Nếu chăm chỉ và biết tiết kiệm sẽ thoát nghèo

Cập nhật: 09-10-2010 | 00:00:00

  Chị Ngưu Thị Dung (bìa trái) đang nhớ lại những ngày khó khăn của gia đìnhĐó là kinh nghiệm vượt khó, làm giàu của một phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo. “Để có được ngày hôm nay là sự cố gắng của cả gia đình chúng tôi trong làm ăn và tiết kiệm. Nếu không chăm chỉ làm ăn và tiết kiệm thì gia đình tôi bây giờ chắc cũng thuộc diện đói nghèo của xã...”, chị Ngưu Thị Dung đúc kết kinh nghiệm vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của gia đình.

Phải chăm chỉ mới thoát được cái nghèo

Chị Ngưu Thị Dung, SN 1965, người dân tộc Khmer bồi hồi nhớ lại thời kỳ còn khó khăn: “Năm 1982, tôi lập gia đình cùng anh Kim Hoài. Do cả hai bên gia đình đều nghèo nên chẳng giúp đỡ được gì cho vợ chồng tôi. Cuộc sống của gia đình tôi lúc ấy rất vất vả, nay ở nhờ chỗ này, mai đậu ở chỗ khác để làm thuê kiếm sống qua ngày. Không cam chịu nghèo khổ, vợ chồng tôi động viên nhau tranh thủ khai hoang, phát rẫy để trồng trọt. Cuộc sống khó khăn vẫn cứ mãi đeo bám gia đình khi các con lần lượt chào đời. Khó khăn lại càng khó khăn hơn khi chúng nó mỗi ngày một lớn, việc ăn học của các con tốn kém nhiều hơn, trong khi đó những thành quả của những ngày gian khổ khai hoang, phát rẫy vẫn chưa có. Do vậy, vợ chồng tôi thường hay nhắc nhở, động viên nhau là phải chăm chỉ làm ăn và chi tiêu thật tiết kiệm thì mới có thể thoát khỏi cái nghèo”.

Và, thành quả của sự chăm chỉ đó là đến nay anh chị đã có trong tay 8 ha cao su, trong đó có 2 ha đang cho khai thác, 6 ha khác cũng bắt đầu đến kỳ thu hoạch. Đến năm 2004, gia đình chị đã thoát cái nghèo đeo đẳng suốt hơn 20 năm và trở thành khá giả từ chính sự chăm chỉ, cần cù và tiết kiệm. Gia đình chị hiện đã xây dựng được ngôi nhà khá khang trang, mua sắm được các vật dụng thiết yếu trong gia đình và mua được máy cày để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị thu nhập khoảng 20 triệu đồng, nhưng điều đáng nói là tuy trước đây khó khăn như vậy, nhưng gia đình chị không để cho các con phải thiệt thòi, phải nghỉ học giữa chừng. Tất cả 3 người con của anh chị đều được đến trường, được học hành đến nơi đến chốn.

Thấy người ta nghèo thì mình giúp

Cũng như đa phần những người xuất thân từ nghèo khó, sau khi có cuộc sống khá giả họ thường nghĩ đến những ngày tháng cơ hàn của mình để lấy đó làm động lực cho các hoạt động xã hội và chị Ngưu Thị Dung cũng tiếp bước theo những việc làm tích cực đó của nhiều người. Mộc mạc như chính con người lao động cần cù, chăm chỉ của mình chị nói: “Thấy người ta nghèo thì mình giúp đỡ thôi, mình chẳng nghĩ gì cả, chẳng mong đòi hỏi ai phải trả lại cho mình, mình chỉ mong những người nghèo khó có cuộc sống ấm no, như vậy là mình mừng lắm rồi. Mình cũng mong sao cuộc sống mình ngày một khá hơn để mình giúp đỡ được nhiều hơn cho người nghèo, nhất là chị em phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc như mình”.

Như muốn để chúng tôi hiểu hơn động lực thúc đẩy chị đến với người nghèo, đến với chị em phụ nữ nghèo ĐBDTTS, chị cho biết là người từng sống trong cảnh đói nghèo, chị hiểu những nỗi khổ của người nghèo, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo ĐBDTTS thì cuộc sống càng khốn khó hơn. Do vậy, khi cuộc sống gia đình đã khá hơn, chị nghĩ mình nên cố gắng tạo điều kiện giúp đỡ cho những người nghèo khó hơn mình. Từ đó, mỗi lần có ai nghèo khó cần giúp đỡ, có bao nhiêu, khả năng giúp họ được bao nhiêu là chị đều bàn với chồng giúp đỡ họ mà không tính lãi. Có những chị em phụ nữ cùng xóm mượn của chị cả chục triệu đồng, nhưng hơn 2 năm qua vẫn chưa có để trả. Có những chị em mượn tiền để sản xuất, nhưng thất bại, chị xóa nợ cho chị em vì biết họ lấy đâu ra tiền để trả. “Mình biết đối với người nghèo một hai triệu đồng là rất lớn, đòi lúc họ khó khăn thì có khác gì ép họ vào con đường cùng”, chị Ngưu Thị Dung bộc bạch.

Nói về chị Ngưu Thị Dung, chị Ngô Thị Phước, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thịnh, tự hào: “Trong số những chị em phụ nữ ĐBDTTS, chị Ngưu Thị Dung là một trong những tấm gương phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng chính sự cần cù, chăm chỉ, siêng năng. Không chỉ lao động sản xuất giỏi, chị Dung còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, luôn đi đầu trong công tác giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo nói riêng, người nghèo nói chung. Đây là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Việt Nam”.

Chăm chỉ và tiết kiệm là phương châm sống của chị Ngưu Thị Dung. Chính nhờ phương châm sống có định hướng đó mà từ một gia đình nghèo khó, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, có một cuộc sống khá và giúp đỡ được rất nhiều người nghèo. Đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của chị Ngưu Thị Dung khẳng định một điều là để vươn lên thoát nghèo điều kiện quyết định chính là nỗ lực và ý chí của chính bản thân mỗi người.

HOÀI PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên