Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương: Bình Dương đứng tốp đầu

Cập nhật: 04-12-2013 | 00:00:00

Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế vừa công bố báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương năm 2013. Đây là năm thứ hai liên tiếp và cũng là lần đầu tiên các chuyên gia kinh tế, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAid) và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh đi sâu nghiên cứu, đánh giá thực trạng hội nhập của từng địa phương trên cả nước. Bình Dương tiếp tục đứng trong tốp đầu cả nước về Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Cơ sở nghiên cứu

Giám đốc văn phòng Ban chỉ đạo chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO Trần Minh Anh cho biết, cơ sở xếp hạng năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương dựa trên 8 trụ cột chính là năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, các quan điểm của nhóm tác giả trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các mô hình trên thế giới về hội nhập kinh tế nhằm đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương đối với năng lực hội nhập hiện tại; các tác động của hội nhập đến tăng trưởng phúc lợi cho người dân và phát triển kinh doanh, doanh nghiệp để chỉ ra các điều chỉnh cần thiết cho việc thu hút nguồn lực phát triển bền vững. Dựa trên tính chất của từng đối tượng, các trụ cột trên cũng được chia ra làm 2 nhóm chính. Nhóm các yếu tố tĩnh gồm đặc điểm địa phương, bản sắc văn hóa, cơ sở hạ tầng, thể chế. Nhóm động là các yếu tố có tính tăng giảm như thương mại (hàng hóa, dịch vụ); đầu tư (tiền, vốn và công nghệ); con người (lao động, di cư); du lịch...

Sự quan tâm động viên, khen thưởng và kịp thời tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo tỉnh là nguồn động lực quan trọng để DN vươn lên phát triển và hội nhập. Trong ảnh: Tuyên dương các DN, doanh nhân Bình Dương xuất sắc nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2013

Cơ sở xếp hạng dựa trên các số liệu, báo cáo của địa phương, các bộ, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan… Đồng thời nhóm nghiên cứu còn tiến hành điều tra 2.060 người dân, 2.058 doanh nghiệp để đưa ra kết quả khách quan và chính xác nhất. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cho biết: “Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm mở cửa và hội nhập kinh tế nên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương rất cần có đánh giá thường xuyên về năng lực và hiệu quả hội nhập nhằm kịp thời chấn chỉnh. Mục đích chính của việc công bố chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương không phải xếp hạng cao, thấp mà là xác định mức độ hội nhập địa phương, đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương với năng lực hiện tại, từ đó khuyến nghị các điều chỉnh cần thiết…

Doanh nghiệp phấn khởi

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á Nguyễn Thanh Trung (KCN Sóng Thần) phấn khởi cho biết, khi mới mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp chỉ đầu tư, trang bị dây chuyền máy móc thiết bị đơn giản, lạc hậu, tạo ra sản phẩm có giá trị trung bình và chỉ tham gia thị trường trong nước hoặc xuất khẩu sang một số nước lân cận trong khu vực. Nhưng đến nay, những doanh nghiệp còn trụ vững đã chuyển sang đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường khó tính, đòi hỏi kỹ thuật, tiêu chuẩn cao.

Ông Trung cũng chia sẻ: “Thời gian đầu hội nhập ai cũng gặp khó vì mới mẻ, chưa có kinh nghiệm, còn phụ thuộc nhiều ở bên ngoài. Nhưng qua thời gian hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới, bên cạnh những khó khăn, doanh nghiệp còn có cơ hội thuận lợi trong chọn lựa đối tác, chủ động nắm bắt cơ hội và học tập được nhiều kinh nghiệm. Một yếu tố quan trọng góp phần vào thành công của doanh nghiệp là lợi thế địa phương với chính sách cởi mở thông thoáng và hạ tầng hoàn thiện giúp DN tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”!

Tổng Giám đốc Công ty ván sàn Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan (KCN Nam Tân Uyên) cho biết, năm 2013 nền kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu hồi phục và tốc độ xây dựng đã tăng rất nhanh (35%). Dự kiến tốc độ xây dựng còn tăng và kéo dài đến năm 2015. Với kiến trúc, mỹ thuật hiện đại thì ván sàn được sử dụng để thay thế đến trên 60% các loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất khác nhờ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiện lợi, bền, đẹp. Hiện Sao Nam đã là thành viên của Hiệp hội ván sàn Hoa Kỳ nên rất thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin, đơn hàng vì Việt Nam có môi trường sản xuất thuận lợi, công nhân có kinh nghiệm và tay nghề cao. Đây chính là cơ hội tốt để ngành ván sàn Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng có cơ hội phát triển. Tuy nhiên hội nhập kinh tế quốc tế phải tính đến yếu tố bền vững và vai trò của các hiệp hội ngành hàng là rất quan trọng.

Giữ vững tốc độ phát triển

Trong 10 tháng đầu năm 2013, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai tích cực, đồng bộ và quyết liệt các biện pháp, các nghị quyết của Trung ương và tỉnh đã tác động tích cực đến nền kinh tế với nhiều kết quả đáng phấn khởi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, trên 13,2% so cùng kỳ, đạt 123.966 tỷ đồng. Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,3%, chiếm 32,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%, chiếm 67,8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển. Chỉ số giá tiêu dùng được kiềm chế. Dư nợ tín dụng có chuyển biến tích cực và tăng khá so với đầu năm. Tỷ giá ngoại tệ ổn định. Lãi suất từng bước giảm dần. Nợ xấu được xử lý theo đúng lộ trình. Xuất khẩu duy trì ở mức tăng trưởng khá và đúng hướng. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 11,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,7% so cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 8,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 16,5% so cùng kỳ. Năm 2013 là năm Bình Dương xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thương mại chung của cả nước.

Các chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Môi trường đầu tư được cải thiện. Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đạt mức cao, đã vượt kế hoạch năm. Đầu tư trong nước có 1.479 lượt DN đăng ký mới và 344 lượt DN tăng vốn với tổng vốn là 12.996 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đã thu hút được 1,19 tỷ đô la Mỹ, gồm 16 dự án với tổng vốn đầu tư là 713,7 triệu USD. Thu ngân sách đạt khá so với dự toán và tăng so cùng kỳ, đạt 24.000 tỷ đồng, chiếm 82,7% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 20% so cùng kỳ.

An sinh xã hội được bảo đảm. Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề được triển khai có hiệu quả cao so cùng kỳ. Tình hình tranh chấp lao động tập thể, đình công và tai nạn lao động giảm đáng kể. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ được tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, phát huy tính liên kết vùng, hướng đến phát triển bền vững trong hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên