Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13: Tiếp tục cho Bình Dương đón đầu phát triển

Cập nhật: 10-12-2014 | 08:13:26

Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương từ tỉnh nghèo thuần nông lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư. Đến nay trên quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An… thường xảy ra kẹt xe, cần phải được nâng cấp mở rộng sớm. Nhiều phương án được đặt ra, nhưng bức xúc vẫn là vốn. Nếu tuyến đường sớm được đầu tư, nâng cấp mở rộng sẽ tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” đưa Bình Dương vươn lên tầm cao mới.

Phải có trục xương sống phù hợp

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, xác định quốc lộ 13 là trục xương sống của hệ thống giao thông trong tổng thể nền kinh tế - xã hội Bình Dương thì phải đầu tư nâng cấp mở rộng hợp lý để đủ sức gánh vác, nuôi dưỡng một địa phương đang phát triển mạnh. Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra 2 phương án cùng mở rộng mỗi bên 15m tính từ mép nhựa; nâng cấp từ 6 làn xe hiện hữu lên 8 hoặc 10 làn xe, đạt chuẩn đường phố chính đô thị; tốc độ thiết kế 80km/giờ và tải trọng 120KN/trục. Đồng thời, kết hợp cải tạo các nút giao thông xung yếu bằng hệ thống đèn tín hiệu hoặc chỉ mở rộng một bên theo hình thức phân kỳ đầu tư từng giai đoạn.

Cở sở để thực hiện 2 phương án này là, lưu lượng giao thông trên quốc lộ 13 hiện rất cao, thường xuyên xảy ra kẹt xe, nhất là đoạn từ cầu Ông Bố đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Thủ Dầu Một. Theo quy hoạch tổng thể GTVT tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì quốc lộ 13 đoạn từ cầu Vĩnh Bình đến đường Vành đai 3 được quy hoạch đường trên cao với quy mô 4 làn xe. Cũng theo quy hoạch điều chỉnh phát triển GTVT TP.HCM thì quốc lộ 13 đoạn thuộc địa phận TP.HCM không có quy hoạch đường trên cao, chỉ quy hoạch mở rộng với mặt cắt ngang 60m theo Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quốc lộ 13 đoạn phía trước Aeon Bình Dương (TX.Thuận An) vừa được nâng cấp mở rộng. Ảnh: D.CHÍ

Ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở GTVT cho biết, từ kinh nghiệm mở rộng phía trước Trung tâm thương mại Bình Dương Canary (Aeon Bình Dương) cho thấy bộ mặt đô thị trở nên sáng sủa, hấp dẫn các nhà đầu tư, tình trạng ách tắc giao thông đầu tuyến đại lộ Độc Lập - Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 được cải thiện. Nhưng do lưu lượng xe cao nên giải tỏa được điểm này lại đẩy ách tắc sang 2 đầu là phía cầu Ông Bố và ngã tư Hòa Lân. Kế hoạch nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 nhằm đáp ứng 2 mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển đô thị về lâu dài bằng giải pháp nâng tầng, định hình trục xương sống phù hợp, tiếp tục thu hút đầu tư cho giai đoạn phát triển mới.

Hình ảnh một Bình Dương năng động

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp- TNHH MTV (Becamex IDC) cho rằng, việc giải quyết ách tắc giao thông phía trước Aeon Bình Dương đã xuất hiện nhiều cái mới rất tích cực và là điều kiện tốt để tiếp tục thu hút đầu tư. Vì vậy, tầm nhìn của chúng ta phải đáp ứng nhu cầu phát triển từ 5 đến 10 năm tới trên cơ sở việc làm của ngày hôm nay phải phù hợp với xu hướng phát triển của ngày mai.

Ông LÊ THANH CUNG, Chủ tịch UBND tỉnh: Muốn phát triển phải có bộ khung tốt

Bình Dương phải chuẩn bị kỹ bộ khung hạ tầng cơ sở vừa giải quyết tốt các yêu cầu hiện tại, vừa kết nối thuận lợi với hệ thống hạ tầng quốc gia, của vùng và của tỉnh; trong đó GTVT phải đi trước để đón đầu cơ hội phát triển. Trên tinh thần đó, Bình Dương phải nhanh chóng hình thành bộ khung hạ tầng cơ sở thật tốt, thật thông suốt để dẫn dắt kinh tế - xã hội phát triển.

Ông Hùng lý giải, việc nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 hiện nay vừa giải quyết ách tắc vừa tạo đà để “nâng tầng” sau này. Như vậy, cái gì cần làm cho ngày mai thì bây giờ chúng ta phải chuẩn bị như hầm chui, cầu vượt tại các giao lộ, ngã tư…, đừng để phải “quay lại” sẽ rất tốn kém, khó khăn. Trong điều kiện vốn khó khăn như hiện nay chúng ta phải tính hết mọi giải pháp trên tinh thần “tiết kiệm và hiệu quả”. Thuận lợi rõ nhất của phương án 1 là ít giải tỏa nhờ hai bên đường phần lớn là đất công. Tuy nhiên, một số đoạn đã xảy ra lấn chiếm như phía trước cầu Ông Bố, trước đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án thoát nước đã đền bù nhưng nay nhà xưởng đã mọc lên, cần kiểm tra kỹ để đưa vào phương án tránh kéo dài thời gian gây tốn kém, lãng phí.

Góp ý vào phương án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 tại cuộc họp bàn về vấn đề này vừa qua, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Rút kinh nghiệm của thế giới và một số thành phố lớn khi xây dựng đường trên cao thì nhà cửa phía dưới bị mất hết không gian mặt tiền. Mục tiêu của chúng ta là phát triển giao thông làm đòn bẩy để phát triển đô thị, tạo bộ mặt xã hội khang trang và giá trị gia tăng cho người dân hai bên đường, vì vậy phát triển giao thông phải gắn với yêu cầu không gian đô thị. Vấn đề khá quan trọng mà chúng ta cần phải cân nhắc là biến đổi khí hậu, sau này miền Nam sẽ có bão nên trồng cây xanh phải bảo đảm an toàn, đẹp mắt và thể hiện được bản sắc của Bình Dương. Do đó, cần dành dải phân cách giữa để trồng hàng cây cổ thụ như sao, dầu che bóng mát vừa bảo đảm thích ứng với thời tiết.

Tái định cư thật tốt cho dân

Lộ giới quốc lộ 13 đã ổn định 62m, chi phí đến bù tối đa không quá 6 triệu đồng/m2. Tổng kinh phí đều bù, xây dựng của 2 phương án Sở GTVT đưa ra là 3.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng chỉ 400 tỷ đồng.

Trước yêu cầu phân kỳ đầu tư theo phương châm “dễ trước-khó sau”, do còn khó khăn về nguồn vốn, ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề xuất, từ kinh nghiệm ở khu vực Aeon Bình Dương, phải tranh thủ kết hợp mở rộng phía trước cụm siêu thị Lotte, Bệnh viện Hạnh Phúc, kết hợp nghiên cứu tuyến mới bằng việc băng qua cánh đồng Phú Hội và đề xuất Bộ GTVT cắm mốc lộ giới đường Vành đai 3. Đoạn đầu tuyến phía TP.Thủ Dầu Một cần kết hợp nâng cấp mở rộng khu vực giao cắt giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và Mỹ Phước - Tân Vạn. Giải tỏa được điểm nghẽn này sẽ giúp giảm áp lực trên quốc lộ 13 hiện tại.

Trước yêu cầu nguồn vốn để thực hiện đề án, ông Lê Thanh Cung đưa ra giải pháp “phát hành trái phiếu công trình” với lý do: Nếu vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì phải chờ rất lâu mới có, còn vay của Bộ Tài chính thì không được bao nhiêu so với nhu cầu và phải trả trong thời gian ngắn. Do vậy tỉnh giao Sở Tài chính, Becamex IDC cùng UBND tỉnh nghiên cứu phương án. Nhà nước sẽ đứng ra bảo lãnh để sớm có nguồn vốn thực hiện dự án.

Kết luận tại cuộc họp, ông Lê Thanh Cung khẳng định, đây là tình cảm, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh vì một Bình Dương tiếp tục đón đầu cơ hội phát triển. Khi triển khai thực hiện phải tính đến chuyện tái định cư cho dân thật tốt.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết
Rất vui khi Chính quyền đã chuẩn bị phương án mở rộng QL13, đi ngang khúc AEON cảm thấy thoải mái và an toàn. phương án đường trên không cảm giác không an toàn cho dân sống ven hai bên đường bên dưới. Hoan nghênh chính quyền
Royal Thuy (Cách đây 9 năm)
Nên mở rộng 2 bên để chỉnh trang đô thị luôn, hiện tại trông khá nhếch nhác
daotham (Cách đây 9 năm)
Dù gì đi nữa thì hy vọng Bình Dương sớm trở thành Tp trực thuộc TW, nhưng điều quan trọng bây giờ hãy quy hoạch kiến trúc đô thị lại đã, nhìn còn bừa bộn quá!
Trung Orion (Cách đây 9 năm)
Hoan nghênh nhà nước có chính sách này nhằm chỉnh trang đô thị và kích thích kinh tế. Bên cạnh đó cần có chính sách đền bù cho hợp lý.
Lê Hòa (Cách đây 9 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên