Mùa mưa ở Nam bộ sẽ đến sớm hơn bình thường

Cập nhật: 12-03-2013 | 00:00:00

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ giữa tháng 3 đến tháng 8, lượng mưa ở Trung bộ nửa cuối tháng 3 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, tháng 4 ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm; từ tháng 5 đến tháng 8 ở mức cao hơn một ít trung bình nhiều năm.

Nam bộ và Tây nguyên có lượng mưa nửa cuối tháng 4 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ; tháng 4 ở mức cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm (mưa sẽ tập trung nhiều vào cuối tháng 4); từ tháng 5-8.2013 lượng mưa phổ biến cao hơn giá trị trung bình nhiều năm.

 Ảnh chỉ có tính minh họa. Có khả năng mùa mưa ở Tây nguyên và Nam bộ đến sớm hơn so với bình thường (khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5-2013).

Về thủy văn, dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và Tây nguyên tiếp tục giảm và luôn thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 10-30%; tình trạng khô hạn, thiếu nước xảy ra gay gắt hơn, rộng hơn ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4.

Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, nhưng không lớn. Từ giữa tháng 3 đến tháng 7, dòng chảy trên hầu hết các sông đều hụt hơn so với trung bình nhiều năm từ 30-40% cùng kỳ. Tình trạng thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và có khả năng kéo dài cho tới hết tháng 7.

Ở các tỉnh từ từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, dòng chảy trên hầu hết các sông đều có xu thế giảm dần đến cuối tháng 8 và hụt hơn so với trung bình nhiều năm từ 40-50% cùng kỳ, có nơi thấp hơn.

Tình trạng thiếu nước, khô hạn tiếp tục xảy ra trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng 8-2013. Xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào vùng cửa sông, ven biển.

Từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4, dòng chảy ở hạ lưu sông Mekong tiếp tục giảm chậm và ở mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tình hình khô hạn còn tiếp tục xảy ra và có xu hướng mở rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng kéo dài tới cuối tháng 4. Do lượng mưa ít, dòng chảy trên các sông đều thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm, dung tích nước các hồ chứa đang ở mức thấp, lượng dòng chảy về các hồ đang giảm nên tình hình khô hạn, thiếu nước sẽ tiếp tục gia tăng trên diện rộng, xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào các vùng cửa sông, ven biển.

Ở Tây nguyên và Nam bộ đến cuối tháng 4, ở Trung bộ đến tháng 7, tháng 8. Vì vậy, các địa phương và các ngành liên quan cần chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở các khu vực trên.

Kể từ đầu năm đến nay, một vài đợt mưa trái mùa do ảnh hưởng của bão số 1 và áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện ở các khu vực Trung bộ, Nam Tây nguyên và Nam bộ, nhưng diện mưa không rộng, lượng mưa ít và không đồng đều.

Tổng lượng mưa tháng ở khu vực Tây nguyên thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm). Đặc biệt khu vực Bắc Tây nguyên từ đầu năm đến nay không có mưa.

Tại khu vực miền Trung và Tây nguyên từ tháng 1 đến đầu tháng 3, dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây nguyên đều hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Cụ thể như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Tây nguyên thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ khoảng 10-30%; các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận thiếu hụt từ 30-70%.

Trên một số sông đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi quan trắc cùng kỳ như sông Trà Khúc tại Trà Khúc 0,45m (ngày 20-2), sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng 3,62m (22-2), sông Srêpok tại Bản Đôn 167,3m (ngày 25-2). Riêng sông Đăkbla tại Kon Tum đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc là 514,98m (ngày 4-3).

Ở hầu hết các tỉnh Miền Trung và khu vực Tây Nguyên đã xuất hiện khô hạn, đặc biệt trầm trọng ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sông nhân dân.

Còn tại khu vực Nam Bộ từ đầu năm tới nay dòng chảy ở trung, thượng lưu sông Mekong luôn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-30%, nhưng ở hạ lưu thấp hơn từ 10-20%.

Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của thủy triều, mực nước cao nhất tháng trên sông Tiền, sông Hậu tại Tân Châu và Châu Đốc luôn cao hơn mực nước trung bình nhiều năm cùng từ 0,1-0,4m; mực nước thấp nhất tháng đều thấp hơn mực nước trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,05-0,20m.

Tình trạng khô hạn đã xảy ra ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã xuất hiện sớm hơn khoảng một tháng so với trung bình nhiều năm.

Hiện nay, độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40-50km; một số nơi thuộc các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh xâm nhập mặn tới 50-60km với độ mặn dao động từ 3-4‰.

Đến cuối tháng 2, phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế và Quảng Nam còn từ 80-100% so với dung tích thiết kế; các tỉnh khác còn khoảng 50%; riêng các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận chỉ còn từ 10-30%.

Mực nước trên hầu hết các hồ chứa thủy điện đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5-9,0m, một số hồ thấp hơn rất nhiều như Cửa Đạt -31,4m; A Vương -7,75m; Sông Tranh 2 -34,85m; riêng hồ Sê San 3 vượt 0,3m.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên