Một phong cách “ngoại giao Macron”

Cập nhật: 09-09-2019 | 14:37:21

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tận dụng hội nghị thượng đỉnh 3 ngày của các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Biarritz do ông chủ trì để thể hiện với thế giới rằng, ông có tài ngoại giao vô cùng khéo léo và có thể trở thành “tấm gương” trong giới lãnh đạo hiện tại của châu Âu.

Ông Macron đáp trả gay gắt bình luận "thiếu tôn trọng" của Tổng thống Brazil

Những kỳ vọng trước thềm Hội nghị G7 diễn ra tại thành phố nghỉ mát ven biển Biarritz ở miền Nam nước Pháp rất khiêm tốn. Điều đó có nghĩa là việc các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đơn giản chỉ cư xử với nhau với thái độ lịch sự bề ngoài khi diễn ra hội nghị đã có thể nói là một thành công. Nhưng cuối cùng, "điều quan trọng hơn hết là chúng ta đã hợp tác rất rốt", ông Trump tuyên bố tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị.

Thuật “dụ rắn”

Có thể thấy rõ, ấn tượng nhất là thuật "dụ rắn" của ông Macron đối với ông Trump trong vấn đề Iran. Quyết định bất ngờ của Tổng thống Macron khi mời Ngoại trưởng Iran tới Biarritz tham gia các cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh có thể dễ làm ông Trump nổi giận. Nhưng nhà lãnh đạo Pháp đã "rào trước đón sau" người đồng cấp Mỹ, cố gắng cập nhật tình hình với ông Trump mọi lúc có thể.

Ngày 25-8, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã được ông Macron mời tới hội nghị, một sự xuất hiện chưa từng có tiền lệ. Và những “bất ngờ” bắt đầu. Ngay trước sự xuất hiện của ông Zarif, ông Trump đã phủ nhận việc ông sẽ ủng hộ ông Macron đại diện cho G7 đàm phán với Iran. Tuy nhiên, đến sáng 26-8, ông Trump đã thay đổi và ủng hộ nước cờ ngoại giao bí mật của ông Macron. Ông cho biết, ông không chỉ biết ông Zarif đang tới mà ông còn ủy quyền cho ông Macron mời nhà ngoại giao Iran.

“Ông ấy đã hỏi tôi về điều đó. Tôi nói rằng, nếu ông muốn thì điều đó không có vấn đề gì. Tôi không cho rằng hành động đó là thiếu tôn trọng, đặc biệt khi ông ta đã hỏi xin ý kiến”, ông Trump nói. Tuy nhiên, khi ngồi cạnh ông Trump tại cuộc họp báo chung, ông Macron đã khéo léo đính chính các phát biểu của ông Trump và nói rằng ông làm vậy là vì nước Pháp, chứ không phải vì G7.

Hội nghị G7 tại Pháp năm nay nhiều cảm xúc khác lạ.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Macron đã đạt được điều mà ông muốn trong nhiều tháng qua, khiến Tổng thống Mỹ xích lại gần cuộc đối thoại làm lắng dịu căng thẳng với Iran. Ông Macron còn tuyên bố rằng, vào một lúc nào đó sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Iran và Tổng thống Mỹ, điều này có thể diễn ra chỉ trong vài tuần tới.

Ông Trump đã dành cuối tuần qua khôi phục lại hình ảnh của ông với cộng đồng quốc tế, không phải hình ảnh một người cáu kỉnh như tại hội nghị G7 ở Quebec mà là một người vui vẻ. Kể cả khi Tổng thống Pháp Macron phá bỏ nghị trình của Hội nghị G7 với việc hủy tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn ở lại, mỉm cười và bắt tay với phía chủ nhà cho đến phút cuối. Ông Trump đã nói rằng không hề “có tranh cãi nào”, rằng “chúng ta đang rất hòa hợp” và có “sự đoàn kết”.

Ngoại giao Macron đã làm được điều tuyệt vời đó! Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng khen ngợi nước cờ ngoại giao khéo léo của ông Macron. Ông Johnson đã khen ngợi hết lời ông Macron tại bữa tiệc chiêu đãi tối 24-8 khi ông Macron thông báo với các nhà lãnh đạo về sự xuất hiện sắp tới của ông Zarif.

Ông Johnson nói: “Thật tuyệt vời. Ông đã làm rất tốt. Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Ông đã làm rất xuất sắc”. Cho dù sáng kiến của ông Macron có “sống sót” sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương về Mỹ của ông Trump hay không thì ông đã đặt ra tiêu chuẩn mới trong việc đối phó với vị Tổng thống Mỹ “khó nhằn” nhất trong lịch sử hiện đại.

Cần nỗ lực nhiều hơn để tạo sự thay đổi

Năng lực của ông Macron là không thể phủ nhận nhưng có lẽ nó chỉ có thể phát huy được tác dụng ở một mảng hẹp của thượng đỉnh lần này. Trước muôn vàn những khó khăn mà G7 đang gặp phải với những toan tính lợi ích trái ngược nhau, các vấn đề vẫn còn đang bế tắc.

Tại Biarritz, các thành viên G7 đã thất bại trong việc tìm kiếm giải pháp cho những hồ sơ toàn cầu nổi cộm như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa đơn phương, an ninh mạng hay sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế số. Thảo luận về các vấn đề nóng như thương chiến Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu, đưa Nga về lại G7 hay xung khắc Mỹ - Iran đều cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa ông chủ Nhà Trắng và các nguyên thủ còn lại. Lúc này, G7 cần nhiều hơn một Macron nhiệt huyết và thiện chí.

G7 đã được thành lập để các nhà lãnh đạo có thể cùng nhau giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Lúc đầu, đó là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1975 và hiện nay là tình trạng trì trệ do các vấn đề như chiến tranh thương mại gây ra. Tuy nhiên, sự khác biệt thực sự ngày nay là Mỹ - quốc gia từng đi đầu trong các nỗ lực đối phó với các thách thức toàn cầu - là nguyên nhân dẫn đến phần lớn tình trạng trì trệ này. Điều đó có khả năng khiến các nhà lãnh đạo khác trong nhóm G7 phối hợp đối phó với những “đêm trở gió” từ ông Trump.

Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, người được coi là thân thiện với ông Trump, đã cảnh báo về chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Và Thủ tướng Anh Johnson cho rằng Mỹ nên giảm bớt các rào cản thương mại. Có lẽ, hai nhà lãnh đạo Conte và Johnson đã nhẫn nhịn ông Trump tại hội nghị G7 cuối tuần qua.

Mặc dù ca ngợi sự thống nhất tuyệt vời tại G7 năm nay, ông Trump chưa bao giờ là người hâm mộ việc phối hợp hành động - dù là đa phương thông qua Liên Hiệp Quốc hay bên trong nội bộ của mình. Nhưng các nhà lãnh đạo khác của G7 có thể đã tìm cách khiến ông Trump làm điều gì đó khác thường - phối hợp với họ trong các vấn đề như lập trường của Mỹ đối với Trung Quốc và Iran.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết
Tags
hồ sơ

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên