Ngành gỗ Bình Dương và những đòi hỏi cấp thiết

Cập nhật: 08-10-2010 | 00:00:00

Với thị trường xuất khẩu ổn định đến 65 quốc gia và vùng lãnh thổ (trước suy thoái kinh tế 2008-2009 là 70 quốc gia và vùng lãnh thổ), có thể nói cơ hội phát triển cho ngành nghề này có nhiều triển vọng. Thực tế từ năm 2006 đến nay sản lượng và giá đều tăng, 9 tháng đầu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 932 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng tháng 9-2010 đạt  hơn 113 triệu USD. Thị trường lớn là châu Á (53%), Bắc Mỹ (22%), châu Âu (khoảng 11%). Trước cơ hội đầy tiềm năng và cũng nhiều thách thức như vậy ngành chế biến gỗ của tỉnh nhà phải vượt qua những khó khăn như thế nào để đứng vững và phát triển?

Bài toán nguyên liệu?

Nguyên liệu chính của ngành chế biến gỗ của tỉnh được cung cấp bởi 3 nguồn chính: nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài (tập trung ở các công ty lớn), nhập từ các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Lắc... và nguồn gỗ vườn trồng tại địa phương mà chủ lực là cây cao su, cây điều, tràm... Với giá cả luôn có xu thế tăng cao và không ổn định, chính vì vậy mà giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu không cao và quan trọng nhất là doanh nghiệp (DN) không chủ động được sản xuất.

Trong khi giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu rất cao (chiếm tới hơn 70% giá thành sản phẩm) DN khó cạnh tranh trên thị trường nên các DN khai thác tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là các DN nhỏ không có khả năng để mua được gỗ từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình và thời tiết của Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nguyên liệu gỗ cho các DN, vào mùa mưa gần như nguồn gỗ từ rừng tự nhiên không thể khai thác được, hơn nữa rừng Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây đã bị xóa sổ rất nhiều, trong tương lai gần thì nguồn nguyên liệu này sẽ cạn kiệt. Nguồn gỗ vườn trồng như cao su, điều trong những năm cuối thế kỷ trước đến nay được quan tâm đặc biệt vì số lượng nhiều, dễ khai thác, dễ chế biến do vậy những loại gỗ này trước kia chỉ được dùng để đốt lò gạch thì nay đã có mặt trong nhiều sản phẩm gỗ trên nhiều nước. Hiện nay diện tích cây cao su của Bình Dương và một số địa phương khác còn rất lớn, vòng đời của cây cao su cũng không dài lắm (khoảng 30 năm) nên đây có thể nói là nguồn nguyên liệu tương đối dồi dào cho ngành chế biến gỗ của Bình Dương.

Khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới thì ngành chế biến gỗ của Bình Dương nói riêng cũng phải chấp nhận luật chơi mới, phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các nước thành viên. Thời điểm hiện tại khi thuế suất xuất khẩu đồ gỗ tinh chế sang Trung Quốc là 0% một số DN đã lợi dụng xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang Trung Quốc dưới danh nghĩa ván sàn, gỗ ghép để trục lợi, đẩy giá nguyên liệu lên cao, gây khó khăn cho các DN thực hiện hợp đồng đã ký trước đó.

Như vậy việc không tự chủ được nguyên liệu của các DN sẽ khó khăn đến việc duy trì và mở rộng sản xuất của DN và sự thật một số không ít DN chế biến gỗ của Bình Dương buộc phải thu hẹp sản xuất thậm chí tạm ngừng hoạt động. Giải quyết vấn đề này, một số DN có khả năng tài chính mạnh đã thuê đất trồng rừng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sau này, đây là một giải pháp mang tính chiến lược cao cần được nhân rộng, tuy nhiên chi phí ban đầu của trồng rừng là rất lớn nên nằm ngoài khả năng của các DN vừa và nhỏ, rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Thiếu lao động có tay nghề

Không chiếm nhiều lao động như may mặc và giày da, ngành chế biến gỗ cũng cần một lực lượng lao động đáng kể, nhất là lao động có tay nghề, nhưng đa số công nhân đều không được đào tạo chính quy, hoặc muốn học cũng chẳng tìm đâu trường lớp ở địa phương để học, tất cả chỉ là tự đào tạo tại chỗ. Chính vì việc học nghề không cần chi phí phần nào ảnh hưởng đến nhận thức của người lao động ở môi trường này, ít tôn trọng công việc, không có lòng đam mê, ý thức kỷ luật kém từ đó gây khó khăn cho sản xuất của DN.

Trong hầu hết các DN chế biến gỗ đều thiếu lao động, phải chăng lao động ở Bình Dương không đáp ứng được? Chưa có thống kê chính thức để đánh giá chính xác vấn đề này, nhưng thực tế người đang cư ngụ tại Bình Dương không có việc làm hoặc việc làm không ổn định không phải là con số nhỏ. Trong các trường nghề của tỉnh, huyện hầu như không có đào tạo công nhân cho ngành chế biến gỗ, điều này không phù hợp với xu thế phát triển của ngành nghề, DN không biết tuyển công nhân có tay nghề ở đâu, nhưng vì áp lực của sản xuất nên buộc phải dùng “vũ khí” tiền lương để tuyển người của công ty khác mà không thoát được cái vòng luẩn quẩn đó.

Doanh nghiệp phải  hiểu “luật chơi” mới

Khi chấp nhận hòa mình vào cuộc chơi, việc hiểu biết luật pháp để tránh mọi rắc rối không cần thiết cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là một việc làm rất quan trọng, nhất là xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, EU. Sau hơn 3 tháng áp dụng luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác (Luật Lacey) áp dụng cho sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ, các DN gỗ Bình Dương chưa có lô hàng nào gặp khó khăn bởi đạo luật này, mặc dù vậy các DN cần chuẩn bị kịp thời mọi thủ tục, giấy tờ cần thiết để tránh rủi ro trong tương lai.

Thời gian còn lại của năm 2010 hầu hết các DN chế biến gỗ của Bình Dương đã ký được các đơn hàng xuất khẩu, có DN còn có hợp đồng sản xuất cho năm 2011, do đó việc ổn định các yếu tố sản xuất để phát triển bền vững là đòi hỏi mang tính sống còn.

PHƯƠNG AN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên