Năm 2012 sẽ có thuốc điều trị nghiện "Made in VietNam"

Cập nhật: 25-12-2011 | 00:00:00

Những địa phương triển khai chương trình Methadone đã giảm hẳn các vụ phạm tội liên quan đến ma túy. Đây là một trong những lợi ích to lớn nhất mà Methadone – một loại thuốc giảm đau điều trị nghiện mang lại cho cộng đồng. Sắp tới, Việt Nam sẽ sản xuất thử nghiệm loại thuốc này.

Sáng 24-12, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tới dự hội nghị quan trọng này.

Methadone - "Cứu cánh" cho gần 800.000 người nghiện

Báo cáo tổng kết công tác điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone của Bộ Y tế cho hay, trên thế giới đã có hơn 70 nước triển khai chương trình Methadone với gần 800.000 bệnh nhân được điều trị (trong đó khoảng 580.000 bệnh nhân tại châu Âu và hơn 200.000 bệnh nhân châu Á).

ThS. Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện thế giới có khoảng 3% dân số nghiện ma túy (khoảng 200-250 triệu người). Tiêm chích ma túy đang là phương thức lây truyền HIV chủ yếu tại nhiều quốc gia. Đáng lo là VN thuộc nhóm các nước có tỷ lệ lây nhiễm HIV qua con đường tiêm chích cao nhất thế giới. Không những thế, độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ người nghiện là nữ gia tăng.

  Nhiều người nghiện đã được điều trị thay thế bằng thuốc Methadone. Theo ông Ân, đến tháng 6-2011, cả nước có 149.900 người nghiện ma túy tăng 6.704 người so với cuối năm 2010, trong đó ma túy sử dụng phổ biến nhất vẫn là heroin (chiếm 70%). Bộ Y tế đã triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone tại 11 tỉnh thành với gần 7.000 người nghiện ma túy được điều trị. Đa số bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt, tỷ lệ bỏ trị rất thấp, không có bệnh nhân tử vong do quá liều hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Ước tính, trung bình một bệnh nhân phải sử dụng 230.000 đồng/ngày để mua heroin (khoảng 84 triệu đồng/năm), trong khi hiện đang điều trị cho gần 7.000 bệnh nhân, như vậy chương trình đã tiết kiệm được cho bệnh nhân 588 tỷ đồng/năm.

Sẽ có thuốc Methadone “Made in VietNam”

Thuốc Methadone hiện do Bộ Y tế làm đầu mối nhập khẩu. Tính đến tháng 11-2011 đã nhập được 6 đợt với 60.640 lít Methadone, trong đó đã sử dụng trên 27.000 lít, còn lại gần 33.000 lít. Dự kiến cuối tháng 2.2012 sẽ nhập thêm 10.000 lít.

Ông Ân cho biết, Bộ Y tế đang có lộ trình mở rộng chương trình điều trị Methadone qua hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2010-2012) triển khai tại 13 tỉnh thành điều trị cho 15.600 bệnh nhân; giai đoạn 2 (2013-2015) mở rộng ra 17 tỉnh thành điều trị cho 80.000 bệnh nhân. Vì vậy, nhu cầu thuốc Methadone là rất lớn, khoảng 1.724.991 lít dung dịch Methadone 10mg/ml cho cả hai lộ trình. Do đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang lựa chọn doanh nghiệp dược tiến hành nghiên cứu sản xuất thuốc Methadone trong nước đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Dự kiến trong năm 2012 sẽ sản xuất thử nghiệm và thực hiện thí điểm điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc Methadone “nội”. Giá thành chi phí cho mua thuốc Methadone trong nước chỉ bằng 50% giá thành thuốc nhập khẩu hiện nay.

TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện có 11 doanh nghiệp dược đăng ký tham gia sản xuất thuốc Methadone. Bộ Y tế đã lập 3 đoàn kiểm tra thẩm định các cơ sở đăng ký tham gia. Trong tháng 12 này, Hội đồng thẩm định sẽ họp xem xét và chọn 1 cơ sở tham gia sản xuất thuốc Methadone phục vụ điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc thay thế giai đoạn 2011-2015”.

Tăng Ngân sách cho phòng chống HIV/AIDS

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết công tác điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế chủ động nguồn thuốc Methadone sử dụng cho bệnh nhân; áp dụng các mô hình điều trị thành công trên thế giới vào VN nhằm đạt mục tiêu điều trị cho 80.000 người nghiện chích ma túy vào năm 2015.

Thành lập cơ sở điều trị thay thế theo nguyên tắc: Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có từ 250 người nghiện các CDTP trở lên thì triển khai tổ chức điều trị thay thế. Những huyện có ít hơn 250 người nghiện các CDTP, tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương UBND cấp tỉnh quyết định việc triển khai điều trị thay thế. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa trong điều trị nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.

Theo Báo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên