Môi trường Bình Dương: Còn nhiều bất cập trong quản lý chất thải

Cập nhật: 15-09-2010 | 00:00:00

Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên Bình Dương (BD) đang đối mặt với những lo ngại trong công tác quản lý môi trường (QLMT). Để giải quyết tốt vấn đề này, thách thức đặt ra cho ngành QLMT trong thời gian tới là không hề nhỏ, nhất là trong công tác quản lý chất thải rắn (CTR), chất thải nguy hại (CTNH) và chất thải y tế (CTYT).

 Thực trạng đáng lo

Qua con số thống kê, hàng ngày BD đổ ra môi trường khoảng 633 tấn CTR đô thị và 883 CTR công nghiệp. CTR công nghiệp và CTNH xuất hiện gần như trong tất cả các loại hình sản xuất trên địa bàn tỉnh. Theo nhận xét chung, công tác quản lý CTR của BD hiện vẫn còn nhiều lo ngại. Bằng chứng là tỷ lệ thu gom, xử lý CTR đô thị trung bình chỉ đạt khoảng 81% và chủ yếu tập trung tại khu vực nội thị. Hơn nữa, tuy BD hiện có khoảng 65 đơn vị, cá nhân thực hiện việc thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt. Đây là con số ấn tượng nhưng chất lượng hoạt động của các đơn vị này là không đồng đều và đa số lượng CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực TX.TDM, huyện Dĩ An, Thuận An... đều được thu gom, vận chuyển và xử lý chôn lấp tại các ô chôn lấp tạm của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương (KLH) với số lượng khoảng 513 tấn/ngày. Các huyện cách xa KLH như Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng thì đổ trực tiếp tại bãi rác lộ thiên của huyện!

 

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần quản lý tốt vấn đề môi trường

Bên cạnh đó, hiện chỉ có khoảng 15,3% khối lượng CTR công nghiệp và CTNH được thu gom, vận chuyển đúng quy định. Một con số quá thấp và câu hỏi đặt ra là con số 84,7% còn lại được thu gom, vận chuyển và xử lý như thế nào? Hiện tại chỉ có các doanh nghiệp (DN) lớn hoạt động theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và ISO 14000 mới quan tâm đến việc giảm thiểu chất thải tại nguồn, con số này chỉ chiếm khoảng 14,5% số DN trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa trong lĩnh vực thu gom và xử lý CTR công nghiệp và CTNH có 13 đơn vị thực hiện, trong đó chỉ có 4 đơn vị nằm trên địa bàn tỉnh. Do xu hướng “xử lý trọn gói” của các chủ nguồn thải nên phát sinh tình trạng các đơn vị không có chức năng xử lý liên kết với các đơn vị có chức năng để chuyển giao chất thải. Thực tế đã cho thấy ngoài 13 đơn vị xử lý có chức năng còn có khoảng 159 DN đang hoạt động kinh doanh phế liệu tham gia vào lĩnh vực này. Nếu được quản lý tốt và hoạt động đúng chức năng thì các đơn vị này sẽ góp phần tích cực vào việc phân loại, tái chế, sử dụng chất thải giúp cho việc quản lý CTR trên địa bàn tỉnh hiệu quả và thuận lợi hơn. Tuy nhiên do lợi ích trước mắt mà các DN này thường thu gom luôn cả CTNH. Đây chính là điều gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý CTR hiện nay.

Quản lý CTYT còn nhiều bất cập

Về quản lý CTYT cũng chẳng khá gì hơn. Hiện nay, nguồn CTYT phát sinh từ 17 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh và tuyến huyện, 106 trạm y tế và phòng khám đa khoa là khoảng 3.155kg/ngày, trong đó có 612kg/ngày là CTYT nguy hại. Song hiện công nghệ xử lý rác thải y tế tại các BV của tỉnh đều là công nghệ đốt; có 7/7 BV có trang bị lò đốt CTYT với tổng khối lượng CTYT đốt khoảng 142kg/ngày. Tuy nhiên, tất cả các lò đốt đều chưa có các hệ thống xử lý khí thải hoàn chỉnh. Đây chính là nguyên nhân gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường khi các lò đốt này hoạt động. Mặt khác, dù một số BV đã được trang bị lò đốt nhưng quá trình đốt không hiệu quả và gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh nên hiện nay có 13 BV chọn phương án xử lý CTYT bằng việc ký hợp đồng chuyển giao CTYT nguy hại cho các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý bên ngoài. 

Đáng lo nhất là công tác quản lý CTYT tại các trạm y tế và các phòng khám đa khoa còn nhiều bất cập, chỉ có khoảng 20% các phòng khám thực hiện việc phân loại CTR y tế theo quy định, còn lại phần lớn các đơn vị còn để lẫn các loại rác y tế với nhau, thậm chí có nơi còn để lẫn với chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, chỉ có 35 trong tổng số 106 trạm y tế và phòng khám đa khoa (chiếm 33%) trên địa bàn tỉnh chuyển giao CTYT nguy hại cho các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý. Trong khi đó, tổng khối lượng CTYT nguy hại tiếp nhận từ các BV trung bình khoảng 250kg/ngày. Nếu so sánh với tỷ lệ trên thì dễ dàng nhận thấy còn một lượng lớn CTYT nguy hại chưa được xử lý theo đúng quy định. Vấn đề này cần được các cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn.

Từ thực tế trên đã đặt ra cho ngành QLMT nhiều thách thức trong thời gian tới. Cho nên công tác này cần được tăng cường và song song với đó là tính toán các phương án phù hợp với việc cải thiện môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên