Một ngày ở Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn

Cập nhật: 21-05-2010 | 00:00:00

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn nối từ mỏ Lan Tây, Lan Đỏ thuộc Khu dịch vụ kinh tế, khoa học kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam về đến Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài trên 400km. Đây là công trình trọng điểm quốc gia được đầu tư bằng hình thức BCC (hợp đồng - hợp tác - kinh doanh) giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đối tác nước ngoài, đã đi vào hoạt động ổn định được 8 năm. Ngoài nhiệm vụ cung cấp một lượng lớn nhiên liệu vận hành cho các nhà máy, khu công nghiệp trọng điểm, Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn còn là nguồn cung cấp nhiên liệu chính cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ cùng nhiều nhà máy lớn khác thuộc Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia với sản lượng điện làm ra chiếm trên 30% tổng sản lượng điện quốc gia, nên yêu cầu đặt ra là tuyệt đối an toàn phòng chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu với nhiều tình huống giả định sát thực tế.

Nếu xảy ra sự cố...

Trên đường từ TP.HCM đi Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu), đến địa phận ngã ba thị xã Bà Rịa, du khách sẽ tò mò suy nghĩ trước 4 ngọn đuốc cao ngất lúc nào cũng bốc cháy hừng hực, đặt ở 4 góc Nhà máy xử lý khí Dinh Cố. Nhiều người cứ phỏng đoán: “Đây là hình ảnh đặc trưng của ngành dầu khí; lửa cháy để báo hiệu đường ống đang hoạt động; khí đồng hành nhiều quá xài không hết nên đốt bỏ để tránh tai nạn...”. Tôi đã đem thắc mắc này trao đổi với cán bộ vận hành nhà máy và được giải thích thấu đáo: “Trong quá trình khai thác dầu mỏ, chúng ta thu được một lượng lớn khí đồng hành. Lượng khí này được thu gom vào đường ống với áp lực rất lớn. Để bảo đảm an toàn trước khi trở thành khí thương phẩm, khí đồng hành phải được phối trộn với một số hóa chất khác theo tỷ lệ nhất định, trong đó Condensate là hóa chất chủ lực. Tất cả các thành phần trên đều rất dễ cháy khi gặp không khí tự nhiên, nên yêu cầu vận hành an toàn phải đạt trên 99,96% với quy trình kiểm tra xử lý rất khắt khe, nghiêm ngặt. 0,4% “rủi ro” còn lại vẫn phải được kiểm soát, quản lý và xử lý triệt để bằng cách thu gom hết khí rò rỉ vào đường ống để đưa lên đuốc đốt cháy hoàn toàn. Quan sát kỹ sẽ thấy ngọn lửa trên đuốc có khi bùng phát mạnh, cũng có khi le lói tùy vào lượng khí thừa thải ra nhiều hay ít. Tác dụng quan trọng khác của đuốc là khi xảy ra sự cố, chỉ huy trực sẽ ra lệnh xả khí lên đuốc để bảo đảm vận hành an toàn. Nên đuốc không bao giờ tắt lửa...”.

 

Do mang trong người thiết bị dùng pin nên nhà báo cũng phải tuân thủ quy định an toàn PCCC...

Tuy đã quản lý chặt chẽ gần 100%  lượng khí và hóa chất đưa vào sản xuất nhưng vẫn không loại trừ trong không gian bên ngoài nhà máy vẫn có thể lưu hành những đám mây khí bay lơ lửng và sẵn sàng bốc cháy khi gặp điều kiện thuận lợi như tia chớp, nguồn nhiệt cao. Nên tại các vị trí nhô cao trong phạm vi nhà máy đều được lắp đặt cột thu lôi với bộ “kim mão” rất nhạy. Các thiết bị này được đấu nối gần như liền mạch với các thiết bị chống cháy tự động như hệ thống phun nước, phun bọt được lắp đặt xung quanh các bồn, bể trong nhà máy. Mức độ đầu tư đó theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì “một con ruồi bay qua cũng khó lọt”, nhưng với tính chất nhạy cảm và tầm quan trọng của nhà máy, không ai được phép chủ quan, lơ là mất cảnh giác dù chỉ một chi tiết nhỏ như không được đeo đồng hồ, nữ trang và các thiết bị dùng pin khi vào khu vực sản xuất... Trước khi bắt đầu bài diễn tập tình huống phối hợp nhiều lực lượng chữa cháy, cứu nạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Ngọc Thới đã khẳng định: “Do tầm quan trọng chiến lược của nhà máy, nếu để xảy ra sự cố cháy nổ thì không chỉ gây ra phản ứng dây chuyền, tác động nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống xã hội mà còn là thảm họa môi trường. Trách nhiệm của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà là phối hợp bảo vệ tuyệt đối an toàn cho nhà máy với sự chi viện, hỗ trợ từ Trung ương và các tỉnh, thành bạn”.

Tất cả luôn trong tư thế sẵn sàng

Tham gia diễn tập thực binh chữa cháy, cứu hộ nhiều lực lượng tại Nhà máy xử lý khí Dinh Cố ngày 12-5 vừa qua dưới sự chủ trì trực tiếp của lãnh đạo Bộ Công an với tình huống xảy ra “vô cùng bất ngờ và sát thực tế” đó là: Trong quá trình bơm Condensate vào bồn chứa kíp vận hành đã vô tình để hóa chất tràn ra bên ngoài, gặp không khí đã bất ngờ bốc cháy dữ dội làm nổ tung nắp bồn. Hệ thống chữa cháy tự động được kích hoạt cùng với hàng loạt báo động trực tiếp diễn ra theo quy định. Giai đoạn này lãnh đạo nhà máy là người trực tiếp chỉ huy với yêu cầu không để cháy nổ lây lan bằng cách vừa huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ vừa kịp thời đóng, khóa các van an toàn và cấp báo lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Giai đoạn hai thuộc quyền chỉ huy của cảnh sát PCCC với yêu cầu kịp thời cứu hộ, cứu nạn, triển khai đội hình phun nước làm mát, khống chế khả năng lây lan và xin chi viện lực lượng, phương tiện từ Bộ Công an, do tình huống cháy dữ dội, bức xạ nhiệt cao, phương tiện không thể tiếp cận để dập tắt. Sau khi đã điều động lực lượng, phương tiện (kể cả phương tiện dự phòng) bảo đảm đủ sức tổng tiến công, Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an trực tiếp chỉ huy chữa cháy bằng các mũi giáp công liên hoàn từ trên xuống dưới theo nguyên tắc của chiếc lồng chụp bằng nước và bọt khí vừa bảo đảm yêu cầu giảm nhiệt vừa ngăn không khí tiếp xúc để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Chỉ sau 5 phút ra quân tổng tấn công, đám cháy đã cơ bản được khống chế và được dập tắt hoàn toàn.

Phát biểu đánh giá kết quả diễn tập, Trung tướng - Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đại Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã biểu dương tinh thần sẵn sàng chiến đấu, phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng; tình huống giả định sát thực tế nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nhà máy đã giúp bài tập diễn tập thực binh nhiều lực lượng thành công tốt đẹp. Ngành dầu khí nói riêng và phát triển công nghiệp nói chung là ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia, nên không chỉ các địa phương có đặt nhà máy khí, lọc dầu như: Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau, Phú Mỹ, Nhà máy Lọc dầu Dung Quốc... mà các địa phương đang phát triển công nghiệp khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... cũng phải chú trọng đến công tác an toàn PCCC. Vì bên cạnh việc phát triển công nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, tai nạn trong đó có nguy cơ cháy nổ. Kết quả diễn tập này sẽ được các tỉnh, thành học tập, triển khai phù hợp với thực tế địa phương mình. Góp phần giữ vững an ninh quốc gia.

DUY CHÍ

Căng thẳng tác nghiệp

Không chỉ đại biểu, các nhà báo tham gia tác nghiệp bị kiểm tra an toàn nghiêm ngặt trước khi vào khu vực sản xuất mà cả những người tham gia diễn tập cũng phải tuân thủ quy định: “không được mang theo thiết bị tạo lửa, thiết bị dùng pin gồm: kim loại, hộp quẹt, điện thoại, máy ảnh... và phải tuân thủ quy trình kiểm soát của bộ phận vệ sinh an toàn lao động của nhà máy. Để phân biệt nhân viên cũ, mới và khách tham quan chỉ cần quan sát mũ bảo hộ hoặc logo đeo trên ngực áo, vì không ai được phép đi lại một mình trong phạm vi nhà máy kể cả cán bộ, công nhân viên...

Riêng các nhà báo được phép mang theo máy quay phim, máy ảnh thì phải mặc bộ đồng phục và chỉ được cơ động phía ngoài đê bao nhà máy. Các đồng nghiệp còn lại thì ngồi trong khán đài quan sát. Tuy điều kiện tác nghiệp hơi căng thẳng nhưng ai cũng háo hức và vui vẻ chấp hành vì tính chất đặc biệt của nghề nghiệp!

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên