Mua lại và sáp nhập doanh nghiệp: Xu hướng đầu tư mới

Cập nhật: 15-10-2010 | 00:00:00

Mua lại và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) đang được cho là một xu hướng đầu tư mới tại Việt Nam. Cùng với xu hướng mua bán sáp nhập DN chung của cả nước như, mới đây tại Bình Dương cũng đã xuất hiện trường hợp mua lại 1 DN trên địa bàn huyện Bến Cát giữa Công ty cà phê Trung Nguyên và Tổng công ty Sữa Việt Nam. Trong cuộc trao đổi với báo Bình Dương, Tiến sĩ Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư U&I cho rằng, mua lại và sáp nhập DN là nhu cầu tự nhiên của DN trong quá trình hoạt động. Chắc chắn ngày càng có nhiều những giao dịch như vậy diễn ra tại Việt Nam cũng như Bình Dương trong thời gian tới...

Mua lại và sáp nhập DN một xu hướng nhằm làm cho DN mạnh hơn nhưng cần giám sát chặt để tránh độc quyền (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

 Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phục hồi sau tác động của khủng hoảng kinh tế, cơ hội để các DN Việt Nam tiếp cận với thế mạnh về quản trị, năng lực tài chính, kinh nghiệm kinh doanh... thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập DN đang mở ra rất lớn. Khi thực hiện mua lại hay sáp nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư có được những lợi ích gì và so với việc đầu tư dự án mới thì sáp nhập hay mua lại doanh nghiệp có gì ưu việt hơn? Phân tích về điều này, tiến sĩ Mai Hữu Tín cho hay, mua lại hay sáp nhập thường được hiểu là mang lại những lợi ích như:  Tạo sự tăng trưởng lớn hơn; DN có thêm được thị phần lớn hơn; sử dụng được thế mạnh của nhau về nhân sự, công nghệ, trình độ quản lý, sự đa dạng của sản phẩm, dịch vụ... “Rõ ràng những lợi ích trên không dễ có được với DN mới thành lập...”, ông Tín nhìn nhận.

“Sáp nhập và mua bán lại DN được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh ban hành ngày 3-12-2004 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam quy định sáp nhập DN là một dạng của tập trung kinh tế. Theo điều 17 của Luật này, sáp nhập DN là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập...”.

Theo nhận định, xu hướng M&A hiện nay đang diễn ra ở các dạng thức như: Sáp nhập và hợp nhất. Dạng thức này sẽ giúp nhà đầu tư đơn giản về pháp lý, không tốn kém, không cần các chuyển nhượng về tên hiệu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hình thức mua cổ phần. cách làm này không cần phải tổ chức đại hội cổ đông hoặc không cần yêu cầu về biểu quyết. Bên mua có thể gặp trực tiếp các cổ đông để thương thuyết mà không cần qua ban lãnh đạo. Một hình thức nữa là mua các tài sản DN. Nhà đầu tư chỉ cần 50% cổ đông thông qua, tuy nhiên chuyển nhượng các tài sản có thể tốn các chi phí liên quan đến pháp lý như sang tên chủ sở hữu... Xét theo loại hình DN, M&A  được thực hiện dưới dạng DN nước ngoài mua DN  nước ngoài; DN nước ngoài mua DN trong nước; DN trong nước mua DN nước ngoài và DN trong nước mua DN trong nước...

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mai Hữu Tín, mặc dù M&A mang lại những hiệu quả thiết thực nhưng không phải là không có những vấn đề cần giải quyết: “... Đó là sự khác biệt về văn hóa quản lý, điều hành doanh nghiệp giữa đơn vị thâu tóm và đơn vị bị sáp nhập làm cho quá trình kết hợp bị kéo dài, gây tốn kém và khiến việc điều hành kinh doanh bị ảnh hưởng...”. Bên cạnh đó, ông Mai Hữu Tín cũng cảnh báo, nếu không điều tra, nghiên cứu, xác định thật kỹ lưỡng số liệu thực tế với số liệu được đưa ra đàm phán thì có thể dẫn tới những bất ngờ xấu không lường trước cho nhà đầu tư khi thực hiện mua lại hay sáp nhập DN...

Cũng theo Tiến sĩ Mai Hữu Tín, mua lại và sáp nhập sẽ tạo ra các mô hình DN lớn hơn, với nguồn lực rộng hơn và do vậy có thể tạo thành những sức mạnh lớn hơn cho nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, đứng về khía cạnh quản lý cũng có một mối lo, đó là nguy cơ quá trình tập trung kinh tế sẽ dẫn tới việc hình thành DN có vị trí thống lĩnh thị trường hay DN độc quyền. Do đó, cần cảnh giác những trường M&A nhằm tạo độc quyền kinh doanh, lũng đoạn thị trường và đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng. Hiện pháp luật cũng cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế chiếm hơn 50% trên thị trường liên quan. “...Thực tế, ở các nước phát triển luôn có các cơ quan giám sát xem xét rất cẩn trọng quá trình mua lại và sáp nhập của các DN lớn nhằm chống tình trạng trên...”, ông Tín cho biết.

THÀNH SƠN

 

“...Trong lý luận kinh tế chính trị Mác-Lê Nin, C.Mác đưa ra một khái niệm rộng hơn có liên hệ với sáp nhập trong kinh tế, đó là tập trung tư bản. Tập trung tư bản là sự tăng thêm quy mô của tư bản cá biệt có sẵn trong xã hội thành một tư bản cá biệt khác lớn hơn. Cạnh tranh và tín dụng là những đòn bẩy mạnh nhất thúc đẩy tập trung tư bản. Do cạnh tranh mà dẫn tới sự liên kết tự nguyện hay sáp nhập của các tư bản cá biệt...”.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên