Nặng lòng với nấm

Cập nhật: 09-08-2011 | 00:00:00

Gắn bó với nghề trồng nấm hơn 10 năm, nay chị Nguyễn Thị Minh Tấn (ấp Long Thọ, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng) đã là một chủ trại trồng nấm nổi tiếng trong tỉnh Bình Dương.

Trăn trở

Năm 1998, chị Nguyễn Thị Minh Tấn bắt đầu đến với nghề nấm, chủ yếu là nấm linh chi và nấm bào ngư. Tuy nhiên, trại nấm chỉ cho năng suất cao ở lần trại mới, còn từ trại nấm trồng về sau thì không như ý. Sau một thời gian nghiên cứu, chị rút ra được kinh nghiệm là bất cứ một loại nấm nào cũng phải cần trại mới. Trồng đợt một xong phải xả hết, để không một thời gian, cách ly rồi mới trồng tiếp thì mới hiệu quả.

 Chị Tấn trong phòng cấy meo tại trại nấm gia đình

Chị cho biết, khó khăn nhất của người trồng nấm là khi bắt đầu khởi sự, lúc đó chưa có kinh nghiệm, hơn nữa trồng nấm phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, nếu tưới ít quá hay nhiều quá cũng không được. Năm 2004 chị không trồng nấm nữa mà chuyển sang lĩnh vực nhân giống cho các trại trong tỉnh. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này chị cũng gặp không ít những khó khăn trong quá trình hấp phôi và đã phải nhờ đến GS.Lê Duy Thắng, chuyên ngành nấm giúp đỡ. Dù được tận tình hướng dẫn, xem rất nhiều tài liệu và sách chuyên khảo về nghề nấm nhưng vẫn không thể nào thành công vì không hợp với điều kiện cơ sở vật chất và môi trường của trại. Thao thức, trăn trở cuối cùng chị đã tìm ra nguyên nhân đó là thiếu lò hơi để đưa hơi nước vào cho nấm.

Thành công

Hiện nay, bình quân mỗi ngày trại trồng nấm của chị sản xuất được khoảng 2.000 bịch phôi/ngày. Nấm bào ngư có giá bán khoảng 2.500 đồng/bịch phôi; nấm linh chi có giá từ 2.700 - 2.800 đồng/bịch phôi, riêng nấm mèo chỉ có một mùa vụ chính vì mùa mưa năng suất cao hơn. Giá bán khoảng 2.700 đồng/bịch phôi. Mỗi năm bình quân xuất được từ 60.000 - 80.000 phôi nấm mèo. Bình quân mỗi năm trại của chị bán được từ 300.000 - 400.000 phôi giống. “Trong quá trình làm giống có 3 khâu quan trọng nhất đó là nguyên liệu, trộn và cấy meo”, chị Tấn chia sẻ. Về nguyên liệu, bắt buộc phải là mạt cưa cao su, những loại khác như điều hay gỗ tạp sẽ cho năng suất không cao. Loại nấm linh chi thích hợp nhất với mạt cưa cao su tươi, còn khi phân hủy rồi thì lại thích hợp với nấm bào ngư. Trồng nấm nhàn, lại cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, kỹ thuật trồng nấm đòi hỏi phải khắt khe và phải có lòng kiên trì.

Chị Tấn cũng sẵn sàng đem tất cả những kinh nghiệm, hiểu biết để truyền đạt lại cho bà con nông dân. Chị cũng từng được Trung tâm Khuyến nông của tỉnh mời đi chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhiều người khác. Chị cũng nguyện là người trung gian giữa Nhà nước và nông dân để phần nào giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên