Ngăn chặn Dịch heo “tai xanh” ở Lai Hưng (Bến cát): Cần sự tự giác hợp tác của người chăn nuôi!

Cập nhật: 12-10-2010 | 00:00:00

Những ngày cuối tuần qua, người dân ấp Cầu Sắt và cán bộ xã Lai Hưng, Bến Cát đang “gồng mình” chống chọi với dịch bệnh heo “tai xanh” (HTX) đang hoành hành ngày một nghiêm trọng nơi đây. Số heo mắc bệnh không ngừng tăng trong khi một số hộ chăn nuôi cương quyết không tiêu hủy đàn heo dù chúng đã bị bệnh từ nhiều ngày qua.

Ông Lê Thanh Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, cho biết dịch bệnh HTX được phát hiện ở xã vào ngày 29-7-2010. Khởi phát là từ ấp Bến Tượng, sau đó lan sang các ấp Lai khê, Cầu Đôi và cuối cùng là ấp Cầu Sắt. Tình hình dịch bệnh HTX ở ấp Cầu Sắt đã diễn ra hơn một tháng nhưng đến nay địa phương vẫn chưa dập được dịch. Toàn ấp Cầu Sắt có khoảng 500 hộ chăn nuôi thì có đến gần 400 hộ chăn nuôi heo. Đến ngày 7-10, toàn ấp đã có 84 hộ chăn nuôi heo có heo bệnh với tổng số trên 700 con đã được tiêu hủy, tương đương 29 tấn thịt.

 

Người dân cần phối hợp với ngành chức năng để nhanh chóng dập dịch HTX

Ông Len cho biết, ngay khi phát hiện dịch, xã đã triển khai các biện pháp phòng chống và đã khống chế được dịch ở các ấp, trừ ấp Cầu Sắt. Nguyên nhân đến nay dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở ấp Cầu Sắt là do người dân không tích cực hợp tác với ngành chức năng trong việc khống chế dập dịch. Nhiều hộ dân có heo mắc bệnh đã nhiều ngày, điều trị không khỏi nhưng vẫn không chịu tiêu hủy. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Hoa, trưởng ấp Cầu Sắt thì một số hộ cả vợ chồng đều làm công nhân nhưng vẫn nuôi heo ở nhà. Việc kiểm tra tình hình dịch bệnh vì thế rất khó khăn. Ông Hoa cho biết, một số trường hợp khi ngành chức năng đến kiểm tra thì heo đã chết mà chủ vẫn còn đang làm việc trong nhà máy nên không hề hay biết. Những trường hợp này chủ yếu là các gia đình ở trọ trên địa bàn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để cứu đàn heo, nhiều hộ đã tự điều trị và không ít hộ đã mất tiền triệu mà heo vẫn cứ chết. Một cán bộ xã Lai Hưng cho biết, những trường hợp “mất cả chì lẫn chài” như vậy là không ít. “Nhiều hộ cả đàn heo bị bệnh chỉ nằm chờ chết nhưng chủ nhà vẫn mua thuốc điều trị mà không chịu tiêu hủy. Những hộ tự nguyện đăng ký tiêu hủy thì rất hiếm...”, ông Hoa, trưởng ấp Cầu Sắt nói.

Việc người dân không chịu tiêu hủy heo bệnh không phải do giá hỗ trợ tiêu hủy thấp (25.000 đồng/kg) như nhiều người nghĩ mà chủ yếu là do tâm lý chờ khi qua dịch giá bán heo sẽ cao hơn. Chính vì tâm lý này mà nhiều người quyết giữ heo lại để điều trị cho dù có khi rơi vào hoàn cảnh tính già hóa non. Ông Lê Thanh Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, cho biết nếu trong những ngày tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, những hộ nào có heo bị bệnh đã điều trị từ 7 - 10 ngày mà không khỏi thì có thể xã sẽ đề nghị cấp trên cưỡng chế tiêu hủy những đàn heo bị bệnh đó nhằm khống chế dịch. Ngay khi có dịch, xã Lai Hưng đã báo cho Chi cục Thú y của tỉnh và đơn vị này đã đến kiểm tra, xét nghiệm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khi phát hiện đàn heo có dấu hiệu bị bệnh người dân không báo với ngành chức năng. Đặc biệt, các hộ ở trọ có chăn nuôi heo nhưng do chuồng trại tạm bợ không bảo đảm các quy trình phòng bệnh nên dịch bệnh rất dễ phát tán từ những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ này.

Ông Nguyễn Văn Hoa, trưởng ấp Cầu Sắt cho biết, nếu không có biện pháp khống chế dịch kịp thời thì tổng đàn heo gần 4.000 con trong ấp có nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao. Hiện tại, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn ấp Cầu Sắt đã có gần 1.000 con heo bị bệnh.

TR.DŨNG - Q.TÁM
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=473
Quay lên trên