Mốc son trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia

Cập nhật: 07-01-2013 | 00:00:00

Nhân kỷ niệm 34 năm chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ (7.1.1979-7.1.2013), báo Nhân dân - cơ quan trung ương của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền - đã ra xã luận khẳng định đây là chiến thắng không thể xóa nhòa trong lịch sử đất nước và cũng là nền tảng cho những thành tựu ở đất nước này trong suốt 34 năm qua.

Bài xã luận nhấn mạnh ngày 7-1-1979 là cột mốc đại thắng lịch sử, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng dưới chế độ Pol Pot từ năm 1975-1979. Trong thời gian đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ba nhà lãnh đạo Chea Sim, Heng Samrin, Hun Sen và sự giúp đỡ kịp thời của quân tình nguyện Việt Nam, quân đội Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh đất nước và nhân dân Campuchia.

 Những ngày này, khi nhìn một Phnom Penh sầm uất với những cửa hàng, cửa hiệu, chợ búa đầy ắp hàng hóa, những dòng xe ôtô đời mới nối đuôi nhau trên các đại lộ khang trang, sạch đẹp, và nhất là những khuôn mặt rạng ngời của người dân thành phố, thật khó hình dung đây từng là thủ đô của đất nước một thời mang tên "Những cánh đồng chết."

 34 năm trước, vào ngày 7-1-1979, khi các lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, được sự phối hợp và giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, tiến vào giải phóng Phnom Penh, thành phố này thực sự là một thành phố ma, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một thành phố không người, không trường học, không bệnh viện, không chợ, không tiền, không nhà băng, không nhà bưu điện…, chỉ có nhà tù và xác chết. Vắng lặng đến rợn người !

Phnom Penh khi đó là một “mảnh ghép” của “những cánh đồng chết” với hơn 2 triệu người bị giết hại - hậu quả thảm khốc của 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ diệt chủng tàn bạo mang nhãn hiệu “Campuchia dân chủ” của bè lũ Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan.

Chỉ những ai từng bị đầy ải trong các “công xã” mà thực chất là các công trường lao động khổ sai hoặc các nhà tù dưới thời “Campuchia dân chủ”, hoặc chứng kiến tận mắt những tội ác mà bè lũ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan gây ra cho dân tộc Campuchia, mới thấy hết được ý nghĩa lịch sử mang tính sống còn đối với cả một dân tộc của ngày 7-1-1979.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 33 ngày lịch sử này, được tổ chức ngày 7-1-2012 tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia Chea Sim đã nhấn mạnh: “Ngày 7-1-1979 là ngày đánh dấu sự hồi sinh dân tộc, là ngày sinh lần thứ hai của mỗi người dân Campuchia” và “nếu không có ngày 7-1-1979 thì Campuchia không có những thành quả của ngày hôm nay”.

Campuchia hôm nay được bắt đầu từ hôm qua, từ cái ngày 7-1-1979 lịch sử ấy. Đó là một thực tế lịch sử không ai có thể phủ nhận.

34 năm qua, từ “những cánh đồng chết,” Campuchia đã hồi sinh, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự trở thành một quốc gia hòa bình, phát triển ổn định, có quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây, có thể thấy Campuchia phát triển như thế nào. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,7%/năm trong giai đoạn 2001-2010, Campuchia đã lọt vào tốp 10 nước có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao nhất của thế giới trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Năm 2011, đất nước có gần 15 triệu dân này đạt mức tăng trưởng 7,1%, đưa thu nhập bình quân đầu người lên gần 1.000 USD.

Ngày 7-1-1979 cũng là ngày lật sang trang mới trong lịch sử thăng trầm của quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Đi ngược lại quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước láng giềng, bè lũ Pol Pot-Ieng Sary-Khieu Samphan, sau khi giành được chính quyền (ngày 17-4-1975), đã phản bội bạn bè, coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và xua quân tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam những năm 1977-1978.

Như vậy, việc Việt Nam đánh bại kẻ thù xâm lược trên biên giới Tây Nam và giúp các lực lượng cách mạng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đứng lên lật đổ chế độ Pol Pot không chỉ tự cứu mình và cứu nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, mà còn đặt dấu chấm hết cho chương đen tối nhất trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Campuchia.

Và từ đó, quan hệ đoàn kết, hữu nghị thủy chung trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam-Campuchia không chỉ được khôi phục mà ngày càng vững mạnh, là cơ sở quan trọng hàng đầu để hai nước cùng hợp tác phát triển.

10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia (1979-1989) với tinh thần vô tư, trong sáng, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, hết lòng vì sự nghiệp hồi sinh của đất nước bạn, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng người dân Campuchia.

Ngày 7-1-1989, trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, Chủ tịch Heng Samrin nói: "Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia".

Thắng lợi ngày 7-1-1979 là nền móng, là niềm tin để mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam-Campuchia không ngừng phát triển. Và ngày 7-1-1979 mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên