Nam Trung bộ: Lũ các sông lên nhanh

Cập nhật: 10-11-2010 | 00:00:00

Mưa như trút xuống các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa hôm nay khiến mực nước các sông dâng cao, một số nơi vượt trên báo động 3. Nhiều tuyến đường bị sạt lở. Nước tiếp tục cô lập nhiều khu dân cư.

 

Lượng mưa đo được tại Phú Yên từ đêm qua đến chiều nay phổ biến từ 155,7 đến 495mm. Mưa đổ nhiều nhất xuống Phú Lâm: 495,2mm; Tuy Hòa gần 470mm; Hòa Mỹ Tây 419mm; tại Hà Bằng là 264,5mm; Củng Sơn: 262,6mm; Sông Hinh: 236,8mm... Mực nước các sông đang lên nhanh.

 

13h chiều qua, nước trên sông Ba tại Củng Sơn đã vượt trên báo động 3, mức cảnh báo nguy hiểm. Nước các con sống khác ở mức xấp xỉ báo động 3. Trong khi đó các hồ thủy điện vẫn tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn.

 

 Mưa to làm ngập lụt nhiều tuyến đường thành phố Quy Nhơn. 

Chiều qua, Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ đã có văn bản thông báo mực nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ ở 104,47m, trên mực nước dâng bình thường 105m, xả lũ với lưu lượng 3.904 m3 một giây. Công ty đề nghị các ngành chức năng cho phép xả lũ với lưu lượng tối đa 6.000m3 một giây từ 9h đến 12h và xả 4.000 m3 một giây từ 12h đến 24h cùng ngày.

 

Trong khi đó, hồ Thủy điện Sông Hinh cũng đạt cao trình mực nước 208,04m, trên mực nước dâng bình thường 209m và xả lũ với lưu lượng 1.000 m3 một giây từ 14h chiều 9-11; hồ Thủy điện Krông H’Năng có mực nước đạt 254,25m, xả lũ 250m3 một giây.

 

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn miền trung, Phú Yên tiếp tục có mưa to trong hai ngày tới, mực nước các sông tiếp tục duy trì ở mức báo động cấp 2, 3.

 

Trong khi đó, nhiều địa phương tỉnh đang gánh chịu thiệt hại lớn bởi mưa lũ. Mưa đã làm sạt lở núi Chóp Chài và Cổ Bông, làm sập 3 nhà dân ở hai thôn Thạnh Đức và Minh Đức, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa.

 

Đêm 8/11, mưa to làm lở núi, đất đá lăn xuống gây ách tắc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ngành đường sắt đã khắc phục thông tàu lúc 7h sáng 9-11. Trước đó quốc lộ 1A thuộc khu vực đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa cũng sạt lở mái taluy dương. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên phải tổ chức sửa chữa ngay trong đêm để thông một làn xe lúc 24h cùng ngày.

 

Nước lũ cũng nhấn chìm quốc lộ 25 từ Tuy Hòa đi Gia Lai. Toàn bộ các tuyến tỉnh lộ trên địa phận tỉnh Phú Yên đều bị ngập, hư hỏng tại nhiều nơi gây ách tắc giao thông.

 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, chính quyền các địa phương tại Phú Yên đã tổ chức sơ tán gần 3.000 dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng cửa sông. Hiện Phú Yên đã có 6 người chết trong đợt mưa lũ đầu tháng 11.

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Bình Định, lượng mưa phổ biến tại tỉnh Bình Định từ 130 đến 207mm, riêng khu vực thành phố Quy Nhơn lượng mưa gần 320mm. Sáng 9-11, mực nước các sông trong tỉnh tiếp tục dâng cao, riêng sông Kôn tại Thạnh Hòa lên trên báo động 3.

 

Một số nơi thuộc khu Đông huyện Tuy Phước, Phù Cát bị ngập lụt. Nhiều tuyến đường trên địa bàn 2 huyện này bị nước lũ ngập sâu 0,5-1m. Giao thông ách tắc. Hơn 30.000 học sinh trên địa bàn phải nghỉ học.

 

Tại huyện Tuy Phước, ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau 2 ngày tạm ổn, lũ lại dâng trở lại khiến 1.300 hộ dân ở các xã khu Đông của huyện bị cô lập, trong đó xã Phước Thắng có 2.300 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn trong nhiều ngày qua”.

 

“Hai ngày nay, chúng tôi phải sử dụng phương tiện cứu hộ để di chuyển dân vùng nguy hiểm lên vùng an toàn để tránh lũ; đồng thời cứu trợ mì tôm, nước uống cho các hộ dân bị cô lập”, ông Nguyễn Minh Phụng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thông tin.

 

Khu vực nội thành Quy Nhơn, mưa lớn không ngớt, cộng với hệ thống thu gom nước thải thuộc Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn thi công chưa hoàn thiện nên nước thoát không kịp đã tràn vào một số nhà dân ở đường Hai Bà Trưng, Trần Cao Vân, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Tăng Bạt Hổ… Nhiều tuyến đường trong nội thành như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Thị Định… bị ngập sâu, có nơi ngập sâu đến 1m, giao thông ùn tắc.

 

Mưa lũ còn làm hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp phía Nam tỉnh cũng phải nghỉ việc.

 

Tại khu vực hồ sinh thái Bàu Sen (thuộc KV 6, phường Lê Hồng Phong), do hạng mục hệ thống thoát nước và cải tạo hồ Bàu Sen, thuộc Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Quy Nhơn thi công dang dở, nước mưa các nơi đổ về gây ngập úng cục bộ. Các hộ dân sống phía bên kia Bàu Sen ở chân dãy núi Bà Hỏa bị cô lập hoàn toàn.

 

Đặc biệt, xã đảo Nhơn Châu hơn 10 ngày qua (từ 28-10) do sóng to gió lớn, tàu thuyền không thể ra vào được nên tiếp tục bị cô lập. Khó khăn hiện nay trên đảo Nhơn Châu là thực phẩm tươi sống, rau xanh không có để dùng.

 

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Bình Định, trong đợt mưa lũ từ đầu tháng 11, tỉnh đã có 5 người chết, một người mất tích, 20 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 55 ngôi nhà khác hư hỏng, 40 m đê sông bị vỡ đứt và gần 9.000km đê sông bị sạt lở nghiêm trọng… Tổng thiệt hại lên đến gần 500 tỷ đồng.

 

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên