Nâng cao trách nhiệm phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em

Cập nhật: 09-12-2014 | 07:56:30

 Vài tháng gần đây, tình hình tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, đặc biệt là các bậc làm cha, làm mẹ phải thường xuyên lưu ý quan tâm chăm sóc con trẻ nhằm tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

 

Một buổi học bơi phòng tránh đuối nước cho trẻ em do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Ảnh: N.HOÀNG

 Những con số buồn

Nói về các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, bà Trương Thị Anh Đào, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, nhà trường, gia đình vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Đặc biệt là công tác tuyên truyền cho phụ huynh nâng cao ý thức trách nhiệm, chăm sóc, bảo vệ, ngăn ngừa tai nạn thương tích cho con trẻ ngay tại chính ngôi nhà của mình. Bên cạnh đó, sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp các ban ngành, đoàn thể duy trì và nhân rộng mô hình truyền thông nhóm nhỏ về phòng tránh tai nạn giao thông; phòng tránh tai nạn đuối nước; phòng tránh ngộ độc; phòng tránh bỏng; phòng tránh té ngã; phòng tránh động vật cắn... cho các bậc cha mẹ, người giám hộ trẻ em ở các khu, ấp, mở các buổi học bơi miễn phí đặc biệt dành cho các trẻ em lang thang, trẻ em nghèo, trẻ em mồ côi, trẻ em bị xâm hại tình dục,...

  Theo số liệu báo cáo của các ngành chức năng, năm 2014 toàn tỉnh đã xảy ra 1.436 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 12 trường hợp bị tử vong do đuối nước và một trường hợp tử vong do bỏng. Địa điểm thường xảy ra tai nạn cho trẻ em là ngoài cộng đồng với 1.215 trường hợp; ở nhà với 177 trường hợp và tại trường học là 44 trường hợp. Nguyên nhân trẻ em bị tai nạn thương tích chủ yếu là do bị tai nạn giao thông, do lao động hoặc là do trong lúc vui chơi các em đã sơ ý tự té ngã… Có lẽ con số trên chỉ là phần nổi mà các cơ quan chức năng trong tỉnh thống kê được, thực tế còn rất nhiều vụ việc chưa được nêu ra mà nguyên nhân chủ yếu là do nhiều bậc phụ huynh còn tâm lý chủ quan; khi con trẻ té ngã bị thương tích nhưng không đưa đến cơ sở y tế mà mua thuốc về nhà tự chữa trị, chỉ đến khi thương tích trở nặng, diễn biến theo chiều hướng xấu thì gia đình mới chịu chở bé đến bệnh viện. Vấn đề này không chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà còn diễn ra trong nhiều gia đình ngay tại thành thị.

Năm 2014 có 352 trường hợp trẻ em tự té ngã dẫn đến bị thương tích. Theo đánh giá thì tai nạn giao thông mới chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn thương tích trẻ em với 530 trường hợp. Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH), chia sẻ: “Trẻ em vốn hồn nhiên, vô tư nên chưa thể lường trước được những nguy hiểm xung quanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với mình. Vì thế, không ai khác chính các bậc làm cha, làm mẹ phải luôn chú ý quan tâm bảo vệ, chăm sóc cho con em mình. Đồng thời phải dạy cho con em mình ý thức tự bảo vệ bản thân để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc”.

Giải pháp phòng chống

Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn vẫn là một trong những phương thức hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa, phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em mà các cơ quan chức năng đang áp dụng. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH; trong năm 2014 sở đã tổ chức được 18 lớp tập huấn triển khai quyết định phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức nhiều buổi hướng dẫn cho cộng tác viên về việc kiểm định ngôi nhà an toàn và các kỹ năng truyền thông vận động bảo vệ chăm sóc trẻ em phòng tránh tai nạn thương tích; đặc biệt là các hướng dẫn các kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho 692 lượt cán bộ là đại diện của Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố, đội ngũ cộng tác viên và cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em của 91 xã phường, thị trấn. Song song với các hoạt động trên, sở còn tổ chức 56 buổi nói chuyện chuyên đề, các diễn đàn về phòng tránh tai nạn thương tích từ cấp huyện tới tỉnh với sự tham gia của hơn 2.000 trẻ em là học sinh tại 28 câu lạc bộ Trẻ em với phòng, chống tai nạn thương tích tham dự. Bên cạnh đó, sở còn cung cấp gần 692 cuốn tài liệu và 20.000 tờ rơi tuyên truyền phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước.

 NGỌC HOÀNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên