Nâng chất ngành nông nghiệp

Cập nhật: 09-08-2019 | 08:24:22

Những năm gần đây, nhờ vận dụng hiệu quả chủ trương ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp nên giá trị và sức cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp của huyện Bắc Tân Uyên trên thị trường gia tăng mạnh mẽ.

 Trang trại cam xoàn hữu cơ Tư Có, ở xã Hiếu Liêm mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: DUY CHÍ

 Phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP

Tự nhận là nông dân “cố cựu” với mấy đời gắn bó với vùng đất này, ông Trần Trung Châu, ở xóm Bà Cố, xã Lạc An, tâm tình bưởi Tân Uyên đã nổi tiếng từ lâu nhờ đất đỏ pha phù sa và nước mát từ sông Đồng Nai.

Trước đây, nền kinh tế đất nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng còn khó khăn, nên bưởi Tân Uyên khó vươn xa vì đường sá khó khăn, thu nhập của người dân có hạn. Đến khi chia tách huyện Tân Uyên thành TX.Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, với chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển thế mạnh địa phương của huyện, các gia đình nông dân trên địa bàn rất vui mừng vì họ có kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp nhưng phải cố gắng tiếp cận cái mới để phát triển.

Ông Châu cho biết việc tiếp cận cái mới để phát triển với nhà nông được xem như bài toán có nhiều ẩn số. Thực tế cho thấy, trước khi bắt tay vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con nông dân được địa phương tạo điều kiện học tập, tập huấn, tham quan nhiều mô hình sản xuất hiệu quả để hiểu về cây, con và cả đất, nước. Nhưng khi bắt tay vào làm, ông cũng như các gia đình nông dân trong huyện mới thấy lối đi không ở đâu xa. Đó là khi trồng vụ bưởi đầu tiên, gia đình ông đã làm đúng theo hướng dẫn: Từ vệ sinh phòng bệnh đến bón lót, chọn giống... nhưng cây bưởi cứ héo hon, rụng lá rồi chết dần. Gia đình ông đã đi khắp nơi để tìm “thầy” hỗ trợ. Tuy vậy, mỗi “thầy” chẩn một thứ “bệnh” khiến ông rất hoang mang.

“Lúc đó, vợ chồng tôi rất buồn. Rồi bất chợt tôi phát hiện gió từ ngoài sông thổi vào làm lung lay ngọn cây giống. Tôi đánh liều nhổ luôn cây giống lên xem thì thấy bộ rễ không phát triển”, ông chia sẻ. Đem câu chuyện này đến nhờ các kỹ sư nông nghiệp thì ông được hướng dẫn dùng cây tre cắm song song với thân cây giống để cố định thì bộ rễ mới phát triển. Bài học này được nông dân trong xã đặt cho cái tên “cây trúng gió” như một kỷ niệm khó quên trên bước đường chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Bắc Tân Uyên, điểm khác biệt cũng là thành công của huyện là quy hoạch chung, để từ đó định hướng chiến lược phát triển. Theo đó, nông nghiệp phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được thực hiện rộng rãi và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các gia đình nông dân trong huyện. Nổi bật là ở huyện, nhiều nhà nông đi tiên phong thực hiện sản xuất hữu cơ; sản phẩm làm ra không đủ bán và bán giá rất cao.

Kết quả chuyển đổi cho thấy, tỷ trọng nông nghiệp từng bước giảm dần trong cơ cấu kinh tế của huyện nhưng hiệu quả sản xuất, giá trị, sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp tăng lên nhiều lần; cuộc sống nhà nông ngày một khá lên.

Sức mạnh của “ba nhà”

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Tân Uyên đến năm 2025 đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 7 - 7,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 19 - 21%/năm; tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển đạt bình quân 30%/năm. Đến năm 2020, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; 100% khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn môi trường; 100% khu dân cư mới xây dựng hệ thống thoát nước thải và xử lý nước thải tập trung theo quyết định đã phê duyệt.

Giai đoạn 2016-2020, huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11 - 13%/ năm; giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân 18 - 20%/năm. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng… Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tập trung phát triển các nông sản, thực phẩm có thế mạnh ở địa phương như cao su, cây ăn trái, các sản phẩm thịt, sữa, trứng gia cầm...

Với vai trò nòng cốt trong hoạch định chiến lược chuyển dịch cơ cấu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phòng Kinh tế huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện thực hiện đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn và công trình thủy lợi, nâng cấp sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại của người dân theo danh mục đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, phòng cũng tham mưu UBND huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề theo danh mục ưu tiên của huyện; tăng cường công tác quản lý kinh doanh, bảo vệ môi trường...

Ông Thuận cho biết, qua đợt bệnh dịch tả heo châu Phi cho thấy giá trị thực tiễn của liên kết “ba nhà” (Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quản lý, định hướng - nhà khoa học tạo ra giải pháp và xử lý có hiệu quả các vấn đề phát sinh - nhà nông thực hiện và tái đầu tư để phát triển bền vững). Thời gian qua, các chuồng trại chăn nuôi trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao theo hướng liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông đã bảo đảm an toàn trước các diễn biến thời tiết, dịch bệnh nhờ kiểm soát tốt từ môi trường chuồng trại, con giống, nguồn gốc thức ăn, nước uống, chế độ dinh dưỡng đến đầu ra thị trường.

Điển hình như trang trại chăn nuôi gà Hoàng Lan, trang trại An Tỷ đã đưa công nghệ vào xử lý chuồng trại, thu hồi phân gà để chế biến ra sản phẩm hữu ích, là đầu vào an toàn của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, Hợp tác xã cao su Nhật Hưng đã vươn lên hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm mới, có thị trường ổn định... Có được kết quả này, trước hết là nhờ ngay từ khi chia tách huyện, địa phương đã xác định chiến lược phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từ chối cấp phép đầu tư trang trại theo xu hướng công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường.

 Dù còn đến trên 700 ha trồng lúa, hàng ngàn ha rừng nhưng thống kê của ngành chức năng cho thấy thu nhập bình quân mỗi ha đất nông nghiệp của huyện Bắc Tân Uyên (100 triệu đồng/năm) cao hơn mặt bằng chung đất nông nghiệp của tỉnh (85 triệu đồng/năm). Riêng đất trồng cây ăn trái như cam, quýt, bưởi trên địa bàn huyện đạt từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm; đặc biệt đất nông nghiệp trồng cây ăn trái hữu cơ đạt thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên