Nếu tách, phải hi sinh một bé

Cập nhật: 15-10-2011 | 00:00:00

Đó là ý kiến của bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) về trường hợp bé gái sơ sinh hai đầu. Trao đổi với PV, bác sĩ Hiếu nói:

- Sức khỏe bé gái sơ sinh hai đầu vẫn ổn định và đang được săn sóc đặc biệt tại bệnh viện chúng tôi. Đây là một trường hợp song sinh dính liền không hoàn chỉnh. Nhìn bên ngoài, bé có hai đầu, hai cổ riêng và bắt đầu dính nhau từ ngực trở xuống. Hai bé có hai tay, hai chân, bàn tay bên phải có sáu ngón và một mầm chi (cánh tay không hoàn chỉnh) nhô ra phía sau lưng.

  Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu âm Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), siêu âm tổng quát cho bé gái hai đầu tại khoa hồi sức sơ sinh

Tuy nhiên, các cơ quan nội tạng bên trong khá phức tạp. Sau hai giờ tiến hành khảo sát, kết quả siêu âm tim cho thấy hai bé có hai quả tim nhưng dính nhau, có chung một vách ở tâm nhĩ. Cả hai đều có dị tật tim bẩm sinh, tình trạng này của bé bên phải phức tạp hơn bé bên trái.

Dù sao vẫn là con cháu

Gặp chúng tôi tại khu vực dành cho thân nhân khoa hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, bà L.T.D., bà ngoại của bé sơ sinh hai đầu, buồn bã cho biết hiện mẹ của bé vẫn đang nằm viện tại Sóc Trăng. Bà ngoại các bé cho biết dù thế nào bà cũng xem là con cháu của mình, máu thịt của mình. Bà cùng một người con trai tất tả theo xe chuyển viện lên TP.HCM và có mặt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 để theo dõi tình hình và chăm sóc các bé. Có dịp được mặc áo blouse vào thăm cháu là bà mừng rỡ không bỏ sót cơ hội nào.

Nhắc đến hoàn cảnh của con gái, bà L.T.D. cho biết ba của các bé đã bỏ đi từ lúc con gái bà có thai tháng thứ sáu. Bà không biết hết sự phức tạp của dị tật trên cơ thể cháu mình nên nói thật thà: “Gia đình tôi nghèo, hết tiền thì chắc xin bác sĩ cho xuất viện đem về nhà nuôi, khi nào bác sĩ cho mổ thì mổ”.

- Kết quả siêu âm và X-quang thế nào, thưa bác sĩ?

- Qua phim X-quang cho thấy hai bé có hai cột sống riêng biệt. Kết quả siêu âm bụng xác định hai bé có hai thực quản xuống hai dạ dày, nhưng chung nhau từ phần dưới dạ dày xuống tới hậu môn. Hiện hai bé đã bài tiết ra phân su. Về đường tiết niệu, hai bé có chung một lá gan, nhưng lại có hai túi mật. Hệ tiết niệu sinh dục chung gồm mỗi bé một quả thận, chung một bọng đái, một bộ phận sinh dục. Hai bé đã đi tiểu bình thường, tạm thời cho thấy chức năng thận bình thường.

Siêu âm mạch máu cho thấy vấn đề bất thường hơn, đó là các bé có chung một động mạch chủ bụng, khi lên đến tim thì chia làm hai. Cần khảo sát thêm để xem quả tim nào là nơi cung cấp máu chủ yếu cho cơ thể. Tuy hai lá phổi bình thường, hai bé vẫn thở đều nhưng động mạch phổi bị hẹp.

  Bác sĩ Đào Trung Hiếu

- Xin bác sĩ cho biết hướng xử trí tiếp theo?

- Do tính chất phức tạp của các dị tật bên trong nên dự kiến vào thứ hai (17-10), chúng tôi sẽ tiến hành chụp CT toàn bộ hệ thống mạch máu để có thể biết chắc chắn không còn bất kỳ dị tật nào khác mà các khảo sát siêu âm và X-quang chưa tìm ra hay không. Khi đó mới có thể đưa ra các hướng xử lý thích hợp.

- Bác sĩ đánh giá thế nào về cơ hội sống sót của hai bé?

- Ngay cả trên thế giới, không phải ca song sinh dính liền nào cũng có thể tách rời được. Nhiều cặp song sinh dính nhau vẫn có thể sống bình thường. Riêng trường hợp song sinh dính liền không hoàn chỉnh thì tại Mỹ có một cặp vẫn sống, sinh hoạt bình thường từ năm 1999 đến nay. Do đó, trường hợp hai bé của chúng ta sẽ có ba khả năng:

Một là, nếu hai bé cho thấy dấu hiệu thích nghi cuộc sống, chúng tôi sẽ để các bé sống “hòa bình” với nhau. Hai là, nếu qua CT scan mạch máu cho thấy các dấu hiệu bất thường thì phải tiến hành mổ tách. Trong trường hợp này sẽ chọn hi sinh bé nào có đáp ứng yếu hơn để cứu bé còn lại. Nhưng tôi xin nhấn mạnh lại, kết quả CT scan sẽ cho biết chính xác nhất khả năng này. Ba là, khả năng không mong muốn nhất. Đó là cả hai bé đều có dấu hiệu xấu như nhau, các dị tật bên trong quá phức tạp sẽ dẫn đến tử vong. Thông thường, nếu rơi vào trường hợp này thì các bé có thể sống sót chỉ trong 3-4 tuần sau khi sinh. Hiện sức khỏe cả hai vẫn bình thường. Các bé phải ăn qua đường truyền dịch tĩnh mạch.

- Y văn thế giới có ghi nhận những cặp song sinh tương tự?

- Song sinh dính liền đã hiếm gặp và song sinh dính liền không hoàn chỉnh như trường hợp này lại càng hiếm hơn. Cách đây khoảng hai năm, tôi đã từng mổ tách một ca song sinh dính liền không hoàn chỉnh nhưng ít phức tạp hơn ca này vì chỉ dính nhau phần dưới xương hông và có bốn chân. Cùng năm đó, tôi cũng tiếp nhận và mổ cho hai ca song sinh dính liền hoàn chỉnh khác. Đến nay, trường hợp này là mới nhất tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

- So với cặp song sinh Việt - Đức trước đây thì tình trạng hai bé này như thế nào, thưa bác sĩ?

- Việt - Đức cũng là một cặp song sinh dính liền không hoàn chỉnh. Nhưng Việt - Đức cũng chỉ dính phần xương hông, ít phức tạp hơn ca này.

Các trường hợp trẻ sinh ra có hội chứng hai đầu

Theo AP, từ năm 1990 đến nay trên toàn thế giới có khoảng 10 trẻ sơ sinh có hội chứng hai đầu (Dicephalic Parapagus).

Giới chuyên gia cho rằng hiện tượng trẻ sinh đôi dính liền chung cơ thể cực kỳ hiếm trên thế giới. Đa số sản phụ khi siêu âm đều chỉ thấy một phôi thai và chỉ đến khi sinh mới phát hiện. Nguyên nhân do tế bào trứng sau khi thụ tinh không phân đôi hoàn thiện. Phần lớn các trường hợp trên xảy ra ở tây nam châu Á và châu Phi, song một số ít trường hợp xuất hiện ở phương Tây trong những năm gần đây.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 5-5-2011 tại thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), một bé gái sơ sinh hai đầu đã chào đời. Bé sinh ra cân nặng 4kg, dài 51cm, có hai đầu, một cơ thể, hai cánh tay, hai chân, hai xương sống, hai thực quản và có chung các cơ quan nội tạng khác. Các bác sĩ cho biết không thể mổ tách vì bé chỉ có một quả tim, nguy cơ tử vong rất cao.

Trước đó, tháng 7-2009, bé gái họ Arciaga có hai đầu đã được sinh ra ở Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial (FMH), Manila, Philippines. Sau đó bé gái này được chuyển tới Bệnh viện Tim Philippines và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Trung tâm Tim mạch Philippines cho biết bé sinh ra nặng 2,7kg với hai đầu, hai trái tim trong cùng một túi, hai cột sống, song có chung các bộ phận nội tạng khác, bao gồm phổi và thận. Theo tiến sĩ Ruben Flore, Giám đốc FMH, đây là một trường hợp rất hiếm ở Philippines và trên thế giới.

Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Maryland (Mỹ) cho biết, tỉ lệ sống sót sau phẫu thuật của các cặp song sinh này không cao, chỉ từ 5-25%. Dữ liệu ghi nhận khoảng 75% trường hợp song sinh dính liền thân và có hai đầu đều tử vong trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Song trường hợp của Abigail và Brittany Hensel ở Minnesota (Mỹ) đã làm thế giới kinh ngạc khi họ đã bước sang tuổi đôi mươi với cuộc sống khá thú vị trên một cơ thể và hai đầu riêng biệt.

Abigail Hensel và Brittany Hensel sinh ngày 7-3-1990, hai chị em có hai dạ dày, bốn lá phổi, ba quả thận, hai cánh tay và dính liền nhau ở khung xương chậu. Họ có chung một xương sống, một xương chậu, một lá gan, một ruột già, một ruột non, một bàng quang, một âm đạo, một tử cung. Đầu của Abigail nằm bên phải còn Brittany nằm bên trái. Họ đã cùng học chơi các môn thể thao như bóng chuyền và bóng rổ, cùng đạp xe và sinh hoạt bình thường trong cùng một gia đình. Hai cô thậm chí đã thi lấy bằng lái xe năm 16 tuổi. Khi lái xe, Abigail điều khiển chân ga, thắng, chân côn và cần số, còn Brittany tập trung vào hệ thống đèn chiếu sáng trên xe.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên