Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai - Kỳ 2
(BDO) Kỳ 2: Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt cao
Những năm qua, việc thực hiện thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất của Bình Dương được thực hiện bảo đảm về trình tự, thủ tục, thời gian quy định của Luật Đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành và chủ trương đầu tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước trong công tác đất đai.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Trung tâm Hành chính tỉnh
Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, làm căn cứ để Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Lũy kế từ năm 2010-2020 (thời kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm), trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 15.000 ha (bao gồm các hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức sử dụng đất chuyển mục đích để thực hiện dự án đầu tư). Ông Ngô Quang Sự, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Việc thực hiện thủ tục hành chính trong chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện bảo đảm về trình tự, thủ tục, thời gian quy định của Luật Đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chuyên ngành và chủ trương đầu tư”.
Huyện Bắc Tân Uyên từ khi được thành lập đến nay, công tác quy hoạch, quản lý đất đai luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chú trọng. Trong đó, việc chuyển mục đích sử dụng đất hết sức cần thiết để đầu tư các dự án, phát triển hạ tầng, xây dựng phát triển. Thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính, trong năm 2020, tổng số hồ sơ tiếp nhận của huyện là 1.553, trong đó lĩnh vực đất đai 1.484 hồ sơ. Đã giải quyết 1.056 hồ sơ, đang giải quyết 276 hồ sơ, 152 hồ sơ không hợp lệ. Kết quả, huyện đã giải quyết và trả hồ sơ đúng hẹn 905/1.056 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 85,7%.
Ông Đặng Đình Trí, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Tân Uyên, cho biết UBND huyện đã niêm yết, công khai 37 thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và 16 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai. Phòng đã tham mưu UBND huyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008, kiểm soát thực hiện 20 thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Phòng đã tham mưu UBND huyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 kiểm soát thực hiện 3 thủ tục nêu trên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tỉnh Bình Dương có tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp tăng nhanh dẫn đến hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đặc biệt là hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở hoặc nhà trọ cho công nhân thuê. Theo đó, ngoài việc xử phạt bằng tiền, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm nên gặp nhiều khó khăn, kéo dài do người vi phạm không chấp hành.
Ông Trí cho biết: “Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, phòng đã gặp một số khó khăn, tồn tại. Cụ thể, bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thường được thay đổi, bổ sung, chuẩn hóa phần nào gây lúng túng cho cán bộ và người dân thực hiện thủ tục trong giai đoạn chuyển tiếp. Bên cạnh đó, nguồn gốc đất đai phức tạp nên việc kiểm tra hồ sơ xác nhận hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng tài sản gắn liền với đất, xác nhận hiện trạng tranh chấp nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất trong quá trình cấp giấy chứng nhận lần đầu mất nhiều thời gian”.
Ông Trí cho biết thêm, một số quy định về chính sách chưa cụ thể đã gây khó khăn trong áp dụng thực hiện, kiểm soát thủ tục hành chính. Cụ thể, theo quy định tại Điều 210 Luật Đất đai năm 2013: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng diện tích đất nông nghiệp được giao vượt hạn mức trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì phải chuyển sang thuê đất theo quy định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp người sử dụng đất có nguồn gốc đất nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế từ thửa đất vượt hạn mức. Hiện nay chưa có quy định thực hiện xử lý đối với các trường hợp như trên khi hết hạn sử dụng đất. Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5, Nghị định 91 thì nội dung buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm của UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương để quy định mức độ khôi phục đối với từng loại vi phạm quy định tại nghị định này. Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh chưa có quy định về mức độ khắc phục hậu quả theo quy định của Nghị định 91.
Để giải quyết những tồn tại, thời gian tới Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là công tác dự báo phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó bố trí quỹ đất phù hợp cho phát triển các ngành, lĩnh vực… nhằm sử dụng bền vững tài nguyên đất đai. Ông Ngô Quang Sự cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, huyện, thị, thành phố trong công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất cần phải bảo đảm tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các ngành, các cấp nâng cao trình độ, chuyên môn nhằm thực hiện đúng các quy định pháp luật về đất đai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc lập, thẩm định, xét duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh và cấp huyện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt”. (Còn tiếp)
PHƯƠNG LÊ