Mưu sinh ngày tết

Cập nhật: 27-01-2011 | 00:00:00

Khác với nhiều người chuẩn bị mọi thứ để đón tết, những người mưu sinh trong dịp tết những ngày này lại tất bật tìm nguồn hàng, mặt bằng... để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Tất cả những người tất bật mưu sinh mùa tết đều có một điểm chung là nghèo và siêng năng lao động, muốn kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi của chính mình dù lợi nhuận có lúc thế này, lúc thế khác.

 Từ bán bông, nhang...

Không kinh doanh thường xuyên, không chuyên nghiệp như những dân buôn thứ thiệt, những người mưu sinh trong dịp tết vì thế mà cũng lắm thành phần. Công nhân có, nông dân có và trí thức cũng có... Họ có điểm chung đều là những người siêng lao động, muốn kiếm tiền bằng những giọt mồ hôi của chính mình dù lợi nhuận có lúc thế này, lúc thế khác. Mục đích chính là phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, còn nhu cầu của chính mình thì tranh thủ vào một thời gian rảnh rỗi khác.

  Bông và dưa hấu là những mặt hàng được người nghèo ưu tiên chọn lựa để mưu sinh mùa tết

Sau một thời gian nghiên cứu và tìm kiếm địa điểm, chị Hà - công nhân Công ty Giày Liên Phát, cho biết vừa thuê được mặt bằng tại khu vực chợ Việt Lập (xã An Bình, Dĩ An). Nói là mặt bằng nhưng thực chất chỉ là một khúc hành lang trước nhà của người dân để bán bông những ngày giáp tết. Chị Hà cho biết, ngay sau khi được công ty cho nghỉ tết (ngày 26 âm lịch) sẽ bắt tay vào công việc buôn bán mà không về quê. Nguồn hàng là từ một người bạn ở Lâm Đồng gửi xuống và đây là năm thứ 2 chị kinh doanh thời vụ kiểu này. “Nếu thuận lợi, sau 4 ngày buôn bán chị cũng kiếm được vài ba triệu, còn nếu không thuận lợi thì chí ít cũng cầm hòa chứ không lỗ vốn, vì nguồn hàng chị lấy tận gốc”, chị Hà tiết lộ. Các loại bông Đà Lạt như cúc, lan, ly... vào những ngày giáp tết thường có giá rất cao nên vì thế mà chị Hà không sợ lỗ. Còn chuyện về tết, chị Hà cho rằng, sau tết công ty thường ít hàng hơn và có thể xin nghỉ phép năm để về thăm gia đình, lúc đó giá vé tàu xe và đi lại cũng dễ dàng hơn. Bài toán này xem ra cũng khá kinh tế đối với một lao động phổ thông xa quê như chị Hà.

Không bán bông như chị Hà nhưng chị Thế (quê Nghệ An), công nhân Công ty SanYang cũng đã có kế hoạch ở lại kinh doanh dịp tết. Mặt hàng chị Thế chọn bán khá đặc biệt, đó là một loại nhang trầm được làm thủ công và chuyển từ quê vào. Trả lời câu hỏi vì sao lại chọn bán thứ nhang này trong khi thị trường đầy các loại nhang khác với giá cả khá mềm, chị Thế “bật mí”: “Mới nghe đến việc đưa nhang từ quê vào ai cũng thấy lạ, nhưng thực tế người dân khu vực này (Dĩ An và Thủ Đức) lại rất chuộng loại nhang trầm được quấn thủ công vì có mùi thơm đặc trưng đậm... chất quê. Khu vực này có rất đông người dân miền Trung sinh sống nên đây là mặt hàng bán rất được vì hiếm”. Dịp tết năm trước, hai chị em chị Thế cũng đã thu được lợi nhuận kha khá từ mặt hàng này chỉ trong mấy ngày tết.

...Đến trái cây, hoa, kiểng

Dịp tết, người tiêu dùng không chỉ có nhu cầu mua sắm bông, nhang... mà quả cũng là mặt hàng có nhu cầu cao. Dọc hai bên đường quốc lộ 13, quốc lộ 1K, 1A, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Đường... đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều các gian hàng bán quả. Anh Hòa, một người buôn bán dưa hấu trên quốc lộ 13, cho biết năm nay anh mua tất cả hơn 20 tấn dưa từ Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài 4 địa điểm được bày bán anh còn để sỉ cho một số bạn hàng bán lẻ khác để sớm lấy lại vốn. Theo anh Hòa, cứ đến dịp gần tết là anh bắt đầu đặt hàng tại các nhà vườn, sau đó tổ chức bán sỉ khoảng một nửa, số còn lại được bán lẻ tại các địa điểm thuê sẵn. Mặc dù là công nhân xa nhà nhưng mấy năm nay cứ đến tết là anh lại say sưa, rong ruổi với mấy vựa dưa hấu mà không về quê. Anh tâm sự: “Tết đến cả gia đình sum vầy, mình không về cũng buồn lắm nhưng phận nghèo nên cố gắng “hy sinh” mấy ngày tết để có tiền tích lũy, sau tết tranh thủ về thăm gia đình, anh em cũng được, không ai trách mình cả”.

Bến Bạch Đằng, TX.TDM cũng là một địa điểm lý tưởng của nhiều người mưu sinh dịp tết. Anh Nguyễn Hòa Long (quê Long An), một tay buôn hoa kiểng cho biết, năm nào anh cũng chở cây kiểng từ miền Tây lên bến Bạch Đằng để bán. Theo anh, có năm thu được lợi nhuận kha khá nhưng cũng có năm huề vốn, những ngày trước tết bán hàng giá còn cao nhưng thường đến 30 tết là bắt đầu bán tháo. Nếu hàng nhiều mà đến ngày cận tết vẫn còn thì phải tính chứ không lại mất tiền vận chuyển trở về. Chuyện đón tết của anh Long xem ra cũng khá lãng tử, bởi như anh nói thường cuối ngày 30 tết mới bắt đầu trở về nhà và xem như năm nào anh cũng đón tết... trên sông!

K.TÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên