Mỹ tìm cách tiếp cận mới đối với Trung Đông

Cập nhật: 21-05-2011 | 00:00:00

Tổng thống Mỹ vừa có bài phát biểu chính thức đầu tiên về làn sóng nổi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi, trong đó thể hiện Washington hướng tới cách tiếp cận mới đối với khu vực chiến lược đang trải qua biến cố lịch sử này.

Bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama thực hiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19-5 đề cập đến nhiều chủ đề tại Trung Đông, từ làn sóng nổi dậy của người dân cho đến tiến trình đàm phán hoà bình giữa Palestine và Israel. Đây là thông điệp quan trọng nhất của ông chủ Nhà Trắng đối với thế giới Ảrập, kể từ bài phát biểu tại Cairo, Ai Cập, hai năm trước.

   Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Ông Obama cho rằng, trong bối cảnh mới, nếu Mỹ không thay đổi cách tiếp cận ở Trung Đông sẽ càng gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo. Giới phân tích cho rằng, bên cạnh làn sóng nổi dậy đang lan khắp khu vực thì chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vừa qua càng khiến Obama muốn có sự khởi đầu mới đối với các nước Ảrập và thế giới đạo Hồi.

Phản ứng có lựa chọn

Ông Obama tuyên bố sẽ tìm mọi cách để nắm lấy "cơ hội lịch sử" tại khu vực, trong đó lần đầu tiên tìm cách đặt Mỹ đứng về phía "mùa xuân Ảrập", tức cuộc cách mạng đang lan khắp Trung Đông và Bắc Phi như hiệu ứng dây chuyền. Thái độ rõ ràng này thay cho việc trước đây Nhà Trắng tỏ ra miễn cưỡng trong việc ủng hộ đối làn sóng nổi dậy trong khu vực.

Tổng thống Mỹ so sánh cuộc nổi dậy tại Trung Đông và Bắc Phi từ mùa xuân năm nay với cuộc cách mạng và phong trào đòi nhân quyền tại Mỹ trước đây. "Đôi khi trong tiến trình của lịch sử, những hành động của các công dân bình thường đã châm ngòi cho các phong trào thay đổi, vì họ đang nói tiếng nói khát khao tự do đã ấp ủ trong nhiều năm", ông Obama bình luận.

Trước biến cố lịch sử, ông Obama tuyên bố chính sách của Mỹ là thúc đẩy cải cách và ủng hộ sự chuyển tiếp dân chủ trên toàn khu vực. "Chúng tôi ủng hộ các quyền cơ bản như tự do phát biểu, tự do tụ tập hoà bình, tự do tôn giáo, bình đẳng nam nữ theo pháp luật và quyền tự lựa chọn các nhà lãnh đạo cho mình, cho dù bạn sống ở Baghdad, Damascus, Sanaa hay Tehran", ông nói thêm.

Đó là quan điểm chung đối với cả khu vực, còn khi đề cập đến tình hình từng nước, ông Obama đã cho thấy phản ứng và sự can thiệp của Mỹ có tính lựa chọn đầy toan tính, phụ thuộc vào quan hệ đồng minh hay đối nghịch. Điều này có thể giải thích việc cùng là những cuộc nổi dậy, nhưng cách thức tiếp cận ở mỗi nước của Mỹ có sự khác biệt rõ nét.

Obama dành những lời lẽ đặc biệt cứng rắn khi nhắc đến một số nhà lãnh đạo Trung Đông không thân thiện với Mỹ. Với Tổng thống Syria Bashir Assad, ông chủ Nhà Trắng cho rằng người dân nước này "đã thể hiện sự dũng cảm của họ trong việc yêu cầu một cuộc chuyển tiếp dân chủ", do đó ông Assad phải đối mặt với một sự lựa chọn là sẽ dẫn dắt cuộc chuyển tiếp này hay đứng ra bên ngoài.

Trong khi đó, theo Washington, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi không còn sự lựa chọn nào khác là phải "đứng ra bên ngoài". Obama cho rằng việc vị đại tá này phải rời bỏ quyền lực là điều không thể tránh khỏi, nhưng ông không đưa ra nhận định gì về tương lai của Libya. Syria chưa có phản ứng gì, còn chính phủ Libya lập tức phản pháo và gọi Obama là "kẻ ảo tưởng", chỉ tin vào những điều giả dối và muốn áp đặt nước khác.

Đối với các nước vốn là đồng minh chống khủng bố đang chứng kiến làn sóng nổi dậy như Bahrain và Yemen, Obama cũng tỏ ra cứng rắn nhưng từ ngữ có phần nhẹ hơn. "Chúng ta phải thừa nhận rằng, đôi khi không phải tất cả những người bạn của chúng ta trong khu vực đều có phản ứng trước những yêu cầu đòi thay đổi. Điều này là đúng ở Yemen, nơi Tổng thống Saleh cần phải thực hiện cam kết chuyển giao quyền lực và điều đó cũng đúng ở Bahrain", Obama nêu rõ.

Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không hề nhắc một câu đến quốc gia cũng có làn sóng nổi dậy là Ảrập Xêút trong suốt bài phát biểu có 5.400 từ của mình. Vương quốc này vốn là trung tâm thực hiện chính sách của Mỹ ở khu vực Trung Đông và là nguồn cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3. Ảrập Xêut cũng đóng vai trò quan trọng trong những nỗ lực của Mỹ chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Obama cũng cam kết việc Mỹ sẽ cho Ai Cập và Tunisia vay hàng tỷ USD thời hậu cách mạng nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế. Tuy nhiên nỗ lực này cũng sẽ khó xóa tan ấn tượng với chính quyền mới của hai quốc gia Bắc Phi này về việc Washington từng ủng hộ lâu dài đối với hai nhà lãnh đạo bị họ lật đổ là Hosni Mubarak và Zine el-Abidine Ben Ali.

Thẳng thắn với Israel

Đặc biệt, lần đầu tiên tổng thống Mỹ đề cập đến thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine theo cách thẳng thắn chưa từng có trước đây. Ông đề cập cụ thể đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, nước này cần phải chấp nhận yêu cầu của người Palestine về công nhận đường biên giới như trước cuộc chiến năm 1967, điều mà Israel vốn không muốn, đồng thời khẳng định nhà nước Do Thái không thể "chiếm đóng mãi mãi các vùng đất của người Palestine".

"Israel và Palestine nên dựa vào đường phân định đã được hai bên đồng ý năm 1967 để đảm bảo và công nhận đường biên giới cho hai nước. Người Palestine phải có quyền tự quyết của họ trong một nhà nước có chủ quyền lãnh thổ", ông Obama nhấn mạnh. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lập tức triệu tập cuộc họp với các quan chức cao cấp để thảo luận về ẩn ý của ông chủ Nhà Trắng.

Tuyên bố của ông Obama đưa ra vào thời điểm nhạy cảm vì đúng vào đêm trước chuyến thăm Nhà Trắng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Sự thẳng thắn hiếm có với đồng minh thân cận Israel này đã được bàn tính kỹ trước khi đưa ra. Bài phát biểu của Obama mở màn chậm hơn 25 phút so với lịch trình và sự trì hoãn này được cho là do có tranh cãi về nội dung sẽ đề cập, đặc biệt là vấn đề liên quan đến Israel và Palestine.

Quan điểm của Obama đưa ra trong bài phát biểu khiến ông hoàn toàn khác so với chính sách của người tiền nhiệm George Bush với Israel. Cựu tổng thống Bush năm 2004 từng tuyên bố rõ ràng rằng, Israel sẽ không phải lui về đường biên giới trước năm 1967 như người Palestine yêu cầu. "Tình yêu vô điều kiện" của ông Bush với Israel khiến ông Netanyahu dễ chịu hơn nhiều so với cách tiếp cận thẳng thắn hiếm có của ông Obama.

Dù ông Obama và Netanyahu trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm qua đều thừa nhận có sự khác biệt về con đường hoà bình tại Trung Đông, thì tuyên bố về đường biên giới 1967 của ông chủ Nhà Trắng chắc chắn sẽ làm rạn nứt ít nhiều mối quan hệ giữa Washington với đồng minh Do Thái. Một quan chức Israel tháp tùng thủ tướng thăm Mỹ bình luận: "Có một cảm giác rằng Washington không hiểu thực tế và không hiểu chúng tôi đang phải đối mặt với điều gì".

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên