Nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh, thu hút bác sĩ có chuyên môn

Cập nhật: 05-06-2020 | 23:36:11

Trước phản ánh của người dân về chất lượng khám và điều trị bệnh ở tuyến cơ sở chưa tốt, thiếu đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn khi bệnh viện 1.500 giường đi vào hoạt động cuối năm 2020; Sở Y tế đã có cách điều chỉnh như luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về xã, phường, thị trấn từ 2 - 3 lần/tuần; có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút, giữ chân bác sĩ có chuyên môn... Qua đó, 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh không có bác sĩ nghỉ việc như các năm trước.


Dự kiến cuối năm 2020, bệnh viện 1.500 giường đi vào hoạt động, có đủ y, bác sĩ có chuyên môn phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn

Không để lãng phí trang thiết bị

Bác sĩ Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng về chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến vẫn còn chênh lệch là điều tất yếu. Tuyến xã, phường, thị trấn là tuyến tiếp cận đầu tiên với người dân. Nhiệm vụ chủ yếu là chăm sóc sức khỏe ban đầu, nên yêu cầu về chuyên môn không cao, đầu tư về trang thiết bị hạn chế để tránh lãng phí. Tuy nhiên, trong lộ trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế đã cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã, phường, thị trấn và dần dần trang bị các thiết bị ngày càng hiện đại hơn để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn.

“Hiện nay, ngành y tế đang đáp ứng chế độ luân phiên bác sĩ tuyến huyện về hỗ trợ cho tuyến xã 2 - 3 buổi/tuần, tạm thời đáp ứng cho hoạt động khám chữa bệnh, nhất là khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Về lâu dài, ngành y tế đã trình UBND tỉnh chế độ thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn về Bình Dương, thực hiện Đề án 1816 (tuyến huyện hỗ trợ tuyến xã); tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh; sắp xếp, bố trí cho cán bộ nhân viên y tế đi đào tạo tại các trường đại học, như: Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và nhất là Đại học Y khoa Cần Thơ. Với giải pháp trên, ngành y tế hy vọng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân Bình Dương ngày càng được nâng cao, giảm sự phiền hà, tăng cường sự hài lòng của người dân, đáp ứng ngày càng cao công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, bác sĩ Lục Duy Lạc cho biết.

Thời gian gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh có nhiều tiến bộ vượt bậc. Các cơ sở y tế đều được xây mới, nâng cấp, sửa chữa khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia vào công tác khám chữa bệnh, đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở y tế công lập. Trang thiết bị y tế thường xuyên được đầu tư mua sắm, liên doanh, liên kết lắp đặt cho các đơn vị, triển khai được thêm nhiều xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu. Đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao được thu hút về Bình Dương. Song song với việc đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; triển khai hoạt động theo dự án 1816, dự án bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1… ngành y tế Bình Dương đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao trong khám điều trị như chụp CT, chụp MRI, phẫu thuật sọ não. Số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh hàng năm ngày càng tăng, bình quân 5 - 6 triệu lượt/năm. Độ bao phủ BHYT đến hết năm 2019 đạt 88,4% với hơn 1,9 triệu người tham gia.

Bác sĩ Lục Duy Lạc cho rằng hiện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, ngành y tế vẫn còn quá tải, áp lực công việc rất cao. Vì vậy, có lúc, có nơi còn xảy ra hiện tượng cán bộ y tế thiếu kiềm chế, có những cử chỉ, thái độ làm phiền lòng dân. Lãnh đạo ngành y tế đã chỉ đạo xử lý các vụ việc một cách kịp thời, hiệu quả, được người dân hiểu và thông cảm. Quy tắc giao tiếp, ứng xử, nâng cao y đức cho cán bộ nhân viên y tế luôn được lãnh đạo ngành y tế, lãnh đạo các đơn vị quan tâm triển khai thực hiện.

Đủ bác sĩ cho bệnh viện 1.500 giường

Mới đây, tại phiên họp lần thứ 40 HĐND tỉnh, nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế về đầu tư trang thiết bị của bệnh viện 1.500 giường, nhất là đội ngũ y, bác sĩ đã chuẩn bị đến đâu khi cuối năm nay bệnh viện đi vào hoạt động?

Trả lời vấn đề này, ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong thời gian qua, các trường đào tạo khối ngành sức khỏe đã tăng cường đào tạo nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngoại trừ bác sĩ thì nhân lực chuyên ngành y tế khác dồi dào, đủ để các cơ sở y tế xem xét tuyển chọn khi cần (dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, các chức danh hành chính…). Do vậy, khi bệnh viện 1.500 giường mới dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2020, sẽ chuyển toàn bộ nhân lực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện nay về trụ sở mới và phải bảo đảm tuyển dụng đủ số bác sĩ làm việc. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang hoạt động với 202 bác sĩ và thiếu 100 đến 150 bác sĩ khi về bệnh viện 1.500 giường.

Để có đủ số bác sĩ có tay nghề, Sở Y tế đã đề ra các giải pháp. Ghi nhận kết quả tích cực của việc thực hiện các giải pháp như sau: Số lượng thí sinh cử đào tạo theo địa chỉ sử dụng đang học là 202, dự kiến tốt nghiệp từ năm 2020 đến 2025 là 30 đến 35 bác sĩ mỗi năm (trước đó, giai đoạn 2014-2019, tốt nghiệp mỗi năm trung bình là 8 bác sĩ). Số lượng bác sĩ được bệnh viện tuyển dụng mới năm 2019 là 43 bác sĩ và sau đó có thêm 47 bác sĩ đến hợp đồng làm việc để chờ xem xét tuyển viên chức, nâng số bác sĩ được tuyển dụng trong năm 2019 là 90 bác sĩ (trước năm 2019, khó tuyển dụng và sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề thì nghỉ việc). Số bác sĩ nghỉ việc năm 2019 là 6 bác sĩ (trước đây là 30 bác sĩ/năm) và 5 tháng đầu năm 2020 không có bác sĩ nghỉ việc.

Như vậy, có thể nói cùng với việc tuyển dụng bác sĩ mới và phân công bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh thì sẽ bảo đảm được số lượng nhân lực cho hoạt động bệnh viện 1.500 giường. Về chất lượng, Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian tới.

Nói về việc bệnh viện 1.500 giường hoàn thành chậm so với tiến độ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng theo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh), do nhiều lý do, tính chất phức tạp của công trình như yêu cầu về xử lý kỹ thuật trong thi công, công tác giải phóng mặt bằng, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thi công… nên UBND tỉnh đã có Công văn số 2099/ UBND-KT ngày 9-4-2020 về gia hạn hợp đồng thi công xây dựng bệnh viện đến ngày 31-12- 2020. Trang thiết bị bệnh viện 1.500 giường, theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, gói thầu này có thời gian thực hiện hợp đồng là 2020-2021, hiện chủ đầu tư đang thực hiện các bước đấu thầu theo quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ trang thiết bị khi bệnh viện 1.500 giường đi vào hoạt động.

Để có đủ số bác sĩ có tay nghề, Sở Y tế đã đề ra các giải pháp tập trung vào việc thu hút bác sĩ, tăng cường ký hợp đồng đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, tham mưu chính sách đãi ngộ giữ chân bác sĩ, thực hiện tự chủ chi thường xuyên, cải thiện môi trường làm việc… Trong đó, chính sách quan trọng là Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐND ngày 31-7-2019 của HĐND ban hành, quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên