Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã:

Mô hình hoạt động tự nguyện và thiện nguyện 

Cập nhật: 11-06-2015 | 08:42:47

Tập hợp những người yêu động vật, yêu môi trường hoạt động trên tinh thần tự nguyện và thiện nguyện phi lợi nhuận, Câu lạc bộ (CLB) Bảo vệ động vật hoang dã trường Đại học Thủ Dầu Một đã đa dạng hóa hoạt động truyền thông, giúp sinh viên (SV), học sinh và cộng đồng nâng cao kiến thức và hành động để bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.

 Các em học sinh tiểu học ở TP.Thủ Dầu Một ký tên bảo vệ động vật hoang dã trong gian hàng “Em yêu động vật” của Ngày hè xanh 2012 Ảnh: M.H

Thành lập từ tháng 11- 2011, CLB Bảo vệ động vật hoang dã thu hút 50 thành viên, gồm các tình nguyện viên (TNV) là SV trường Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài ra tùy theo quy mô hoạt động của từng chuyên đề, CLB còn tuyển thêm các TNV tham gia ngắn hạn. Trao đổi với chúng tôi, cô Thân Thị Diệp Nga, Nhà giáo ưu tú, Giảng viên Sinh học khoa Khoa học tự nhiên trường Đại học Thủ Dầu Một, Trưởng ban Điều phối, Chủ nhiệm CLB cho biết, đây là một mô hình tập hợp những người yêu động vật, yêu môi trường hoạt động trên tinh thần tự nguyện và thiện nguyện phi lợi nhuận. Đây còn là nơi để thường xuyên trao đổi và đề xuất các ý kiến tham mưu và phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã trong phạm vi và khuôn khổ cho phép. Trong quá trình hoạt động, CLB còn được sự bảo trợ của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, dưới sự giám sát của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Thủ Dầu Một và theo kế hoạch của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) để không ngừng sáng tạo phù hợp với điều kiện địa phương, mục tiêu đề ra.

Suốt gần 4 năm thực hiện, CLB do cô Nga làm chủ nhiệm đã tổ chức rất nhiều loại hình truyền thông nhằm giáo dục SV, học sinh và cộng đồng cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã, như triển lãm, chiếu phim, nói chuyện chuyên đề... đã có hàng ngàn lượt SV, cán bộ trường Đại học Thủ Dầu Một hưởng ứng; đồng thời, CLB còn xây dựng kịch bản và hình thành đội kịch diễn vở “Một lần xuống phố”. Cô Nga nói thêm, năm 2011, CLB đã phối hợp tổ chức tập huấn và tuyển mộ 30 TNV là SV thực hành khảo sát các nhà hàng quán ăn uống, tiệm thuốc đông y trong TP.Thủ Dầu Một. Tại đây, các TNV đã phát hiện điểm vi phạm và ENV phối hợp Cảnh sát môi trường Bình Dương đã giải cứu một cá thể mèo cá tại quán ăn cạnh trường Đại học Thủ Dầu Một và báo để giải thoát 8 cá thể khỉ nuôi nhốt.

Không chỉ dừng lại mức độ tập huấn và thực hành, CLB Bảo vệ động vật hoang dã còn phối hợp đẩy mạnh truyền thông cho cộng đồng về vấn đề bảo vệ động vật hoang dã tại các ngày hội. Cụ thể như hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6-2012, CLB đã mở gian hàng “Em yêu động vật” thu hút sự chú ý của hàng ngàn lượt người xem; phối hợp cùng Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) chương trình Việt Nam tổ chức tập huấn cho 20 TNV về kiến thức và kỹ năng thực hành khảo sát bảo tồn động vật hoang dã. Đặc biệt, vào dịp hè, các TNV của CLB cũng đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, Đoàn thanh niên tổ chức thành công Ngày hè xanh thật vui tươi, bổ ích cho thiếu nhi ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An và TX.Thuận An, với hình thức trang trí đẹp mắt và tinh thần phục vụ của TNV tại gian hàng “Động vật em yêu”. Không chỉ ngắm nghía, gian hàng còn thu hút hàng ngàn ngôi sao nhỏ đến thi kể chuyện, vẽ tranh, tô tượng động vật, đố vui về động vật…

Đi theo từng sự kiện môi trường trong tỉnh, CLB đã phân công thành viên báo cáo chuyên đề về đa dạng sinh học ứng phó với biến đổi khí hậu cho 700 cán bộ phụ trách Hội Nông dân từ tỉnh xuống huyện, thị, thành phố; tổ chức các tiết học xanh với chủ đề “Đa dạng sinh học - bảo vệ động vật hoang dã” cho SV trong trường, nhằm nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường, đồng thời rèn luyện kỹ năng mềm, tăng cường tinh thần thiện nguyện cho SV. Qua triển khai thực hiện thấy mô hình tiết học xanh mang lại hiệu quả thiết thực, năm 2013 và 2014, CLB tiếp tục phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật ở tỉnh triển khai chương trình Tiết học xanh, qua đó giúp giáo viên và 2.800 em học sinh tiểu học trên địa bàn nhận dạng động vật hoang dã để có cách bảo vệ khi giải cứu chúng. Bên cạnh đó, khi trao đổi với chúng tôi, cô Nga thể hiện niềm vui trọn vẹn và nói thêm, đối với dự án bảo vệ gấu Quốc gia, CLB đã tô chức 5 triển lãm bảo vệ động vật tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh và tại chợ Thủ Dầu Một. Kết quả, CLB được xếp thứ 2 toàn quốc. Theo đó, Chủ nhiệm CLB cùng 6 TNV được ENV công nhận cấp giấy chúng nhận là TNV xuất sắc.

Công việc thầm lặng mà CLB Bảo vệ động vật hoang dã trường Đại học Thủ Dầu Một đã làm gần 4 năm qua rất nhiều, thế nhưng những danh hiệu như giấy chứng nhận công nhận TNV xuất sắc do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Dương và ENV cấp sau mỗi chiến dịch, nhận 2 giấy khen của Tỉnh đoàn Bình Dương vì có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền bảo vệ môi trường và mô hình hoạt động có hiệu quả năm 2013, vinh dự hơn là mới đây, CLB được nhận Giải thưởng Môi trường năm 2015 do UBND tỉnh Bình Dương tặng tại lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5-6... theo cô Thân Thị Diệp Nga, mô hình hoạt động CLB còn phải nhân rộng đa dạng hơn nữa, góp phần vì màu xanh quê hương và cùng nhau bảo vệ động vật hoang dã, vì sự sống của chúng ta. Tuy nhiên, tất cả đang phụ thuộc vào kinh phí xã hội h óa?!.

 

 M.H

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên