Ngành dệt may hứa hẹn một năm mới đầy khởi sắc

Cập nhật: 21-02-2010 | 00:00:00

Năm 2009 được đánh giá là một năm vươn lên của ngành dệt may. Năm 2010 này, cùng với sự hồi phục của nền kinh tế thế giới và trong nước, ngành dệt may cũng hứa hẹn một năm mới phát triển đầy khởi sắc.

 

Ngành dệt may hứa hẹn một năm đầy khởi sắc

Năm 2009 ngành dệt may đã nỗ lực dùng nhiều biện pháp vượt qua khó khăn. Bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành dệt may còn đặc biệt chú trọng phát triển thị trường trong nước. Năm 2009 ngành dệt may đã là một trong những ngành đi đầu về phát triển thị trường nội địa. Năm 2010 này, ngành dệt may đang nỗ lực phấn đấu, hứa hẹn một năm phát triển đầy khởi sắc.

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu

 

Ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành hàng đứng đầu về xuất khẩu cả nước. Năm 2009, ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu là 9,1 tỷ USD tăng 1% so với năm 2008, trong điều kiện xuất khẩu của cả nước tăng trưởng “âm”, thì những nỗ lực của ngành dệt may là một điều đáng ghi nhận trong điều kiện sức mua của nhiều thị trường lớn trên thế giới giảm và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực khác của Việt Nam đều giảm như da giày, đồ gỗ, thủy sản...

 

Đến nay doanh nghiệp dệt may của Việt Nam đã có thể xuất khẩu một số loại nguyên phụ liệu thay vì hoàn toàn nhập khẩu như trước đây. Các dòng sản phẩm mới như vải, xơ polyester, phụ liệu, sợi... được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông.

 

Đặc biệt, nếu trước đây doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường phải nhập khẩu sợi từ Trung Quốc thì đến nay đã có sản phẩm sợi xuất khẩu ngược trở lại thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp dệt vươn lên làm ăn có lãi.

 

Bên cạnh việc xuất khẩu những mặt hàng may mặc thông thường, doanh nghiệp Việt Nam đã tăng xuất khẩu sản phẩm may mới, có tính truyền thống như lụa tơ tằm vào những thị trường khó tính, kể cả Trung Quốc.

 

Cho đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý I, thậm chí là quý II năm 2010.

 

Năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là năm kỷ niệm 15 năm thành lập Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 10,5 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nói trên, ngành dệt may Việt Nam sẽ tập trung vào các giải pháp thiết thực.

 

Cụ thể, ngành sẽ tổ chức lại sản xuất, chú trọng tìm mọi biện pháp để tiết giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, phần mềm quản lý để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, ngành sẽ tận dụng tất cả các cơ hội để thu hút đơn hàng, duy trì và khai thác hiệu quả các khách hàng truyền thống và phát triển thêm được khách hàng mới nhằm góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, ngành sẽ chú trọng đến việc xây dựng liên kết với các khách hàng là những nhà bán lẻ, nhập khẩu lớn trên thế giới, tham gia vào các chuỗi liên kết của họ nhằm ổn định đơn hàng, khách hàng, tiếp cận kinh nghiệm quản lý, kinh doanh của họ.

 

Ngoài ra, ngành dệt may sẽ thực hiện tái cấu trúc sản xuất ngành may, di dời các xưởng sản xuất về các thị tứ và vùng nông thôn tiện đường giao thông. Những cơ sở tại thành phố chỉ tập trung sản xuất hàng cao cấp và phát triển kinh doanh nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và chi phí tăng nhanh. Hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh sẽ được thực hiện linh hoạt hơn.

 

Đồng thời, ngành dệt may sẽ quan tâm đúng mức đến việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp sản xuất vải (dệt, in, nhuộm, hoàn tất), đảm bảo có hệ thống xử lý nước thải nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp các doanh nghiệp may mặc đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu phong phú, nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng linh hoạt đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp may sẽ tham gia vào Liên minh các doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ cao ASEAN (AFSA).

 

Đặc biệt, ngành dệt may sẽ được thời trang hoá, tăng cường đào tạo thiết kế, marketing sản phẩm thời trang, phát triển thương hiệu sản phẩm.

 

Khai thác tiềm năng của thị trường nội địa

 

 

Bên cạnh phát triển thị trường xuất khẩu, năm vừa qua cũng như trong thời gian tới ngành dệt may vẫn luôn định hướng đi sâu vào các thị trường nội địa. Chính những khó khăn về xuất khẩu trong năm 2009 cũng như trong thời gian tới, đã khiến nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư mạnh cho thị trường nội địa. Nỗ lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu để dành lấy phần thị trường đang bị co hẹp và đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa là chiến lược hành động thành công của hầu hết các doanh nghiệp dệt may.

 

Trong năm qua, ngành dệt may đặc biệt đẩy mạnh phát động và triển khai nhiều hoạt động trong Chương trình khuyến khích Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động. Chương trình này được sự ủng hộ từ phía các doanh nghiệp dệt may và người tiêu dùng. Chương trình bước đầu đã xây dựng cho người tiêu dùng niềm tin vào hàng nội địa, giúp thương hiệu các sản phẩm Việt Nam đứng vững hơn.

 

Thị trường nội địa, được coi là một cứu cánh của nhiều doanh nghiệp dệt may trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Qua thống kê đối với mặt hàng may mặc nhu cầu của người tiêu dùng trong nước chiếm hơn 20% tổng nhu cầu hàng dệt may. Với chính sách giá thấp hơn giá thị trường từ 5-10%, người dân ở nông thôn đã rất hồ hởi đón chờ các phiên chợ. Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần nhằm đẩy lùi hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng đang trôi nổi trên thị trường. Năm qua, doanh thu từ thị trường nội địa của các đơn vị thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 26% so với năm trước ví dụ như Việt Tiến đạt trên 600 tỷ đồng, tăng gần 150 tỷ so với năm 2008; Nhà Bè đạt 300 tỷ đồng; May 10 đạt trên 100 tỷ đồng...

 

Các doanh nghiệp đã tập trung đổi mới toàn diện chiến lược phục vụ người tiêu dùng thông qua nghiên cứu thị trường, thị hiếu, tăng cường công tác thiết kế thời trang và sản phẩm mới, tổ chức dây chuyền sản xuất chuyên biệt phù hợp, đẩy mạnh hoạt động tiếp thị tại các thành phố lớn kết hợp với chương trình đưa hàng về nông thôn, tăng uy tín thương hiệu...

 

Rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm và hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước như Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Thái Tuấn, An Phước, Sanding, Foci, Vera, Wow, F House, Nino Maxx...

 

Một điều đáng mừng là các thương hiệu cao cấp như Sanciaro, Mahattan, N&M đang xuất hiện cùng những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới. Hiện nay, may Nhà Bè đang có kế hoạch chi tới 12 tỷ đồng, may Việt Tiến đầu tư 10 tỷ đồng cho hoạt động phát triển thương hiệu.

 

Với những kinh nghiệm tích lũy được trong năm 2009, trong năm nay 2010, ngành dệt may sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới. Hiệp hội Dệt may khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành cần tìm hiểu thị hiếu của từng vùng, lắng nghe ý kiến của người dân để từng bước hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp, phân khúc lại thị trường nhằm mục tiêu kinh doanh lâu dài.

 

Theo ĐCSVN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên