Nặng lòng với kiếp tằm tơ

Cập nhật: 18-11-2010 | 00:00:00

Có lẽ không còn câu nào hơn thế để nói về tấm lòng của những thầy cô giáo đã về hưu nhưng vẫn canh cánh trong lòng với nghề. Tuy không còn dạy học ở những nơi mà các thầy, các cô đã gắn bó cả đời, nhưng lòng họ vẫn luôn hướng về nơi ấy. Cũng như mọi thế hệ học trò và đồng nghiệp luôn hướng về họ...

Xao xuyến mãi về một nghề cao quý

Thời gian vô tình, sau hàng chục năm gắn bó với nghề dạy học, các thầy cô cũng đến tuổi phải nghỉ hưu. Nhưng dù đã rời xa ngôi trường mà các thầy, các cô đã gắn bó cả đời, rời xa bạn bè đồng nghiệp, chia tay những học trò thân yêu... các thầy cô vẫn không khỏi xao xuyến mãi về cái nghề cao quý đã làm nên hạnh phúc trong một quãng đời của mình. Như thầy Văn Văn Phê, nguyên Hiệu Trưởng trường THPT Dĩ An, như thầy Từ Văn Nhung, nguyên Hiệu Trưởng trường THPT Trịnh Hoài Đức... các thầy luôn cống hiến hết mình cho ngành giáo dục, cho nhà trường, cho các học sinh thân yêu cho đến tận lúc nghỉ hưu. Các thầy phải chia tay trong sự luyến tiếc, biết ơn của nhiều thế hệ học trò, sự quý mến của bạn bè đồng nghiệp và sự tin cậy của các cấp lãnh đạo.

 

Làm gì để phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là đề tài “nóng” của các nhà giáo về hưu

Thầy Võ Văn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Thuận An tâm sự: “Dù đã về hưu nhưng chúng tôi vẫn còn thiết tha gắn bó với nghề, chúng tôi luôn mong muốn được cùng các đồng nghiệp cũ chia sẻ những vui buồn nghề nghiệp, gần gũi nhau những khi hữu sự. Với tôi nghề giáo luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý, một nghề chỉ biết cho nhưng không bao giờ nghĩ là mình sẽ được nhận lại”. 

Thầy Nguyễn Tấn Văn, cựu giảng viên trường Đại học Nông Lâm thì nhấn mạnh: “Làm người thì phải cố để trở thành một người tử tế, làm thầy giáo thì lại càng phải tử tế hơn, bởi nhà giáo là đi dạy người. Người thầy giáo phải luôn nêu gương cho người khác, nói hay và hành động cũng phải hay. Không bon chen, vị kỷ, trung thực, sòng phẳng, có nghĩa có tình, có trước có sau. Dù là đang dạy hay đã nghĩ hưu cũng vậy”.

Vẫn nặng gánh những nỗi lo

Có những nhà giáo tài hoa, nhiều kinh nghiệm đã phải từ giã mái trường, lớp học, xa các em học sinh thân yêu vì tuổi cao sức yếu. Đó là nỗi luyến tiếc day dứt khôn nguôi, khiến mỗi người trong chúng ta, khi nghĩ đến đều cảm thấy chạnh lòng, dẫu biết rằng đó là quy luật tất yếu của thời gian.

Cô Đoàn Thị Ngọc, cựu giáo viên huyện Dĩ An tâm sự: “Bây giờ bạn bè đồng nghiệp mỗi người một cảnh ngộ, hầu hết đã an nhàn nhưng chúng tôi vẫn cứ luôn ước ao được sống lại cùng nhau, miệt mài chăm chỉ say mê với công việc của cái thời thực sự hạnh phúc, đầy ắp tin yêu. Dù đã về hưu được nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi ở đâu đó có những thành tích giáo dục tôi cũng thấy vui lây, và khi nghe những chuyện tiêu cực trong giáo dục gần đây như thầy đánh trò, trò thóa mạ thầy, thầy cô mất nhân cách... lòng tôi cũng quặn thắt lại vì buồn”.

Thầy Võ Kim Lân, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Thuận An thì băn khoăn trước những chấn chỉnh, cải tiến của ngành giáo dục trong giai đoạn mới nhưng ông cho biết: “Tôi rất vui mừng và mong nền giáo dục của nước ta sớm đi vào thực chất. Không còn cảnh học sinh “ngồi nhầm lớp”, không có “bệnh thành tích”... mà chất lượng đào tạo được nâng lên ngang tầm với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Giáo viên không còn dạy áp đặt mà có cách dạy thu hút học sinh, làm sao để học sinh thích học hơn chơi, làm sao cho các em say mê với những điều mà mình đã dạy, đó cũng là một thành công của người thầy giáo”.

Còn thầy Đào Văn Nghị, cựu giáo viên huyện Thuận An thì thẳng thắn nói: Trước thời sự giáo dục hiện nay mà một giáo viên đã nghỉ hưu như tôi không thể hiểu và không dám nhận xét gì, nhưng bên cạnh đó nó vẫn gợi cho tôi những hình ảnh buồn. Nhất là về vấn đề đạo đức học đường, khi sáng nay, mua tờ báo để đọc, lại thấy đưa tin hai học trò đánh nhau. Trong lòng tôi lại tự hỏi, đạo đức học sinh dạo này đang bị suy đồi? Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ, là người thầy dù không còn đứng trên bục giảng nhưng lòng tôi vẫn cứ day dứt mãi không thôi”.

Cô Huỳnh Nguyệt Thu, cựu giáo viên TX.TDM thì khẳng định: “Thời gian gần đây, theo dõi thông tin trong ngành, tôi biết được đạo đức một số giáo viên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một điều đáng buồn và làm tôi trăn trở nhiều. Theo tôi, một người thầy tốt nhất thiết phải có hai yếu tố không thể tách rời nhau, đó là lương tâm và chuyên môn. Lương tâm là cái đi trước và sau đó là chuyên môn. Muốn vậy, trước hết người thầy phải yêu nghề và đồng thời phải yêu thương thật sự những học trò, những giáo viên của mình bằng một tình cảm của một người thầy, một ngươi bạn”.

Cho đến bây giờ, dù đã về hưu, đã rời xa bảng đen, phấn trắng để về với cuộc sống thanh đạm của tuổi xế chiều. Nhưng có lẽ, tôi biết và ai cũng biết, từ trong sâu thẳm lòng mình, các thầy cô vẫn luôn hướng về nơi ấy... Nơi có ngôi trường yêu dấu với bao thế hệ bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu. Đó cũng chính là giá trị nhân văn mà cả cuộc đời các thầy, các cô theo đuổi.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X