của cuộc sống. Chú khoe: “Nó có... học lực nhất nhà tui rồi đó. Mấy anh chị nó học tới lớp 3 là nghỉ ngang hết à”...

Như vậy đó, những người đàn ông mà tôi gặp đã cho tôi biết thêm rằng, đức hy sinh, tận tụy không chỉ có ở phụ nữ mà khi cần, họ cũng miệt mài vì gia đình nhỏ bé của mình...

QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên